Hệ thống chống ngập của Cần Thơ hoạt động cả năm mới có đơn vị vận hành

Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS) của Cần Thơ được đầu tư hoàn thành và đưa vào vận hành từ giữa năm 2024, nhưng từ đó tới nay chưa chính thức giao đơn vị vận hành, dẫn tới nhiều thời điểm khu nội ô vẫn ngập sâu. Nay hệ thống này mới được giao chính thức cho một đơn vị quản lý, vận hành.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Văn Lâu vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS). Nhằm phát huy hiệu quả của Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, giảm tình trạng ngập do triều cường kết hợp mưa lớn trên địa bàn trung tâm của thành phố.

 Âu thuyền Cái Khế, một phần của hệ thống FRMIS nhằm chống ngập cho vùng lõi TP. Cần Thơ sau 1 năm hoàn thành nay mới có đơn vị tiếp nhận vận hành chính thức. Ảnh: CK.

Âu thuyền Cái Khế, một phần của hệ thống FRMIS nhằm chống ngập cho vùng lõi TP. Cần Thơ sau 1 năm hoàn thành nay mới có đơn vị tiếp nhận vận hành chính thức. Ảnh: CK.

Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) thuộc Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), tổng vốn đầu tư 254 triệu USD (vay WB và đối ứng). Hệ thống này đã đi vào vận hành chính thức từ giữa năm 2024, gồm các công trình cống ngăn, âu thuyền Cái Khế, Cái Sơn, bơm thoát nước... Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án ODA) đã có những kiến nghị với UBND Thành phố thành lập đơn vị vận hành công trình. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có đơn vị đảm trách vận hành cống ngăn triều, dẫn tới thời gian qua nhiều khu vực nội ô quận Ninh Kiều cũ bị ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng cao.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ cũng được giao làm việc với các sở ngành, địa phương có giải pháp vận hành hợp lý các van, cống, âu thuyền, hạn chế tình trạng ngập đô thị.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát các tuyến đường, xác định nguyên nhân ngập, đề xuất giải pháp xử lý trong thời gian tới. Sở này cũng được giao làm đầu mối tiếp nhận thông tin, ý tưởng, giải pháp chống ngập, nghiên cứu và tham mưu UBND Thành phố lựa chọn phương án chống ngập thời gian tới; phối hợp với Sở Nội vụ khen thưởng với ý tưởng, đề xuất khả thi.

Sở Xây dựng cũng được yêu cầu kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời các tuyến đường có nguy cơ ngập sâu bị hư hại để khắc phục, sửa chữa; phân luồng giao thông trong thời gian xảy ra mưa lớn và triều cường, lũ, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông và di chuyển của người dân.

 Dù có dự án chống ngập hàng nghìn tỷ đồng, khu vực trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu mỗi khi mưa lớn, triều cường. Ảnh: CK

Dù có dự án chống ngập hàng nghìn tỷ đồng, khu vực trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu mỗi khi mưa lớn, triều cường. Ảnh: CK

Lãnh đạo Cần Thơ cũng giao UBND các phường Ninh Kiều, Tân An, Cái Khế, An Bình, Bình Thủy chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân ngập và đề xuất giải pháp giảm ngập; duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống cống, kênh rạch thoát nước; tuyên truyền, vận động người dân không xả rác vào các miệng thu nước, hố ga, xử lý vi phạm...

Để giải quyết tình trạng ngập tại Cần Thơ mỗi khi triều cường, mưa lớn, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Văn Lâu mới đây treo thưởng 50 triệu đồng cho sáng kiến có thể giải quyết tình trạng này, nhưng phải áp dụng được ngay.

Thông tin với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, sau treo thưởng trên, đã có nhiều ý kiến, sáng kiến gửi về, Sở sẽ tổng hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực tế các tuyến đường, điểm ngập thường xuyên để nghiên cứu các phương án, đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/he-thong-chong-ngap-cua-can-tho-hoat-dong-ca-nam-moi-co-don-vi-van-hanh-post1761054.tpo