Hệ thống metro 28 tỷ euro ở Paris hiện đại cỡ nào?
Bốn tuyến đường sắt đô thị dài hơn 200km sắp khai trương tại Paris (Pháp) sẽ sử dụng công nghệ tàu không người lái.
Tổng số tiền đầu tư lên tới gần 28,3 tỷ euro và khi đi vào hoạt động, lợi nhuận mà hệ thống metro này mang lại có thể lên tới hàng trăm tỷ euro.
Chậm kế hoạch ít nhất 7 năm
Hệ thống đường sắt đô thị Paris Metro được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nó không chỉ đơn thuần là nhà ga, bến tàu, mà còn là những mê cung với các công trình lịch sử, bảo tàng, triển lãm. Thậm chí, bản thân nhiều nhà ga còn là những kiệt tác nghệ thuật.
Dù vậy, Paris Metro đang phải gồng gánh gần bốn triệu lượt hành khách mỗi ngày với cơ sở hạ tầng cũ kỹ, đang có dấu hiệu xuống cấp trước áp lực dân số ngày càng tăng.
Đối với nhiều người Paris, đặc biệt là những người sống và làm việc quanh các vùng ven đô, việc di chuyển khắp thành phố mà không phải chuyển tuyến qua trung tâm là một thách thức lớn. Điều đó khiến việc đi lại mất thời gian và làm tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng tại đại đô thị 7 triệu dân này.
Đường sắt đô thị Paris vốn đã là một hệ thống khổng lồ dài 800km, gồm 16 tuyến tàu điện ngầm trung tâm thành phố, 5 tuyến kết nối ngoại ô. Dự án mới dài 200km sẽ bổ sung thêm bốn tuyến mới và mở rộng thêm hai tuyến hiện có.
Cô Lauren Bain, 26 tuổi, là một nhà báo làm việc ở Paris nhưng sống tại Versailles, cách thủ đô khoảng 20km về phía tây nam. Mỗi khi cô muốn đến nhà thờ ở thị trấn Saint Aubin lân cận chỉ cách hơn 10km, cô phải mất 2 tiếng đồng hồ trên xe buýt. Nếu di chuyển bằng tàu, cô có thể đến nhà ga ở Versailles thuận tiện hơn nhưng lúc nào cô cũng bị muộn vì tàu bị hủy không có lý do.
Nhưng một thay đổi quy mô lớn đang đến với người dân Paris, với sự xuất hiện của hệ thống Grand Paris Express. Với hệ thống Grand Paris Express, cô Lauren Bain đã có thêm lựa chọn để di chuyển vào thành phố, cũng như kết nối với các thị trấn lân cận ven đô.
Mạng lưới tàu điện mới dài 200km, gồm 4 tuyến và 68 ga, tập trung kết nối khu vực ngoại ô, giảm thời gian hành trình vào trung tâm thành phố.
Thực chất, dự án này đã nhen nhóm từ cách đây 14 năm khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy công bố kế hoạch xây dựng hệ thống tàu điện mới vào năm 2009.
Việc mở cửa một phần mạng lưới Grand Paris Express đã được hứa hẹn từ thời ông Sarkozy đến người kế nhiệm là ông Francois Hollande. Nhưng mãi đến năm 2016, dự án mới bắt đầu khởi công. Tuy nhiên, dự án gặp phải những trở ngại như lũ lụt tại công trường, chậm trễ cung cấp vật tư thiết bị, cũng như ảnh hưởng của Covid-19.
Chính vì vậy, mỗi bước tiến của dự án thu hút sự chú ý rất lớn của người dân địa phương. Cuối tháng 11 vừa qua, khi thành phố chạy thử nghiệm chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị mới, đã có rất đông người dân kéo đến để chứng kiến khoảnh khắc này.
Đoàn tàu 6 toa dài 108m, do Công ty Alstom sản xuất, ra mắt người dân Paris trong tiếng nhạc và màn trình diễn ánh sáng màu trắng, xanh, đỏ theo màu quốc kỳ nước Pháp.
"Một dự án lớn chưa từng có, một công trường khổng lồ, một công trình thế kỷ, một dự án ngoại hạng, cuộc cách mạng thứ ba ở Paris, cơ sở hạ tầng đặc biệt…" - Đó là những gì người ta nói về dự án xây dựng hệ thống metro Grand Paris.
Ứng dụng tàu không người lái, giảm tác động từ đình công
Với dự án tàu điện quy mô lớn, Pháp hy vọng Grand Paris Express sẽ cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa các vùng ven đô bằng giao thông công cộng, cũng như giảm việc sử dụng ô tô cho người dân ở khu vực Đại Paris.
Không giống các tuyến metro truyền thống, Grand Paris Express sử dụng tàu không người lái để tạo ra hệ thống mạng lưới nhanh chóng, hoàn toàn tự động. Do đó không cần thuê và đào tạo lái tàu mới, giảm thiểu ảnh hưởng, gián đoạn giao thông do đình công.
Theo ông Mohamed Mezghani, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải công cộng quốc tế, hệ thống mới cũng sẽ đưa Paris lên vị trí dẫn đầu thế giới về mạng lưới giao thông công cộng thành phố, tương đương với Tokyo, Moscow và Washington D.C.
Ông Mezghani cho biết: "Người dân ở các thành phố lớn dần nhận ra, ô tô không phải là giải pháp. Khi tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng, nếu xây thêm đường thì chỉ càng thu hút thêm xe cộ".
Trước thềm Thế vận hội Olympics 2024, người dân Paris và du khách kỳ vọng sẽ không có thêm bất cứ nào cản trở Grand Paris Express kịp thời đưa vào vận hành phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, 8 tháng trước khi diễn ra Thế vận hội dự kiến chỉ có một đoạn đường sắt mở rộng tuyến 14 hiện có tới sân bay Orly về đích đúng hạn. Các tuyến khác sẽ dần dần đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.
Dẫu vậy, Bộ Giao thông Pháp vẫn lạc quan về tác động của hệ thống đường sắt mới với thủ đô Paris, nhấn mạnh công suất mạng lưới đường sắt sẽ tăng 15% trong thời gian Thế vận hội diễn ra với hàng triệu du khách ghé thăm thành phố. Đại diện của bộ này khẳng định: "Kế hoạch hành động của chúng tôi rất rõ ràng và chúng tôi đang thực hiện đúng tiến độ".