Mỹ áp thuế 25% lên mặt hàng nhôm và thép, doanh nghiệp lên phương án mở rộng thị trường xuất khẩu
Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị phương án mở rộng thị trường xuất khẩu để tránh bị phụ thuộc vào thị trường Mỹ; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, nâng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất...
![Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, thép trong nước sẽ giảm khi Mỹ áp thuế 25%. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_3_51450907/326f9ef0abbe42e01baf.jpg)
Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, thép trong nước sẽ giảm khi Mỹ áp thuế 25%. Ảnh minh họa.
Sáng 11/2/2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, không có ngoại lệ hoặc miễn trừ.
BIÊN ĐỘ LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP SẼ GIẢM
Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025. Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn.
Theo số liệu chính thức của Mỹ, hiện Canada và Mexico là những nước nhập khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Brazil và Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp thép lớn.
Còn với Việt Nam, thống kê hải quan Mỹ cho biết năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023 và xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm vào thị trường này, tăng 9,5% so với năm 2023.
Mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.
Không chỉ vậy, sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.
Tháng 10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm đùn xuất xứ Việt Nam, mức thuế suất chung của Việt Nam là 41,84%; các đơn vị tham gia quá trình điều tra đầy đủ chịu mức thuế là 1602%
Tuy nhiên, ngày 30/10/2024, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ đã xác định rằng ngành công nghiệp của Hoa Kỳ không bị tổn hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây tổn hại đáng kể do nhập khẩu nhôm đùn từ Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trước động thái tăng thuế này, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm.
Bà Lý Thị Ngân, Chánh Văn phòng Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cũng cho rằng nhôm và thép là các kim loại cơ bản của các nền kinh tế. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ, tăng 9,5% so với năm 2023.
Từ năm 2018, ngành nhôm Việt Nam mới chỉ chịu mức thuế 10%, hiện nay mức thuế này đã tăng lên 25%. Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Trước quyết định này của ông Trump, thị trường nhôm nguyên liệu trong nước và thế giới bắt đầu phản ứng và có xu hướng tăng.
Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 25% khiến các doanh nghiệp ngành nhôm lo lắng về năng lực xuất khẩu trong tương lai vì Mỹ đang chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhôm Việt.
MỞ RỘNG XUẤT KHẨU SANG CÁC THỊ TRƯỜNG KHÁC
Theo bà Ngân, nhóm doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách này là các nhà sản xuất vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nhóm xuất khẩu chính nên sẽ chịu tác động nhiều hơn các doanh nghiệp nhôm của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ lụy sau đó là công suất dư thừa ở các nhà máy này sẽ gây áp lực trở lại thị trường trong nước vốn đang thừa sau một thời gian dài suy thoái.
Dự đoán được tình hình, bà Ngân cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump, ngành nhôm đã xác định sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro thuế quan, sự gia tăng chi phí đầu vào về nguyên liệu - hàng hóa và vận tải; chắc chắn tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhôm Việt sẽ bị giảm.
Do đó, Hiệp hội đã có những phân tích thị trường và rủi ro đối với ngành nhôm để các doanh nghiệp hội viên nắm được, chuẩn bị phương án mở rộng thị trường xuất khẩu để tránh bị phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
"Điều này Thủ tướng cũng đã khuyến cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, thảo luận về tình hình thế giới diễn biến khó lường và việc chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới…", bà Ngân chia sẻ.
Mặt khác, các doanh nghiệp ngành nhôm cũng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới để hỗ trợ cho các thị trường và khách hàng truyền thống, nâng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất ngành nhôm.
Trước mắt, các nhà sản xuất- xuất khẩu nhôm Việt Nam tập trung đàm phán với đối tác nhập khẩu Mỹ để chia sẻ rủi ro với các đơn hàng đã ký. Đồng thời, thảo luận phương án cho các đơn hàng tiếp theo để duy trì hoạt động giao thương với bạn hàng truyền thống.
Ông Hưng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, theo dõi sát tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Đồng thời, tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ, nếu xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại cần tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ.
Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để cập nhật tình hình và có giải pháp ứng kịp thời, phù hợp.