Công xưởng ôtô Thái Lan giảm nhiệt và cơ hội cho những nước láng giềng
Sản lượng ôtô thường niên tại Thái Lan có thể chạm mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
![Ảnh: The New York Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/8ff78962bc2c55720c3d.jpg)
Ảnh: The New York Times.
Thái Lan từng được gọi bằng cái tên “công xưởng ôtô” của Đông Nam Á khi vừa là quốc gia sản xuất ôtô nhiều nhất khu vực, đồng thời là nước đứng thứ 12 thế giới về sản lượng xe nội địa, theo số liệu của CNN hồi năm 2018.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy bộ mặt “công xưởng ôtô” khu vực đang có sự thay đổi. Vị thế có phần sa sút của Thái Lan, Indonesia diễn ra song hành với đà trỗi dậy của ngành công nghiệp ôtô nội địa ở Malaysia và cả Việt Nam.
“Detroit châu Á” giảm nhiệt
Hồi năm 2002, Viện Ôtô Thái Lan công bố kế hoạch 6 năm nhằm biến Thái Lan trở thành “Detroit châu Á” - danh xưng ám chỉ mục tiêu đưa đất nước chùa vàng trở thành nơi quy tụ nhà máy của hầu hết nhà sản xuất ôtô toàn cầu.
Cộng hưởng với mức thuế quan 80% lên ôtô và 60% lên xe máy đã có hiệu lực từ hơn 3 thập kỷ qua, sản lượng ôtô nội địa Thái Lan từng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 383% trong giai đoạn 2000-2017.
Dữ liệu do Hiệp hội sản xuất Ôtô Đông Nam Á (AAF) thu thập cho thấy sản lượng ôtô của Thái Lan trong giai đoạn 2015-2023 có trồi sụt nhưng chưa bao giờ rơi xuống dưới mức 1,4 triệu xe/năm.
Hoạt động sản xuất ôtô tại xứ sở chùa vàng ở giai đoạn này lập đỉnh vào năm 2018, với tổng cộng 2,167 triệu xe xuất xưởng từ các dây chuyền nội địa.
Trong cùng năm hưng thịnh bậc nhất của ngành công nghiệp ôtô Đông Nam Á, Indonesia đã hoàn thành sản xuất 1,3 triệu xe. Sản lượng ôtô nội địa của Malaysia trong năm 2018 là 564.971 xe, còn Việt Nam xuất xưởng tổng cộng 200.436 xe.
![Quang cảnh bên trong nhà máy Nissan ở Thái Lan. Ảnh: Nissan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/a8d9a54c9002795c2013.jpg)
Quang cảnh bên trong nhà máy Nissan ở Thái Lan. Ảnh: Nissan.
Nhiều hãng xe chọn Thái Lan làm địa chỉ sản xuất ôtô tại khu vực Đông Nam Á. Hồi năm 2018, nhiều nhà sản xuất ôtô tên tuổi đã có nhà máy ở xứ sở chùa vàng, gồm Ford, General Motors, BMW, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Isuzu, Nissan, Honda hay Suzuki.
Đến khi xu hướng xe điện bùng nổ trong những năm gần đây, Thái Lan cũng được nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc để mắt đến. BYD, Aion, Great Wall Motors, Neta cùng với Chery là những hãng xe đã có nhà máy hoặc đang chuẩn bị thiết lập một cơ sở sản xuất ở Thái Lan.
Hãng xe Hàn Quốc Hyundai cũng được tiết lộ sẽ sớm đầu tư 28 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất ôtô điện tại quốc gia Đông Nam Á.
Dẫu vậy, hoạt động sản xuất ôtô nội địa ở Thái Lan đã bắt đầu có dấu hiệu sa sút kể từ năm ngoái. Theo số liệu của AAF, tính đến hết tháng 11/2024, sản lượng ôtô của Thái Lan đã giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,363 triệu xe và có thể sẽ là mức thấp nhất từng ghi nhận trong vòng 10 năm trở lại đây.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/c141ced4fb9a12c44b8b.jpg)
Khoảng chênh lệch 20,1% so với sản lượng của 11 tháng đầu năm 2023 chưa phải là đà sa sút lớn nhất trong khu vực. Indonesia trong cùng kỳ ghi nhận sản lượng ôtô nội địa đạt 885.516 xe, tương đương mức sụt giảm 31,8%.
Giữa bối cảnh đó, Malaysia trở thành quốc gia hiếm hoi trong khu vực chứng kiến sản lượng ôtô nội địa tăng trưởng, đạt 725.173 xe trong 11 tháng đầu năm 2024.
Sàn lượng ôtô nội địa ở Việt Nam cũng giảm nhẹ 1% trong 11 tháng đầu năm ngoái, đạt 157.115 xe. Hồi năm 2023, các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam đã hoàn tất xuất xưởng tổng cộng 177.115 ôtô các loại.
Bộ mặt công xưởng khu vực đang thay đổi
Sự thay đổi của bộ mặt công xưởng ôtô khu vực được phản ánh phần nào qua số lượng ôtô mà Việt Nam nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á.
Hồi năm 2023, Thái Lan là nước cung cấp nhiều ôtô nhập khẩu nhất cho thị trường Việt với tổng cộng 53.942 xe, còn Indonesia đứng thứ nhì khi xuất khẩu tổng cộng 42.676 xe sang Việt Nam.
Bước sang năm 2024, Thái Lan đã phải nhường danh hiệu này cho Indonesia. Đất nước chùa vàng xuất khẩu tổng cộng 63.769 xe sang Việt Nam, tăng trưởng so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức 70.728 xe ghi nhận trong cùng kỳ của Indonesia.
![Thái Lan không còn là quốc gia cung cấp ôtô nhập khẩu nhiều nhất cho khách Việt. Ảnh: T.T.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/b982b21787596e073748.jpg)
Thái Lan không còn là quốc gia cung cấp ôtô nhập khẩu nhiều nhất cho khách Việt. Ảnh: T.T.
Cuối năm ngoái, trang tin The Bangkok Post cho hay ngành công nghiệp ôtô Thái Lan đã có tháng thứ 17 liên tiếp chứng kiến sản lượng sụt giảm, chủ yếu do nhu cầu suy yếu ở cả trong lẫn ngoài nước.
Mảng xuất khẩu ôtô của Thái Lan đã giảm 8,8% trong năm vừa rồi, còn doanh số cũng giảm đến 26% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong năm ngoái, các hãng xe Nhật Bản gồm Suzuki, Honda và Subaru đã lần lượt xác nhận kế hoạch thu hẹp hoặc chuyển đổi hoạt động sản xuất tại Thái Lan.
Theo The Bangkok Post, nhà máy Suzuki ở Thái Lan sẽ đóng cửa vào cuối năm 2025, còn nhà máy Honda ở tỉnh Ayutthaya cũng dự kiến sớm dừng hoạt động.
Về phần mình, Subaru cho biết sẽ giảm dần cho đến khi ngừng hẳn hoạt động lắp ráp xe tại nhà máy ở Thái Lan. Kể từ năm 2025 trở đi, các thị trường đang tiêu thụ ôtô Subaru lắp ráp Thái Lan bao gồm sẽ chuyển sang mô hình kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.
![Nhà máy Subaru ở Thái Lan sẽ sớm đóng cửa. Ảnh: Phúc Hậu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/b5b9a52c9062793c2073.jpg)
Nhà máy Subaru ở Thái Lan sẽ sớm đóng cửa. Ảnh: Phúc Hậu.
Hiện, các hãng xe điện Trung Quốc vẫn liên tục đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Thái Lan. Dữ liệu của Hiệp hội xe điện Thái Lan (EVAT) cho thấy BYD, Great Wall Motors và loạt hãng xe Trung Quốc khác đã rót vào xứ chùa vàng tổng cộng hơn 102,7 tỷ baht (khoảng hơn 3 tỷ USD).
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy Thái Lan hay Indonesia nhiều khả năng sẽ dần mất đi vị trí độc tôn trong khu vực Đông Nam Á khi các nhà sản xuất ôtô quốc tế tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy. Malaysia, và nhiều khả năng cả Việt Nam sẽ trở thành trọng điểm đầu tư mới của các hãng xe.
Việt Nam liệu có trở thành “công xưởng ôtô” mới?
Ngoài loạt hãng xe đang sản xuất ôtô tại Việt Nam như VinFast, Toyota, Hyundai, Ford, Mitsubishi, Mazda, Kia, Peugeot hay MINI, BMW và Mercedes, nước ta sẽ sớm trở thành địa chỉ sản xuất mới của các hãng xe Omoda, Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) hay Lynk & Co, Geely (tập đoàn Geely) và Tank, Haval (tập đoàn Great Wall Motors).
Riêng với Chery, tập đoàn ôtô Trung Quốc đã gọi tên Việt Nam và Malaysia như là hai điểm đến của tập đoàn ôtô này trong việc xây dựng chuỗi nhà máy toàn cầu. Tập đoàn này thậm chí xác định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất ôtô chủ lực của khu vực Đông Nam Á.
![Bản quy hoạch dự kiến nhà máy của Chery tại Thái Bình. Ảnh: Chery.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51450741/3a5229c71c89f5d7ac98.jpg)
Bản quy hoạch dự kiến nhà máy của Chery tại Thái Bình. Ảnh: Chery.
Hồi tháng 10/2024, Hyundai Thành Công thông báo đã xuất khẩu lô xe Hyundai Palisade thứ 4 sang Thái Lan, nâng tổng lượng Palisade xuất khẩu sang thị trường xứ chùa vàng lên con số 110 xe.
Trước Hyundai, các đơn vị như VinFast, Thaco cũng đã cho xuất khẩu ôtô sang các nước Đông Nam Á, thậm chí đưa sản phẩm ra các thị trường xa hơn như Mỹ hay Canada.
Dù còn khá non trẻ và phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của mảng công nghiệp phụ trợ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang có tiềm năng để trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực Đông Nam Á.
Tất nhiên Việt Nam sẽ không "cô đơn" trên con đường trở thành nước sản xuất ôtô trong khu vực. Indonesia, Malaysia cũng có những lợi thế nhất định để các thương hiệu lớn đặt nhà máy.
Khu vực Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của thế giới khi còn nhiều tiềm năng phát triển và đang cho thấy sự ổn định so với nhiều khu vực khác trên thế giới, và cuộc đua trở thành nước sản xuất, xuất khẩu ôtô vẫn đang ở phía trước.