Hệ sinh thái đào tạo, đánh giá, phát triển nhân tài sẽ là xương sống của doanh nghiệp (Bài 9)
Trong thập kỷ tới, bài toán nhân sự không còn là chuyện tuyển dụng, số hóa quản trị nhân sự hay đào tạo rời rạc. Doanh nghiệp muốn tồn tại và bứt phá phải xây dựng một hệ sinh thái tích hợp tất cả điểm chạm của nhân sự - nơi dữ liệu, công nghệ và chiến lược phát triển con người vận hành như một thể thống nhất.
Nếu một doanh nghiệp là cơ thể sống, thì hệ thống quản trị nhân tài là hệ thần kinh trung ương, còn dữ liệu hành vi và năng lực của nhân viên là dòng máu chảy xuyên suốt từng bộ phận. Trong thời đại AI, việc đo lường hiệu quả nhân sự không chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu KPI, mà còn mở rộng sang những câu hỏi chiến lược: Nhân viên đang phát triển theo đúng lộ trình chưa? Kỹ năng nào đang bị mai một? Ai là ứng viên lãnh đạo trong 3 năm tới? Bộ phận nào có nguy cơ khủng hoảng nhân sự nếu thay đổi chiến lược?

Không phần mềm HR truyền thống nào trả lời được những câu hỏi này. Đây là lý do vì sao hệ thống AI-powered TMS - nền tảng quản trị nhân sự tích hợp trí tuệ nhân tạo - sẽ trở thành “trụ cột sống còn” cho doanh nghiệp trong thập kỷ sắp tới.
Quan sát thị trường đào tạo và tư vấn trong gần 15 năm qua, có thể nói, phần lớn doanh nghiệp Việt đang thiếu một nền tảng quản trị nhân sự mang tính chiến lược. Các khóa học vẫn được tổ chức theo nhu cầu nhất thời, tuyển dụng dựa vào cảm tính hoặc mối quan hệ, còn đánh giá nhân viên chủ yếu dựa trên bằng KPI hoặc OKR mà ít quan tâm đến quá trình tạo ra kết quả đó.
Hệ thống dữ liệu rời rạc: phần mềm tuyển dụng riêng, phần mềm tính lương riêng, đánh giá năng lực trên Excel, kế hoạch đào tạo lưu rải rác trên Google Drive. Tình trạng này khiến các phòng ban hoạt động rời rạc, HR khó xây dựng chiến lược nhân sự dài hạn. Ban lãnh đạo chỉ thấy được “phần nổi của tảng băng” - liệu nhân viên có đạt chỉ tiêu hay không mà không có cái nhìn đầy đủ về sự tiến bộ hoặc tụt hậu của họ.
Hậu quả là doanh nghiệp rơi vào một “vòng lặp xói mòn năng lực”: người giỏi không được phát hiện và phát triển sớm, người yếu kém lại được giữ lại vì thiếu dữ liệu thay thế. Dần dần, doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh về con người - yếu tố sống còn trong kỷ nguyên AI.
AI - bộ não thứ hai trong quản trị nhân sự
Nếu nhìn ở góc độ tích cực, thách thức cũng chính là cơ hội bứt phá. Bởi, AI không chỉ là một công cụ, mà là “bộ não thứ hai” đang chờ được kích hoạt. Những doanh nghiệp biết cách tận dụng AI trong quản trị nhân sự sẽ sớm xây dựng được một hệ sinh thái nhân sự mạnh, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lao động bên ngoài.

Hệ sinh thái đào tạo - đánh giá - phát triển nhân tài sẽ là xương sống của doanh nghiệp
Thay vì tuyển người theo nhu cầu gấp, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình kế nhiệm cho từng vị trí. Thay vì đào tạo đại trà theo cảm tính, hệ thống AI sẽ đề xuất nội dung học phù hợp với năng lực thiếu hụt và mục tiêu cá nhân của từng nhân viên. Việc đánh giá không còn theo chu kỳ hàng quý hay hàng năm, mà được cập nhật theo thời gian thực, dựa trên hành vi, kết quả công việc và phản hồi nội bộ.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên “quản trị bằng dữ liệu cá nhân hóa”. Không còn một mẫu năng lực chung cho mọi người, không còn khung đào tạo áp đặt. Mỗi nhân viên sẽ có một bản đồ năng lực riêng, phản ánh đúng điểm mạnh, điểm yếu, tốc độ học và mục tiêu phát triển của chính họ. AI đóng vai trò dẫn đường, gợi ý chương trình học, thăng tiến, và trải nghiệm công việc cần thiết để phát triển toàn diện.
Hệ sinh thái TMS: Không chỉ là phần mềm, mà là chiến lược
Để hiện thực hóa điều đó, doanh nghiệp cần một hệ thống đủ thông minh, linh hoạt và tích hợp 3 tầng: công nghệ - nội dung - tư duy chiến lược. Trong đó, công nghệ là điều kiện tiên quyết, không có nền tảng AI mạnh thì không thể xử lý dữ liệu khổng lồ về hành vi, năng lực và hiệu suất nhân viên. Nội dung là lõi vận hành: không thể cá nhân hóa lộ trình học nếu không có có hàng trăm mô-đun đào tạo và kho học liệu phong phú, gắn với hành vi và vị trí cụ thể. Còn tư duy chiến lược là yếu tố sống còn: nếu chỉ “làm cho có”, thì mọi công nghệ đều trở nên vô nghĩa.
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình. Họ đầu tư vào hệ thống quản trị năng lực (TMS) có thể phân tích khoảng cách giữa hồ sơ cá nhân (CV) và mô tả công việc (JD), đánh giá hành vi nhân viên theo cấp độ, đề xuất đào tạo dựa trên GAP năng lực thực tế. Một số nền tảng hiện đại có thể xây dựng khung năng lực theo ngành nghề, phòng ban trong vài giờ thay vì mất vài tháng như trước, hoặc tạo mới hoàn toàn bằng AI, dựa trên mô tả công việc và mục tiêu chiến lược mới của doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực đáng kể.
TMS giúp doanh nghiệp rút ngắn 50% thời gian tuyển dụng, giảm 70% thời gian xây năng lực, tiết kiệm đến 90% chi phí và tăng 40% tốc độ phát triển nhân sự tiềm năng thông qua lộ trình đào tạo được AI cá nhân hóa. Điều quan trọng hơn, doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào chuyên gia bên ngoài hay thuê tư vấn nước ngoài mà có thể chủ động thiết kế và vận hành chiến lược phát triển nhân sự ngay từ bên trong.
Ở cấp độ quốc gia, điều này còn quan trọng hơn. Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, phần lớn là quy mô vừa và nhỏ, họ không có nguồn lực để thuê các hệ thống ERP lớn, không có đội ngũ HR đông đảo. Tuy nhiên, nếu tiếp cận đúng, lựa chọn một nền tảng TMS tích hợp AI, đơn giản, tinh gọn và chi phí phù hợp thì ngay cả doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận với chuẩn mực quản trị nhân tài hiện đại. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành một lực lượng lao động linh hoạt, học nhanh, thích nghi cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, coi bộ phận nhân sự không chỉ là hành chính, mà là trung tâm dẫn dắt đổi mới. Trong kỷ nguyên AI, con người chính là lợi thế cạnh tranh bền vững nhất. Muốn phát triển bền vững, phải bắt đầu từ việc đo đúng - hiểu đúng - phát triển đúng con người.
Thứ hai, đánh giá lại toàn bộ năng lực nhân sự hiện tại - không chỉ qua kết quả KPI, mà qua hành vi. Một người bán hàng giỏi, đạt doanh số cao nhưng gây mâu thuẫn nội bộ có thể gây thiệt hại dài hạn, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Nếu chỉ nhìn vào con số, doanh nghiệp sẽ tưởng rằng họ là ngôi sao, nhưng tổn thất thực sự lại nằm trong hành vi. Vì vậy, phải đo lường song song cả kết quả và hành vi.
Thứ ba, đầu tư vào hệ thống tích hợp thay vì dịch vụ rời rạc. Khi mọi dữ liệu tuyển dụng - đánh giá - đào tạo - phát triển được liên thông, lãnh đạo có thể ra quyết định nhân sự nhanh chóng và chính xác hơn bao giờ hết. Đồng thời, từng nhân viên cũng có thể nhìn thấy rõ lộ trình phát triển cá nhân, được huấn luyện qua mô phỏng thực tế, được gợi ý học tập và được nhắc nhở liên tục. Khi đó, phát triển con người không còn là khẩu hiệu mà là hành động có thể đo lường.
Cuối cùng, hãy xem AI là đồng minh. AI không thay thế con người, mà thay thế cách ra quyết định kém hiệu quả. Một nhà quản lý cấp trung biết dùng AI để theo dõi tiến độ phát triển nhân viên, hiểu điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra phản hồi kịp thời sẽ xây dựng được đội ngũ mạnh gấp nhiều lần người làm việc theo cảm tính. Đó chính là tương lai của quản trị nhân tài.
10 năm tới là thời điểm bản lề. Doanh nghiệp chậm chân sẽ phải trả giá. Doanh nghiệp nào dám thay đổi, đầu tư vào hệ thống nâng cấp con người sẽ không chỉ sống sót mà còn bứt phá. TMS không còn là lựa chọn. Đó là điều kiện bắt buộc nếu muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong một thế giới nơi con người - công nghệ - dữ liệu phải vận hành như một thể thống nhất.
Tôi tin rằng, Việt Nam có thể không đi đầu về công nghệ, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu về ứng dụng AI vào phát triển con người, nếu chúng ta dám hành động ngay từ hôm nay.
(*) Giám đốc điều hành Công ty CP Đào tạo kỹ năng lãnh đạo Topskills