Hệ thống giao thông Hậu Giang đến năm 2030 ra sao?

Hậu Giang xác định, tập trung khai thác phát triển theo hai tuyến cao tốc là một trong bốn đột phá chiến lược phát triển địa phương.

Ngày 14/7, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 16.

Giao thông là một trong những chiến lược đột phá

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2030 kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững, tối ưu hóa các nguồn lực.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng nam sông Hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng nam sông Hậu.

Đồng thời, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.

Theo tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng nam sông Hậu, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%.

Trong đó, đến năm 2030 phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đảm bảo tỷ lệ đất giao thông đô thị khoảng 16 - 23% so với đất xây dựng đô thị. Đồng thời phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng hợp lý, bảo đảm thuận lợi đi lại của người dân, đáp ứng từ 5 - 10% nhu cầu.

Nghị quyết nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm và bốn đột phá chiến lược trong thời kỳ quy hoạch là “một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ”. Cụ thể, một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.

Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo hai tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh nam sông Hậu.

Ba thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ là phát triển bốn trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Hậu Giang sẽ tập trung khai thác phát triển theo tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM.

Hậu Giang sẽ tập trung khai thác phát triển theo tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM.

Phát triển giao thông đồng bộ

Trong phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và logistic, Hậu Giang xác định sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể về đường bộ, tỉnh có ba tuyến cao tốc gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua địa bàn tỉnh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cả hai tuyến này đều có quy mô bốn làn xe và hoàn thành trước năm 2030. Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu hoàn thành trước năm 2030 với quy mô bốn làn xe.

Bên cạnh đó, quy hoạch 21 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 514,km. Các tuyến đường này sẽ được nâng cấp xây dựng mới tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

Về đường thủy nội địa, Hậu Giang sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy chính qua địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm tuyến TP.HCM - Cà Mau (qua kênh xáng Xà No) và tuyến Cần Thơ - Cà Mau (qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp).

Đồng thời, nâng cấp ba tuyến đường thủy nội địa Quốc gia gồm kênh Tri Tôn - Hậu Giang đạt cấp III, kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang - Ông Hiển Tà Niên đạt cấp III, kênh Vành Đai - Rạch Giá - Hà Tiên đạt cấp III.

Về hạ tầng cảng biển, quy hoạch cảng biển Hậu Giang là cảng biển loại 2, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh kết hợp tiếp chuyển hàng cho vương quốc Campuchia theo tuyến sông Hậu. Trong hệ thống cảng sẽ có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn.

Ngoài ra còn quy hoạch thêm một cảng mới có vị trí trong khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với quy mô khoảng 5-10ha.

Trong lĩnh vực logistics, Hậu Giang xác định sẽ phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, trong mối liên kết thành phố Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistics của vùng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, quy hoạch năm trung tâm logictics gồm: Trung tâm logistics thành phố Ngã Bảy; trung tâm logistics thành phố Vị Thanh; dự án Tổng kho phân phối Mê Kông; dự án Colde Store Logistics Hậu Giang và hình thành một trung tâm logistics huyện Châu Thành A.

Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/he-thong-giao-thong-hau-giang-den-nam-2030-ra-sao-d597360.html