Hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ năm 2024

Trong năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực và đoàn kết của toàn hệ thống, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt đã kiểm soát tốt các nguồn chi ngân sách, đưa nguồn vốn đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng.

Sáng ngày 20/12, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cùng một số lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tài chính.

Về phía KBNN, Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Quân - Tổng Giám đốc, các đồng chí trong Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ công chức KBNN.

Kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ, kịp thời

Trong năm 2024, bám sát dự toán thu NSNN, KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách.

Đồng thời, KBNN tiếp tục mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham dự Hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham dự Hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tính đến ngày 15/12/2024, KBNN đã triển khai ký thỏa thuận khung với 21 NHTM, tổ chức kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với 20 NHTM. Đồng thời, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.870.596 tỷ đồng, bằng 109,97% so với dự toán năm 2024 được giao, trong đó: Thu NSTW đạt 113,47% so với dự toán; thu NSĐP đạt 106,46% so với dự toán.

Đặc biệt, trong công tác kiểm soát chi NSNN, toàn hệ thống đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024. Do đó, KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi NSNN kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tính đến ngày 15/12/2024, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát thanh toán trên 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách. Trong đó, vốn chi thường xuyên là 1.051.366 tỷ đồng và vốn đầu tư là 460.462,7 tỷ đồng

Hệ thống KBNN đã thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với chi đầu tư, KBNN chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, tuân thủ nguyên tắc kiểm soát thanh toán, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán, đôn đốc thu hồi tạm ứng theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, ban hành các văn bản yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tính đến ngày 15/12/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 1.051.366 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 82,8% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 121.711 tỷ đồng về giá trị, cao hơn 4,3% về tỷ lệ so với dự toán.

Đồng thời, toàn hệ thống cũng đã thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 460.462,7 tỷ đồng, bằng 61,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn (KHV) kéo dài và kế hoạch năm 2024 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 745.225,1 tỷ đồng), bằng 56,5% tổng nguồn vốn thuộc KHV kéo dài và KHV 2024 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 815.146,7 tỷ đồng).

Cũng theo KBNN, về công tác điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN), trong năm 2024, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Theo thống kê, tính đến ngày 15/12, NQNN đã cho NSNN vay 208.513 tỷ đồng, tổng số NQNN đã gửi tại hệ thống NHTM là 1.676.376 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua hoạt động quản lý NQNN, KBNN đã nộp vào NSTW 2.850 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn NQNN ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với chi phí hợp lý; đồng thời, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tính đến hết ngày 15/12/2024, KBNN đã huy động được 327.546,5 tỷ đồng, đạt 81,9% kế hoạch năm 2024 Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 11,05 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,01 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 2,52%/năm. Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi TPCP đến hết ngày 15/12/2024 là 246.277,8 tỷ đồng, trong đó: gốc là 161.470 tỷ đồng; lãi là 84.807,8 tỷ đồng.

Tiếp tục tổ chức điều hành quỹ ngân sách nhà nước an toàn

Ban lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Kho bạc bạc Nhà nước. Ảnh: Đức Minh

Ban lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Kho bạc bạc Nhà nước. Ảnh: Đức Minh

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tài chính, 35 năm tái thành lập hệ thống KBNN, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, mặc dù nền kinh tế có những thuận lợi rất cơ bản, song tiếp tục chịu tác động tiêu cực kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình đó, với vai trò là cơ quan kiểm soát thanh toán các nguồn vốn ngân sách, hệ thống KBNN xác định mục tiêu và phương châm hành động năm 2025 là: “Tập trung nguồn lực, trí tuệ hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và các đề án, chính sách; đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch”.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, KBNN sẽ cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tục tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công.

Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025

Trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn có nhiều diễn biến khó lường, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống KBNN trong năm 2025 và các năm tiếp theo là hết sức nặng nề, song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống KBNN với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới và sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2025.

Hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN; tổ chức điều hành NQNN chặt chẽ, an toàn, minh bạch, chủ động và hiệu quả. Tổ chức tốt công tác kế toán, thanh toán đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; thực hiện tốt công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2023.

Để phục vụ khách hàng tốt nhất, trong năm 2025, KBNN cũng đưa ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống. Theo đó, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng NSNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của KBNN theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi số, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN, cụ thể, trình Bộ Tài chính phê duyệt và triển khai các dự án thành phần của Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các hệ thống công nghệ liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN giai đoạn 2026-2030; triển khai diện rộng bài toán liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản; xây dựng chương trình lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN; nâng cấp và mở rộng một số chức năng của hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN; thuê Trung tâm dữ liệu KBNN và thực hiện các dự án về an toàn bảo mật, quản trị hệ thống, đảm bảo kỹ thuật công nghệ thông tin của KBNN./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/he-thong-kho-bac-nha-nuoc-hoan-thanh-toan-dien-cac-nhiem-vu-nam-2024-166823.html