Hệ miễn dịch toàn cầu đối mặt thử thách mới từ SARS-CoV-2
Trong bối cảnh số ca COVID-19 gia tăng trở lại tại châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận sự xuất hiện của hai biến thể mới là NB.1.8.1 và LF.7.
Theo Liên đoàn Giải trình tự Gen SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), biến thể NB.1.8.1 được phát hiện tại bang Tamil Nadu vào tháng 4, còn LF.7 xuất hiện ở bang Gujarat vào tháng 5. Cả hai hiện nằm trong danh sách "Biến thể cần theo dõi" (Variants Under Monitoring) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì liên quan đến sự gia tăng ca nhiễm không chỉ ở Ấn Độ mà còn tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hình ảnh do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hình thái cấu tạo của virus corona chủng mới Covid-19 gây dịch viêm đường hô hấp cấp. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)
Cùng lúc, biến thể JN.1, một nhánh phụ của Omicron BA.2.86, đang lan rộng tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% số mẫu xét nghiệm gần đây, với các triệu chứng phổ biến như ho, sốt, mệt mỏi, đau họng và rối loạn tiêu hóa. Dù đa số các ca bệnh nhẹ, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát cục bộ nếu công tác kiểm soát dịch không được thực hiện nghiêm ngặt. Bộ Y tế Ấn Độ đã tổ chức các cuộc họp khẩn với các bang trọng điểm như Kerala, Maharashtra, Tamil Nadu và Karnataka để củng cố hệ thống giám sát, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực y tế, từ giường bệnh, oxy đến thuốc men và vaccine.
Trên bình diện quốc tế, WHO và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh lớn như CDC (Mỹ) và ECDC (châu Âu) cũng bày tỏ lo ngại. Dù chưa có dấu hiệu biến thể mới làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, song các chuyên gia cảnh báo rằng tâm lý chủ quan có thể khiến dịch bệnh âm ỉ lan rộng, đặc biệt tại các cộng đồng có tỷ lệ tiêm nhắc vaccine thấp hoặc hệ miễn dịch yếu.
Ở châu Âu, các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha đang tái triển khai một số biện pháp phòng ngừa cho nhóm dễ tổn thương. Tại Nhật Bản, chính phủ ban hành thêm các biện pháp kiểm soát biên giới, trong khi Hàn Quốc đẩy mạnh tiêm phòng bổ sung cho người cao tuổi. Mỹ, dù đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia từ năm ngoái, vẫn duy trì mạng lưới cảnh báo và sẵn sàng tái kích hoạt các biện pháp ứng phó nếu cần thiết.
Điểm tích cực là vaccine hiện có, dù được thiết kế dựa trên các chủng cũ, vẫn mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Các hãng dược phẩm lớn như Moderna, Pfizer-BioNTech đang thúc đẩy nghiên cứu cập nhật vaccine thế hệ mới để kịp ứng phó với nhóm biến thể nổi lên gần đây.
Tình hình hiện nay nhắc nhở thế giới rằng, dù đại dịch đã lùi xa, SARS-CoV-2 vẫn âm thầm tiến hóa. Việc duy trì cảnh giác, đầu tư vào hệ thống y tế dự phòng, giám sát dịch tễ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế chính là chìa khóa giúp nhân loại tránh bị bất ngờ trước những thách thức sắp tới.