Hệ lụy từ việc bán 'chui' cổ phiếu FLC

Sau vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán gần 75 triệu cổ phiếu mà không thông báo, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết từ ngày 11/1 đến khi có quyết định thay thế khiến cổ phiếu FLC và các mã liên quan giảm sàn hàng loạt. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy với mức thiệt hại chưa thể 'đong đếm'.

Theo thống kê, hiện các mã cổ phiếu niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC của ông Trịnh Văn Quyết gồm FLC (CTCP FLC), GAB (CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản), ART (Công ty chứng khoán BOS), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS).

Cổ phiếu “họ” FLC sụt giá mạnh

Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 13/1/2022, giá cổ phiếu FLC sụt hơn 22%, từ 21.450 đồng/cp (ngày 10/1) xuống còn 17.300 đồng/cp. Hiện, ông Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Như vậy, tính đến ngày 13/1, phần vốn của ông Quyết tại FLC có giá trị thị trường hơn 3.700 tỷ đồng.

Cổ phiếu "họ" FLC giảm sàn hàng loạt trong phiên ngày 13/1. (Ảnh chụp màn hình)

Cổ phiếu "họ" FLC giảm sàn hàng loạt trong phiên ngày 13/1. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/1, các nhà đầu tư đã mạnh tay bán tháo khiến giá cổ phiếu FLC “đo sàn” ngay từ những phút đầu tiên với tình trạng trắng bên mua. Tính từ ngày 10/1 đến nay, cổ phiếu FLC đã mất 4.250 đồng/cp, tương đương 3.013 tỷ đồng giá trị vốn hóa “bốc hơi”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu ART khi giảm đến gần 20% giá trị từ 16.800 đồng/cp (phiên 10/1) xuống còn 12.400 đồng/cp. Hiện, ông Quyết đang nắm giữ 3,156 triệu cổ phiếu ART, giá trị thị trường hơn 39 tỷ đồng.

Cổ phiếu ROS cũng sụt giá đến hơn 13% từ 14.900 đồng/cp (phiên 10/1) xuống mức 12.050 đồng/cp. Nếu theo báo cáo đến ngày 31/12/2020, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 23,7 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng 4,17% vốn thì đến cuối phiên 13/1/2022, số cổ phiếu ROS trong danh mục của ông có giá trị khoảng 285 tỷ đồng.

Không nằm ngoài vòng xoáy, cổ phiếu HAI giảm 24% xuống 7.980 đồng/cp; cổ phiếu AMD giảm hơn 24% từ 10.300 đồng/cp xuống 8.290 đồng/cp; cổ phiếu KLF của giảm hơn 34% 10.500 đồng/cp xuống 7.800 đồng/cp.

Chỉ có cổ phiếu GAB được cho là “may mắn” hơn khi không bị giảm sàn, chốt phiên ngày 13/1 ở mức 195.000 đồng/cp, giảm 0,6% so với phiên ngày 10/1. Hiện, ông Quyết đang là cổ đông lớn nhất tại công ty này với tỷ lệ sở hữu 51,1%, tương ứng 7,05 triệu đơn vị GAB. Theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu này có giá trị gần 1.380 tỷ đồng.

Có thể nói, trong mấy ngày qua, các cổ phiếu “họ” FLC đã bị tác động tiêu cực từ việc bán cổ phiếu FLC “chui” của tỷ phú Trịnh Văn Quyết và sau đó là hàng loạt quyết định xử phạt hành chính của cơ quan quản lý nhà nước với vụ mua bán trong “âm thầm” này.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, hệ lụy của sự việc này sẽ còn có thể tiếp tục kéo dài, chứ không chỉ dừng lại ở vài phiên giao dịch bởi nó đã tác động quá lớn đến thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về tính minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Tăng mức phạt sẽ tạo sức răn đe?

Một chuyên gia nhận định, gần 75 triệu cổ phiếu FLC bị hủy giao dịch đang gây ảnh hưởng lớn cho các nhà đầu tư vì ảnh hưởng của thông tin trên đã làm giảm giá trị của cổ phiếu.

Cũng theo vị này, các nhà đầu tư đã khớp lệnh đối ứng với ông Quyết phần nào sẽ được giảm thiệt hại. Trong khi đó, đối tượng chịu thiệt đầu tiên là những nhà đầu tư không khớp đối ứng với 74,8 triệu cổ phiếu này mà khớp với những lệnh bán ra khác bởi họ không được hoàn tiền và còn bị ảnh hưởng bởi thông tin này làm giá cổ phiếu đi xuống. Phiên 10/1, tổng cộng hơn 60 triệu cổ phiếu FLC nằm ngoài giao dịch của ông Quyết đã được sang tay, những nhà đầu tư này đã chịu khoản lỗ gần 30% tính đến thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC ở vùng giá cao, nếu không thoát hàng trong 3 phiên gần đây, thì tài khoản đa phần đã chuyển từ lãi sang lỗ, thậm chí họ không có khả năng cắt lỗ bởi cổ phiếu FLC đang trong tình trạng trắng bên mua.

“Mức lỗ hiện tại là không thể xác định bởi không biết tới khi nào mới có lực mua trở lại", chị Lan Phương, một nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu FLC chia sẻ.

Đối tượng chịu thiệt nhất trong vụ bán "chui" cổ phiếu FLC chính là các nhà đầu tư. (Ảnh: Int)

Đối tượng chịu thiệt nhất trong vụ bán "chui" cổ phiếu FLC chính là các nhà đầu tư. (Ảnh: Int)

Một đối tượng khác chịu ảnh hưởng chính là các công ty chứng khoán bởi nếu là một giao dịch bình thường thì họ sẽ nhận được phí mua bán 0,1-0,35%. Cụ thể, nếu tính theo giá trung bình, tổng giá trị bán của ông Quyết trong phiên 10/1 đạt hơn 1.400 tỷ, còn tính theo mức giá trần là 1.800 tỷ. Như vậy, mức phí của các công ty chứng khoán thu được hơn 6 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô và mức độ ảnh hưởng của giao dịch ngày 10/1 gây ra thiệt hại lớn mà chưa thể tính được hết. Đây cũng là lý do để cơ quan quản lý xem xét áp một biện pháp nặng tay, ngăn chặn tình trạng lợi dụng “kẽ hở” của luật pháp hòng “trục lợi”.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ từng ghi nhận nhiều trường hợp điển hình về giao dịch chui và phạt rất nặng. Theo quy định của Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ, những trường hợp có hành vi mua bán "chui", hay giao dịch nội gián sẽ bị xử phạt dân sự lẫn hình sự.

Với quy định xử phạt hình sự, các tội giao dịch nội gián (các giao dịch chứng khoán của người nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này) có thể bị phạt 5 triệu USD, trong khi các tội gian lận chứng khoán khác có thể bị phạt 10.000 USD. Mức án tối đa với vi phạm giao dịch nội gián là 20 năm tù, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 5 triệu USD và với tổ chức là 25 triệu USD.

Về quy định xử phạt dân sự, những cá nhân vi phạm sẽ phải chịu mức phạt hành chính gấp 3 lần số tiền lãi hoặc lỗ từ việc giao dịch. Với các tổ chức, doanh nghiệp, mức phạt lên tới gấp 3 lần số tiền lãi (lỗ) mà tổ chức đó kiếm được từ các giao dịch nội gián, nhưng không được quá 1 triệu USD.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng chủ doanh nghiệp và người liên quan mua bán "chui" cổ phiếu diễn ra phổ biến trong thời gian qua nhưng mức xử phạt lại rất nhẹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, mức xử phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là chưa thỏa đáng. Nên áp theo mức phạt từ 5 - 250 triệu đồng đối với những giao dịch "chui" có tổng giá trị theo mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng, phạt từ 3 - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế đối với những giao dịch "chui" từ 10 tỷ đồng trở lên là hợp lý. Cụ thể vào trường hợp ông Quyết, có thể bị phạt từ 22,4 - 37,4 tỷ đồng, chứ không phải là 1,5 tỷ đồng trong khi khoản thu về cả nghìn tỷ đồng.

“Để tăng tính minh bạch cho thị trường cần sửa luật theo hướng tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm, trong đó có việc "bán chui" cổ phiếu, thậm chí nếu nặng có thể truy tố và không cho phép làm người đại diện pháp luật. Chứ mức phạt vài chục triệu đồng như hiện nay là quá nhẹ, không có tính răn đe”, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa nêu quan điểm.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/he-luy-tu-viec-ban-chui-co-phieu-flc-1083277.html