Hệ lụy từ việc sử dụng giống lúa ngoài cơ cấu

Mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương đã khuyến cáo và không đưa vào cơ cấu giống, nhưng vẫn còn tình trạng người dân tự ý sử dụng giống lúa kém chất lượng, gây thiệt hại cho sản xuất.

Người dân thôn Phúc Bồi, xã Thọ Lập chăm sóc lúa vụ mùa.

Người dân thôn Phúc Bồi, xã Thọ Lập chăm sóc lúa vụ mùa.

Trong vụ xuân 2025, giống lúa Ku57 và An Nông 1424 không được Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng như xã Thọ Lập đưa vào cơ cấu trong bộ giống của địa phương. Tuy nhiên, người dân các thôn Phúc Bồi và thôn 2, xã Thọ Lập đã tự ý mua giống qua các đại lý về gieo cấy khiến 31,11ha lúa bị tỷ lệ lép cao hoặc không kết hạt. Trong đó, giống lúa lai là giống Ku57 có diện tích 27,66ha, giống An Nông 1424 có diện tích 3,45ha xảy ra tình trạng lúa trổ không thoát hết bông, trổ không đồng đều, tỷ lệ lép cao từ 70 - 80%. Theo bà Vũ Thị Liệu ở thôn Phúc Bồi, xã Thọ Lập: “Vụ xuân vừa qua gia đình đã tự ý mua giống lúa An Nông 1424 về cấy 2 sào. Mặc dù, gia đình tôi chăm sóc, bón phân đầy đủ, lúa sinh trưởng phát triển tốt, nhưng đến kỳ thu hoạch lúa bị lép cao, năng suất thấp. Trước thực trạng trên, công ty và đại lý cung cấp giống kiểm tra và hỗ trợ thiệt hại cho gia đình. Qua đây cũng là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trong sản xuất, không tuân thủ theo khuyến cáo của địa phương”.

Trước thực trạng trên, ngày 24/5/2025 các đơn vị sản xuất và nhập khẩu giống đã làm việc với UBND xã Thọ Lập và đại diện cửa hàng Hoàn Oanh (đơn vị cung ứng giống) hỗ trợ giống cho các hộ sản xuất. Qua đó, đại lý cung ứng giống Hoàn Oanh, xã Thọ Lập đại diện cho 2 công ty cung ứng giống lúa, thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại với tổng số tiền hơn 105 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ 118 hộ của thôn Phúc Bồi với số tiền hơn 51 triệu đồng và 83 hộ của thôn 2 với số tiền gần 54 triệu đồng. Ông Đỗ Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Lập, cho biết: “Qua sự việc trên, ngay từ đầu vụ thu mùa năm 2025, sau khi sáp nhập địa phương đã thành lập các đoàn đi kiểm tra sản xuất ở các xứ đồng. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng giống cây trồng đúng cơ cấu của ngành nông nghiệp và địa phương trong sản xuất. Tuyệt đối không sử dụng các giống cây trồng chưa được đưa vào sản xuất thử nghiệm, trình diễn trên địa bàn tỉnh để đánh giá đầy đủ khả năng thích ứng, chống chịu, năng suất và chất lượng. Ngoài ra, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hộ kinh doanh giống trên địa bàn và yêu cầu các đại lý thực hiện đầy đủ các quy định và cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất”.

Công ty TNHH Hạt giống Hana (xã Lưu Vệ) sản xuất các giống lúa bảo đảm chất lượng cung cấp cho người dân sản xuất. ảnh: Lê Hợi

Công ty TNHH Hạt giống Hana (xã Lưu Vệ) sản xuất các giống lúa bảo đảm chất lượng cung cấp cho người dân sản xuất. ảnh: Lê Hợi

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, vụ mùa năm 2025, toàn tỉnh gieo cấy 112.000ha lúa các loại. Để tránh tình trạng người dân không tuân thủ cơ cấu giống, tự ý sử dụng giống lúa ngoài khuyến cáo, chưa được theo dõi, đánh giá tính thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã định hướng cho các địa phương sử dụng đúng cơ cấu giống lúa chủ lực. Trong đó, giống lúa lai diện tích 31.978,4ha, chiếm 28,5%; giống lúa thuần diện tích 80.226,6ha, chiếm 71,5%; diện tích lúa nếp 8.657,45ha, chiếm 7,7% tổng diện tích gieo cấy.

Theo Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Lê Văn Thủy, cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 58 giống lúa lai và lúa thuần được cấp phép lưu hành sử dụng và được ngành nông nghiệp cơ cấu cho các vụ sản xuất trong năm. Trong vụ mùa 2025, đơn vị đã tham mưu cho ngành nông nghiệp khuyến cáo mỗi xã, phường trong tỉnh chỉ nên cơ cấu 5 - 6 giống chủ lực, mỗi xã từ 2 - 3 giống nhằm thực hiện tốt các biện pháp quản lý thâm canh, điều tiết nước và quản lý sâu bệnh hại. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống cho người dân phải cung cấp đầy đủ thông tin, các biện pháp kỹ thuật về các giống lúa để Nhân dân biết và lựa chọn sản xuất. Để tránh tình trạng người dân sử dụng nguồn giống kém chất lượng, các đại lý cung ứng giống ở các xã, phường khi đưa giống mới vào địa bàn phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/he-luy-tu-viec-su-dung-giong-lua-ngoai-co-cau-255878.htm