Hệ thống hợp tác xã tạo 'lực đẩy' cho sản phẩm nông nghiệp vươn xa

Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã là mô hình phù hợp để phát triển vùng nông thôn, đồng thời giúp những người yếu thế, hộ nghèo không chỉ về mặt kinh tế, mà còn tạo 'lực đẩy' phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.

Phát huy cao vai trò chủ động cầu nối

Để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực tìm hướng đi mới trong xây dựng mô hình sản xuất, làm cầu nối để liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Thương hiệu “Miến dong Tài Hoan” của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao, được thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước đón nhận; đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ và đang hướng đến mở rộng thêm nhiều nước khác.

“HTX là vai trò nòng cốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, thực tế đã thấy, khi chưa phát triển thành HTX, sản phẩm miến dong chỉ bán ở thị trường nhỏ lẻ, chủ yếu là bán lẻ cho người tiêu dùng trong những bữa ăn hằng ngày ở quanh tỉnh nhà. Từ khi hoạt động theo mô hình KTTT, thực hiện theo Luật HTX kiểu mới, sản phẩm miến dong mới thực sự vươn mình ra thị trường lớn như hiện nay”- bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ.

 HTX Nông nghiệp công nghệ cao BK FOODS cũng là một trong những HTX thành công từ hoạt động theo mô hình HTX.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao BK FOODS cũng là một trong những HTX thành công từ hoạt động theo mô hình HTX.

Cùng với HTX Tài Hoan, HTX Nông nghiệp công nghệ cao BK FOODS đang duy trì xuất khẩu các sản phẩm sấy khô như: Hoa hồi, trà hoa vàng, măng khô sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Anh. Điểm sáng của các HTX là đã và đang vững bước đi lên, phát huy cao vai trò cầu nối, thắt chặt liên kết giữa nông dân với Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp; tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Sự tin cậy của người tiêu dùng là động lực để các HTX tự tin mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và thế giới.

 Sản phẩm OCOP của các HTX đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.

Sản phẩm OCOP của các HTX đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.

Đồng hành cùng HTX vượt khó khăn

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 450 HTX, trong đó hơn 300 HTX nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp, với tổng số thành viên là trên 5.500 người; tổ HTX có hơn 660 tổ, với trên 4.600 thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên HTX, THT từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, tùy từng lĩnh vực. Mặc dù còn khó khăn, nguồn kinh phí thiếu thốn, nhưng những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, đồng hành xây dựng và phát triển hệ thống KTTT, HTX. Do đó, xu thế phát triển KTTT, HTX ngày càng được người dân quan tâm, góp phần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đóng góp vào phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

 Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn thăm, động viên các HTX trên địa bàn tỉnh tích cực thi đua lao động sản xuất.

Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn thăm, động viên các HTX trên địa bàn tỉnh tích cực thi đua lao động sản xuất.

Năm 2024, từ nguồn kinh phí Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Kạn, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã cho vay quay vòng cho 01 dự án và đang tiếp tục giải ngân cho các HTX có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các trung tâm, đơn vị chuyên môn liên quan tư vấn xây dựng phương án tổ chức sản xuất, thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các HTX...

 Lãnh đạo Liên minh HTX cùng các sở, ngành chuyên môn thăm vườn mơ của HTX Cao Kỳ (Chợ Mới).

Lãnh đạo Liên minh HTX cùng các sở, ngành chuyên môn thăm vườn mơ của HTX Cao Kỳ (Chợ Mới).

Mục tiêu năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có thêm 20 sản phẩm của khu vực KTTT, HTX được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên; có ít nhất 35 HTX thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

KTTT, HTX là mô hình phù hợp để phát triển vùng nông thôn, đồng thời, giúp đỡ những người yếu thế không chỉ về mặt kinh tế, còn tạo “lực đẩy” phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/he-thong-hop-tac-xa-tao-luc-day-cho-san-pham-nong-nghiep-vuon-xa-post69120.html