Hệ thống Mũi tên và Vòm Sắt của Israel có thể giúp Đức đối phó mối lo tên lửa Iskander của Nga?

Lo ngại tên lửa đạn đạo Iskander của Nga, Đức xem xét mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 hoặc Iron Dome từ Israel. Theo giới chuyên gia, cả hai hệ thống này đều có những hạn chế.

Liệu các hệ thống chống tên lửa của Israel như Arrow 3 (Mũi tên) hay Iron Dome (Vòm Sắt) mà Đức sắp mua có đủ tốt để chống lại các cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ Nga hay không? Giới chuyên gia quân sự dường như không chắc chắn lắm về tính hiệu quả của những hệ thống phòng không của Israel.

Lo ngại tên lửa Iskander của Nga, Đức tính mua hệ thống phòng không từ Israel để đối phó

Theo trang EurAsian Times, mặc dù Đức và Israel chưa ký thỏa thuận song giới lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel trị giá 2,19 tỉ USD sẽ được bàn giao cho Đức. Thông tin này được chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận.

Tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga. Ảnh: Wikipedia

Tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga. Ảnh: Wikipedia

Dường như có một sự đồng thuận chính trị tại Đức hiện nay rằng nước này cần bố trí một hệ thống phòng thủ có tên gọi là “Lá chắn sắt của Đức”, không chỉ cho chính nước này mà còn cho các nước láng giềng vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, điều chưa rõ hiện nay là hệ thống đó là chỉ có Arrow 3 hay là cả Arrow 3 và Iron Dome, những hệ thống nổi tiếng do Israel chế tạo.

Đức cũng được cho là kiểm tra hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) dù đây không phải là ưu tiên mà Đức muốn mua, ít nhất là ở thời điểm hiện nay.

Các nhà lãnh đạo của Đức và giới phân tích lo ngại rằng Nga đã bố trí tên lửa hành trình Iskander tại vùng Kaliningrad – loại tên lửa nguy hiểm có thể vươn đến các TP châu Âu như Berlin chỉ trong vài phút và có thể bay rất cao, khó có thể bị những hệ thống phòng không thông thường phá hủy.

Ban đầu, hồi tháng 3, Đức tập trung vào hệ thống Vòm Sắt của Israel, nhưng sau đó nước này mở rộng mối quan tâm tới hệ thống Arrow 3. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, cả hai hệ thống này đều có những hạn chế.

Arrow 3 và Iron Dome có thể chống lại tên lửa Iskander của Nga?

Dự án chống tên lửa Vòm Sắt ban đầu được bố trí năm 2011 gần TP Beersheba (Israel), là hệ thống phòng không di động hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Vòm Sắt được thế giới biết đến theo cách hệ thống này đã bảo vệ các TP và người dân Israel trước các cuộc tấn công tên lửa của lực lượng Hamas phóng đi từ Dải Gaza.

Vòm Sắt có thể chặn và phá hủy tên lửa tầm ngắn cũng như đạn pháo được bắn đi từ khoảng cách 4 km đến 69 km khi nhắm vào khu vực đông dân cư.

Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel. Ảnh: Wikimedia Commons

Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy vậy, vẫn có những chỉ trích đối với hệ thống Vòm Sắt. Nhiều ý kiến cho rằng Vòm Sắt không hoàn toàn hiệu quả trong các cuộc tấn công từ Hamas năm 2019. Có lần hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt đã bị chọc thủng sau khi một loạt gồm 700 quả tên lửa áp đảo nó, khiến bốn dân thường thiệt mạng và gần 200 người bị thương.

Hamas từng tuyên bố rằng bắn hàng chục tên lửa trong một lần bắn có thể xuyên thủng lá chắn Vòm Sắt.

Theo chuyên gia Tal Inbar tại Liên minh Vận đồng Phòng thủ Tên lửa trụ sở tại Mỹ, mặc dù Vòm Sắt có khả năng đánh chặn một số loại vũ khí của Nga chẳng hạn như tên lửa Grad, nhưng hệ thống này không phát huy tác dụng nếu Nga sử dụng tất cả vũ khí có trong kho vũ khí của mình, trong đó có tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh.

Tên lửa Iskander-M của Nga được thiết kế để chọc mù các hệ thống tên lửa khác bằng cách bay ở quỹ đạo thấp và cơ động trong lúc bay để tấn công mục tiêu cách 500 km, với độ chính xác 2m đến 5m, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

“Khi nói về tên lửa đạn đạo như Iskander mà Nga đang sử dụng, Vòm Sắt không phải là giải pháp cho điều này. Hệ thống này được thiết kế để chống lại rocket và máy bay không người lái (UAV) chứ không phải tên lửa đạn đạo” – ông Inbar nói.

Tương tự, ông Oliver Thränert, chuyên gia về vấn đề phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, cho rằng kho vũ khí của Nga không liên quan gì tới tên lửa mà Hamas sử dụng ở Dải Gaza cũng như loại tên lửa mà hệ thống Vòm Sắt có nhiệm vụ đánh chặn. Điều này giống như đang so sánh khả năng tấn công của một đội chơi ở Champions League với khả năng tấn công của đội chơi ở một khu vực nào đó”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3. Ảnh: The EurAsian Times

Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3. Ảnh: The EurAsian Times

Có một số vấn đề hậu cần xảy ra với hệ thống Vòm Sắt. Một số báo cáo cho rằng Quốc hội Mỹ gần đây chỉ phê duyệt mức phân bổ 1 tỉ USD cho Israel để bổ sung các tên lửa mà nước này đã sử dụng để bắn hạ tên lửa của Hamas trong cuộc xung đột mùa hè năm ngoái.

Điều đó có nghĩa là Israel không có đủ số lượng tên lửa đánh chặn cho nước mình, do đó có thể nước này không thể xuất khẩu hệ thống Vòm Sắt với số lượng hợp lý.

Đây là một trong những lý do Đức quan tâm hơn tới Arrow 3, loại tên lửa đóng vai trò bổ trợ cho Vòm Sắt nhưng được thiết kế đặc biệt để đánh chặn tên lửa tầm trung.

“Trên lý thuyết, đây là loại hệ thống phòng không có thể chống lại các tên lửa như Iskander mà Nga nên sử dụng nếu muốn tấn công Đức” – ông Rafael Loss, chuyên gia về vấn đề an ninh của Đức tại Hội đồng Châu âu, nhận định.

Bên cạnh đó, ông Loss cũng cảnh báo rằng người Nga có đủ phương tiện để áp đảo một hệ thống như Arrow 3 vì sẽ cần hàng trăm nếu không muốn nói hàng ngàn tên lửa phòng không bắn đi cùng một lúc để chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn từ trên không đến từ Nga.

Nhà nghiên cứu cấp cao Götz Neuneck tại Viện Hòa bình và An ninh tại ĐH Hamburg (Đức) cũng đồng tình với quan điểm của chuyên gia Loss.

Để bảo vệ một quốc gia có quy mô như Đức, người ta cần hàng ngàn lá chắn chống tên lửa, điều mà không thể mua được chỉ với 2 tỉ Euro mà chính phủ Đức đã lên kế hoạch chi ra.

Thêm vào đó, ông Neuneck nói rằng “chúng ta còn cần radar có khả năng phát hiện chính xác tên lửa Nga đang tiếp cận”.

Có điều cần lưu ý rằng giống như Vòm Sắt, Arrow 3 cũng là hệ thống mà Israel đã phát triển với sự tài trợ của Mỹ. Tuy nhiên không như Vòm Sắt, chuyên gia Neuneck chỉ ra, hiệu quả của Arrow 3 vẫn chưa được kiểm tra trên bất kỳ chiến trường lớn nào.

Ông Ulrich Kühn, Giám đốc nhóm nghiên cứu kiểm soát phổ biến vũ khí và công nghệ mới tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh thuộc ĐH Hamburg (Đức), nói rằng trước áp lực ngày càng lớn để đảm bảo cảm giác an toàn cho toàn bộ người dân Đức sau cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Ý tưởng có thể có một lá chắn phòng không có thể bảo vệ toàn bộ nước Đức trước tên lửa của Nga là vô lý, đặc biệt là tại thời điểm Đức không có gì khác ngoài một hệ thống chống UAV và một số tên lửa Pariot do Mỹ chế tạo – những công nghệ cũ và được điều chỉnh để phá hủy tên lửa tầm ngắn, theo ông Kühn.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/he-thong-mui-ten-va-vom-sat-cua-israel-co-the-giup-duc-doi-pho-moi-lo-ten-lua-iskander-cua-nga-post675943.html