Hệ sinh thái logistics hiện đại là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành logistics ngày càng thể hiện vai trò sống còn đối với tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hệ sinh thái logistics trong nước hiện vẫn còn manh mún, chi phí cao và chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Việc xây dựng một hệ sinh thái logistics hiện đại, đồng bộ và thông minh đang trở thành yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16–20% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình 10–12% ở các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, logistics không chỉ là dịch vụ hỗ trợ mà còn là “hệ mạch” kết nối sản xuất – phân phối – tiêu dùng – xuất khẩu. Một hệ thống logistics hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Một hệ thống logistics hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Một hệ thống logistics hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hệ sinh thái logistics nước ta hiện vẫn còn thiếu tính kết nối, nhiều mắt xích quan trọng như vận tải đa phương thức, trung tâm logistics, kho bãi hiện đại chưa được phát triển đúng mức. Điều này dẫn đến chi phí logistics cao và năng suất chưa tương xứng với tiềm năng.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng logistics thiếu đồng bộ và liên kết vùng. Hệ thống cảng biển lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, trong khi các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, ĐBSCL chưa có các trung tâm logistics tương xứng. Ngoài ra, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng tới 70% trong khi vận tải đường thủy và đường sắt có chi phí thấp hơn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Không chỉ vậy, công nghệ cũng là một thách thức. Trong khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên logistics thông minh với sự hỗ trợ của AI, IoT, blockchain và dữ liệu lớn, thì phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hơn 90% doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về vốn và năng lực số hóa.

Các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, ĐBSCL chưa có các trung tâm logistics tương xứng.

Các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, ĐBSCL chưa có các trung tâm logistics tương xứng.

Ông Nguyễn Tương, chuyên gia logistics độc lập nhận định, Logistics Việt Nam vẫn đang vận hành bằng sức người là chính, công nghệ mới chỉ ở mức sơ khởi. Nếu không có một bước nhảy về công nghệ, ngành sẽ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu.

Để khắc phục những điểm nghẽn này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lược phát triển logistics mang tính tổng thể, lấy công nghệ làm trụ cột, hạ tầng làm nền tảng và nhân lực làm lực đẩy.

Trước hết, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics liên vùng, bao gồm trung tâm logistics, hệ thống kho bãi và các tuyến vận tải kết nối hiệu quả giữa đường bộ – đường sắt – đường thủy – hàng không. Đặc biệt, cần khuyến khích hình thành các trung tâm logistics hạng I ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… để giảm tải cho hệ thống giao thông đô thị và tăng khả năng xử lý hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ là yếu tố sống còn.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), chuyển đổi số trong logistics sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 15–20% chi phí và rút ngắn 30% thời gian xử lý đơn hàng. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi vốn, thuế cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ và nền tảng số.

Để logistics phát triển bền vững, nhân lực chất lượng cao là yếu tố không thể thiếu. Theo thống kê của VLA, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 18.000 nhân sự logistics mới, nhưng hệ thống đào tạo hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10–15%. Do đó, cần có chính sách liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp – nhà nước trong đào tạo kỹ năng chuyên sâu và thực tiễn.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, chính sách đóng vai trò then chốt trong việc hình thành hệ sinh thái logistics hiện đại. Việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, cấp phép vận tải và giảm bớt các rào cản hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian đáng kể. Bên cạnh đó, liên kết giữa các địa phương, vùng kinh tế là xu hướng cần được thúc đẩy.

Bà Trần Mai Hương, chuyên gia kinh tế của UNDP tại Việt Nam cho biết, logistics chỉ có thể phát triển mạnh nếu có quy hoạch vùng mang tính tích hợp, kết nối sản xuất – tiêu dùng – xuất khẩu giữa các khu vực. Xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo đòn bẩy cho hàng loạt ngành khác như sản xuất, xuất khẩu, thương mại điện tử và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là bước chuyển từ việc xem logistics là “hậu cần” sang vai trò “động lực tăng trưởng”.

Logistics chỉ có thể phát triển mạnh nếu có quy hoạch vùng mang tính tích hợp, kết nối sản xuất – tiêu dùng – xuất khẩu giữa các khu vực

Logistics chỉ có thể phát triển mạnh nếu có quy hoạch vùng mang tính tích hợp, kết nối sản xuất – tiêu dùng – xuất khẩu giữa các khu vực

Nếu được đầu tư đúng mức, ngành logistics Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 15–20%/năm trong thập kỷ tới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng để đạt được điều đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – trường đào tạo có cùng một tư duy mới về phát triển bền vững và hội nhập số.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/he-sinh-thai-logistics-hien-dai-la-don-bay-tang-truong-kinh-te-ben-vung-163618.html