Hệ sinh thái cổ phiếu 40 tỷ USD của ông Phạm Nhật Vượng
Vinpearl niêm yết và tăng mạnh trong tuần đầu giao dịch giúp vốn hóa nhóm cổ phiếu 'họ Vin' trên sàn chứng khoán vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 40 tỷ USD quy đổi.

Hệ sinh thái doanh nghiệp niêm yết liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng có quy mô vốn hóa trên 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: Bloomberg.
Màn tái xuất thành công của cổ phiếu Vinpearl trên sàn HoSE tuần vừa qua đã giúp hệ sinh thái doanh nghiệp niêm yết liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng vốn hóa, tương đương khoảng 40 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.
Chỉ riêng 4 doanh nghiệp trụ cột trên sàn HoSE gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và mới nhất là Vinpearl (VPL) đã chiếm tới gần 14% tổng giá trị vốn hóa sàn này, tạo thành nhóm cổ phiếu trụ có sức nặng hàng đầu không chỉ về quy mô mà còn cả mức độ lan tỏa lên thị trường.
“Hiện tượng” Vinpearl
Ngày 13/5, gần 1,8 tỷ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl chính thức niêm yết trên sàn HoSE, đánh dấu công ty thứ 4 trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM cùng với Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail.
Với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu, Vinpearl được định giá gần 130.000 tỷ đồng trong ngày lên sàn, tương đương khoảng 5 tỷ USD.
Con số này đưa Vinpearl lọt vào top 15 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Thậm chí, nhịp đi lên ấn tượng trong các phiên giao dịch sau đó đã giúp vốn hóa của Vinpearl “phình to”, đưa doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ngành du lịch nghỉ dưỡng bước chân vào top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn HoSE.
Kết thúc phiên 16/5, thị giá VPL tạm dừng ở mốc 101.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt trên 181.000 tỷ đồng (xấp xỉ 7 tỷ USD). Con số này giúp Vinpearl vượt mặt một loạt "ông lớn" trên sàn chứng khoán như FPT, Hòa Phát hay MB và chỉ xếp sau Techcombank, VietinBank, Vinhomes, BIDV, Vingroup và Vietcombank.

Vinpearl lọt top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HoSE chỉ sau 3 phiên giao dịch. Ảnh: Minh Khánh.
Vinpearl là một trong 2 mảnh ghép đầu tiên hình thành nên tập đoàn Vingroup, được thành lập năm 2001.
Sau 24 năm hoạt động, Vingroup đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinpearl từ 100% xuống còn 85,51%. Tại thời điểm cuối quý I năm nay, tổng tài sản của công ty là 78.069 tỷ đồng.
Trong quá khứ, Vinpearl từng niêm yết trên HoSE với mã VPL từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup, nên cổ phiếu VPL đã được hoán đổi thành cổ phiếu VIC.
Hiện nay, Vinpearl là thương hiệu dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí có quy mô lớn lớn nhất cả nước, sở hữu chuỗi thương hiệu khách sạn, resort, spa cùng trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf 5 sao cùng các khu vui chơi giải trí.
Công ty đang quản lý 30 cơ sở khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc thương hiệu Vinpearl, tại 18 tỉnh thành trên cả nước, với công suất trên 16.100 phòng khách sạn và biệt thự, 4 công viên chủ đề và 5 khu vui chơi giải trí, 1 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, 1 học viện ngựa và 1 trung tâm hội nghị ẩm thực.
Về tình hình kinh doanh, năm 2024, lượng khách tham quan và lưu trú các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí của Vinpearl tăng 50%, đạt 10,9 triệu lượt khách. VinWonders cũng đón gần 7 triệu lượt khách tham quan, tăng 39% so với 2023 và tăng 19% so với giai đoạn trước Covid-19.
Doanh nghiệp du lịch nghỉ dưỡng thuộc Vingroup đạt doanh thu 14.376 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2023 và báo lãi ròng 2.550 tỷ, tăng vọt so với mức 671 tỷ đồng năm 2023. Đây cũng là năm lãi thứ 3 liên tiếp của Vinpearl kể từ sau đại dịch Covid-19.
Quý I năm nay, doanh thu của Vinpearl tăng 45%, đạt 2.435 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí và thuế, chuỗi nghỉ dưỡng này ghi nhận lãi ròng 90 tỷ đồng.
Năm nay, Vinpearl đặt mục tiêu ghi nhận 14.000 tỷ đồng doanh thu và 1.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Hệ sinh thái 40 tỷ USD
Đến nay, cả 4 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều có quy mô tỷ USD. Trong đó, Vingroup có vốn hóa 305.893 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), Vinhomes đạt 238.230 tỷ đồng (khoảng 9,1 tỷ USD) và Vincom Retail đạt 55.670 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD).
Hiện quy mô vốn hóa của 4 doanh nghiệp này đạt 781.00 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), chiếm 14% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE.

Ngoài 4 doanh nghiệp trên, hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup còn ghi nhận 2 doanh nghiệp khác là CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEFAC (VEF) - vốn hóa gần 38.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) và CTCP Sách Việt Nam - Savina (VNB) - vốn hóa gần 1.000 tỷ đồng, đang giao dịch trên UPCoM.
VEFAC hiện là công ty con do Vingroup sở hữu hơn 85% vốn. Công ty là chủ đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang triển khai dự án Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (hay còn gọi là Vinhomes Global Gate/Vinhomes Cổ Loa) với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Savina là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1950. Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 4/2016, Savina chính thức hoạt động theo mô hình CTCP và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM sau đó 3 tháng.
Trước khi IPO vào năm 2016, Savina đã chọn Vingroup làm nhà đầu tư chiến lược trong đợt chào bán hơn 44 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Savina đang thuê và quản lý nhiều khu đất có vị trí đắc địa trên bàn Hà Nội gồm số 44 Tràng Tiền, 50A Hàng Bài, 22A và 22B Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), số 2 Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), xã Việt Hùng (huyện Đông Anh).

VEFAC được biết đến là chủ đầu tư dự án Vinhomes Global Gate. Ảnh: Việt Linh.
Trong nhóm doanh nghiệp đáng chú ý của Vingroup, không thể bỏ qua VinFast Auto - nhà sản xuất xe điện đang được niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) với mức vốn hóa khoảng 8,4 tỷ USD. Dù hoạt động ở thị trường nước ngoài và chưa niêm yết tại Việt Nam, VinFast vẫn là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể của hệ sinh thái Vingroup.
Tính toàn bộ các công ty niêm yết, từ những trụ cột như Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl cho đến VinFast, VEFAC hay Savina, tổng vốn hóa của hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan ông Phạm Nhật Vượng hiện đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD.
Đây không chỉ là con số ấn tượng về quy mô mà còn thể hiện sự lan tỏa của một tập đoàn tư nhân hiếm hoi sở hữu nhiều doanh nghiệp niêm yết tỷ USD, trải rộng từ bất động sản, bán lẻ, nghỉ dưỡng, đến sản xuất ôtô, triển lãm và xuất bản.