Hệ thống CNTT hải quan góp phần phát triển thương mại

Cơ quan hải quan các cấp đã triển khai có hiệu quả chủ trương hải quan điện tử, hướng đến mục tiêu hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản lý và góp phần phát triển hoạt động thương mại.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% cục hải quan và chi cục hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia).

Bình quân mỗi năm, Hệ thống VNACCS/VCIS xử lý thành công khoảng 11 triệu tờ khai hải quan điện tử, trong đó có khoảng 53% số tờ khai thuộc diện luồng xanh (thông quan trong khoảng 1 - 3 giây).

Tổng cục Hải quan đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển...

Các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc.

Các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc.

Nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai hải quan, từ ngày 1/1/2022, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp.

Để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Hiện nay đã thực hiện kết nối thông tin giữa Tổng cục Hải quan với 13/14 bộ, ngành. Trong năm 2023, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67.830 doanh nghiệp; Đã thực hiện kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN qua cơ chế một cửa ASEAN.

Việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử theo cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giúp giảm thời gian và chi phí chuẩn bị hồ sơ, thời gian và chi phí đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan cũng đã được Bộ Tài chính giao triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (Hệ thống VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Đến nay, Hệ thống VASSCM đã được triển khai tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh và thành phố, qua đó giảm tiếp xúc giữa công chức Hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung nguồn lực triển khai tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/he-thong-cntt-hai-quan-gop-phan-phat-trien-thuong-mai-2335587.html