Hệ thống giao thông vận tải Thủ đô:Góp phần xây dựng thành phố thông minh
Chuyển đổi số là một quá trình phức tạp và đầy thách thức, nhưng với những chiến lược và giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp theo từng giai đoạn, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đang từng bước góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại,… Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo về vấn đề này.
Hình thành hệ thống giao thông thông minh
- Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ số trong cấp, đổi giấy phép lái xe, vé xe buýt, trông giữ phương tiện... Ông đánh giá như thế nào về việc này?
- Giai đoạn vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã nỗ lực thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), qua đó đã thu được những kết quả nhất định.
Đáng chú ý, đối với sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp - một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được ưu tiên, tập trung triển khai trong Đề án 06, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Qua 2 năm triển khai, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến tăng đáng kể. Phần mềm dịch vụ công thường xuyên được cải tiến, cập nhật. Việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) góp phần công khai, minh bạch quy trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, đồng thời giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính.
Trong năm 2023, cơ quan quản lý đã tiếp nhận, xử lý 14.456 hồ sơ đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 13,7%; quý I-2024, tiếp nhận, xử lý 11.946 hồ sơ, đạt tỷ lệ 59,6%. Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tiếp tục triển khai Đề án 06, trong quý I-2024, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe lắp đặt thiết bị xác thực điện tử trong đào tạo, sát hạch, nhằm bảo đảm chính xác danh tính học viên, tránh gian lận.
Hiện nay, 100% giấy phép lái xe sau khi được cấp mới, cấp đổi đã được số hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe quốc gia, do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Người dân có thể khai thác, tra cứu thông tin tại địa chỉ http://gplx.gov.vn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng. Ngoài việc hỗ trợ bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện, hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức còn đáp ứng các yêu cầu về quản lý, điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Đến nay đã có tổng cộng 37 tuyến xe buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT thí điểm hệ thống vé điện tử.
Mới nhất, từ ngày 15-4-2024, Hà Nội đã thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe, nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và một số vị trí trông giữ xe của Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Dù mới triển khai nhưng cách làm này đã nhanh chóng được người dân đồng tình, ủng hộ bởi sự công khai, minh bạch, thuận tiện.
- Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc để sớm trở thành thành phố thông minh, trong đó hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột. Vậy theo ông, Hà Nội cần làm gì để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông?
- Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp cơ bản. Một trong những giải pháp cơ bản, mang tính đột phá là ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt Đề án ‘‘Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội’’, làm cơ sở để triển khai.
Từng bước triển khai các nội dung liên quan
- Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải?
- Chuyển đổi số là lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều địa phương và người dân. Do đó, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vấn đề như: Nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí thực hiện… Cán bộ, công chức, viên chức, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ phải qua giai đoạn “giao thời”; khối lượng công việc, thao tác sẽ phát sinh nhiều hơn khi sử dụng song song 2 phương thức vừa điện tử, vừa thủ công. Người dân khi khai thác, sử dụng các dịch vụ công cũng cần phải có thời gian để tìm hiểu, tiếp cận và làm quen với việc giao dịch hành chính trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn, đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và phần mềm ứng dụng. Do đó cần có thời gian, lộ trình dài để cân đối, bố trí nguồn ngân sách phù hợp. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống giao thông thông minh, đầu tư, vận hành, khai thác hệ thống giao thông thông minh…
- Đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông vận tải Thủ đô, thưa ông?
- Giao thông thông minh là rất cần thiết nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế hiện nay. Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số cần có lộ trình, phương án phù hợp, nhất là vấn đề về nguồn kinh phí, nhân lực cho quá trình chuyển đổi số; cần có cơ chế tài chính, có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương triển khai một cách hợp lý, đúng quy định…; cần xây dựng bộ khung chuẩn để triển khai chuyển đổi số phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với phát triển đô thị thông minh, việc trước mắt cần làm là xây dựng hệ thống dữ liệu một cách bài bản, qua đó từng bước triển khai các nội dung liên quan đến chính quyền số, kinh tế số… theo lộ trình phù hợp.
Với chiến lược và giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp theo từng giai đoạn, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đang từng bước tiến hành công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Xác định mục tiêu, chiến lược chuyển đổi số; xác định những cơ hội, thách thức; xây dựng kế hoạch, lộ trình, nội dung nhiệm vụ; lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách; đổi mới công tác tuyên truyền về chuyển đổi số.
Trong đó, việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện Đề án ‘‘Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội’’ là rất cần thiết nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại hạn chế hiện nay, hình thành hệ thống giao thông thông minh theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đề án cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông, trong đó có việc quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho vận chuyển hành khách và hàng hóa; cung cấp thông tin giao thông chính xác; khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại; bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông...