Hệ quả từ canh bạc thuế quan của Tổng thống Donald Trump
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang liên tục tung ra những đòn thuế mạnh mẽ nhằm vào các đối tác thương mại. Canh bạc thuế quan này liệu sẽ mang lại những tác động gì cho nước Mỹ?

Những đòn thuế liên tiếp của Tổng thống Donald Trump
Chỉ vài tuần sau khi quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo hoặc động thái áp thuế quan lên các đối tác thương mại. Tính đến đầu tuần này, Mexico, Canada, Colombia và Panama là những quốc gia đã phần nào chịu nhượng bộ trước chiến lược thương mại mang tính cưỡng ép của Mỹ. Trong đó, Panama có vẻ như đã nhượng bộ Tổng thống Donald Trump về vấn đề kênh đào Panama - tuyến vận tải quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Những kết quả này có thể là động lực để Tổng thống Donald Trump tiếp tục đẩy mạnh chính sách của mình. Mỹ đã áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cảnh báo sẽ đánh thuế hàng hóa của châu Âu.
Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn áp thuế quan 25% đối với tất cả thuế và nhôm nhập khẩu, đồng thời tuyên bố áp thuế có đi có lại để đảm bảo “Mỹ được đối xử bình đẳng với các nước khác”. Theo đó, Washington sẽ đánh thuế quan lên hàng hóa của tất cả quốc gia tương xứng với thuế quan mà mỗi nước áp lên hàng hóa Mỹ.
Những lời đe dọa áp thuế của ông Trump đã làm dấy lên những lo ngại trên toàn thế giới, thậm chí buộc một số quốc gia phải chuẩn bị các phương án ứng phó, nhằm tránh nguy cơ hàng xuất khẩu của họ bị Mỹ áp thuế.
Ấn Độ - quốc gia bị ông Trump chỉ trích vì rào cản thương mại cao đối với các nhà xuất khẩu của Mỹ, đã tự cắt giảm thuế quan đối với nhiều sản phẩm như xe máy, các cơ sở vệ tinh mặt đất… từ 13% xuống 11%. New Delhi cũng đã công bố kế hoạch giảm thuế đối với hơn 30 sản phẩm khác.
Các nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết sẽ mua thêm năng lượng và các hàng hóa khác từ Mỹ, trong khi Thái Lan tuyên bố sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Tại châu Âu, những biện pháp tương tự cũng đang được cân nhắc, bao gồm việc tăng cường nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đậu nành của Mỹ - điều mà Liên minh châu Âu (EU) từng làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Yếu tố gây bất ổn cho thương mại toàn cầu
Giới phân tích tỏ ra lo ngại về tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump tới nền kinh tế của các quốc gia mục tiêu, cũng như chính nước Mỹ.
Tại Bắc Mỹ, thuế quan sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất đã được thiết lập giữa Canada, Mỹ và Mexico, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô. Cần biết rằng, hoạt động sản xuất ô tô tại Bắc Mỹ đã có sự kết nối chặt chẽ, trong đó, mỗi bộ phận ô tô có thể được vận chuyển qua biên giới nhiều lần trong quá trình sản xuất. Do vậy, thuế quan có thể làm tăng đáng kể giá xe, gây tổn hại đến nhu cầu, từ đó đe dọa hoạt động sản xuất và khiến tình trạng mất việc làm là khó tránh khỏi.
Ngoài việc đẩy nền kinh tế Mexico và Canada rơi vào tình trạng khó khăn, thuế quan cũng được dự báo sẽ làm tăng lạm phát của Mỹ thêm 1 điểm phần trăm. Điều này sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải giữ nguyên, hoặc thậm chí tăng lãi suất. Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính, chỉ riêng mức thuế mà ông Trump dự kiến áp dụng với Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải tiêu tốn thêm 1.200 đô la Mỹ/năm, gây sức ép lớn lên nền kinh tế.
Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ chính sách của ông tin rằng, thuế quan sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ, đồng thời, những nguồn thu từ thuế quan có thể bù đắp cho các chính sách cắt giảm thuế mà chính quyền của ông đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia Rolf Langhammer tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel chỉ ra rằng, thuế quan hiện chỉ chiếm 2% doanh thu của chính phủ liên bang, thấp hơn nhiều so với mức gần 60% từ thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp.
Tệ hơn, các biện pháp thuế quan còn có thể kéo theo các chu kỳ trả đũa, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Đe dọa thuế liệu có hiệu quả trên bàn đàm phán
Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược gây sức ép mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump có thể mang lại hiệu quả nhất định trong ngắn hạn, thúc đẩy các đối tác phải ngồi vào bàn đàm phán, thậm chí là đạt được một số mục tiêu thương mại. Tuy nhiên, triển vọng thành công lâu dài của chiến lược này là không chắc chắn.
Nhà kinh tế học người Ý - ông Marco Buti, nhận định thoạt nhìn Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sức mạnh của mình và các mục tiêu của ông đã nhanh chóng khuất phục. Tuy nhiên, theo ông, chiến lược thuế quan của ông Trump đang được triển khai “một cách thất thường” và chỉ dẫn tới những nhượng bộ hạn chế của các đối tác.
“Những gì ông ấy đạt được cho đến nay từ các quốc gia bị đe dọa áp thuế như Canada và Mexico, chủ yếu là những nhượng bộ mang tính biểu tượng”, ông Buti đánh giá. Ông cho biết, không có gì đảm bảo các biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới mà Mexico và Canada hứa hẹn sẽ đủ để ngăn chặn dòng chảy ma túy hoặc dòng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Với những nền kinh tế lớn như châu Âu và Trung Quốc, hiệu quả của chiến lược thuế quan sẽ càng hạn chế hơn. Bắc Kinh đã đáp trả mức thuế mới của Washington bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ việc áp thuế lên một số hàng hóa, hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, cho tới gây sức ép lên các doanh nghiệp Mỹ.
Tại châu Âu, mặc dù vẫn đang cố gắng đàm phán và duy trì cách tiếp cận hòa bình, các quan chức cũng đang cố gắng xây dựng một chiến lược trả đũa đáng tin cậy và mạnh mẽ. Ngày 10-2, Ngoại trưởng Pháp Jean Noel Barrot tuyên bố EU sẽ đáp trả những biện pháp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh biện pháp áp thuế nhằm vào một số mặt hàng nhất định như đã làm hồi năm 2018, EU cũng đang cân nhắc sử dụng Công cụ chống cưỡng ép (ACI). Đây là công cụ được thiết lập hồi tháng 12 năm ngoái, để ngăn chặn các cuộc tấn công vào lợi ích kinh tế của EU, cho phép chặn đầu tư trực tiếp, hoặc hạn chế quyền tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các hãng công nghệ đến từ thung lũng Silicon.
Sự phản tác dụng khi lạm dụng quân bài thuế
Trong một bài đăng trên blog gần đây, nhà kinh tế Philip Luck tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington đã ví việc Tổng thống Donald Trump sử dụng các chiến lược gây sức ép như một loại thuốc kháng sinh.
“Chúng rất hiệu quả trong việc nhắm vào các mối đe dọa cụ thể, nhưng khi sử dụng quá mức, có thể dẫn đến hiệu quả giảm dần. Cũng giống như vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh, các quốc gia chịu lệnh trừng phạt nhiều lần sẽ phát triển khả năng miễn dịch bằng cách giảm mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ”.
Thực vậy, đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, nhiều nền kinh tế như EU đang tích cực tìm kiếm các thị trường thương mại thay thế để bù đắp cho mối đe dọa thuế quan.
Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden từng cố gắng thuyết phục EU cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc châu Á này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với đồng minh thân cận nhất đang có nguy cơ bùng nổ, Brussels chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại quyết định của mình, và hoàn toàn có khả năng xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Tại Bắc Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã lùi thời hạn áp thuế, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tổ chức một hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước này, để thảo luận về việc đa dạng hóa hoạt động thương mại khỏi thị trường Mỹ. Tương tự, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng đã khởi động kế hoạch Mexico, với mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn.
“Nhiều người đang đặt ra câu hỏi: liệu Mỹ có còn là đối tác đáng tin cậy nữa hay không?”, ông Niclas Poitiers, chuyên gia của Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, nhận định. “Thiệt hại đối với danh tiếng quốc tế của Washington từ các chính sách thuế quan là rất lớn”.
Giáo sư kinh tế Bedassa Tadesse tại Đại học Minnesota Duluth cũng chia sẻ quan điểm trên, đồng thời cảnh báo, ngoài việc khiến các đối tác rời xa khỏi Mỹ, các mối đe dọa thường xuyên về thuế quan còn có nguy cơ đẩy nhanh quá trình đô la hóa, thúc đẩy các quốc gia phát triển những hệ thống tài chính thay thế, từ đó làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong thương mại toàn cầu.
Nguồn: DW, Conversation, Bloomberg, Financial Times, Fortune, Euronews, Reuters