Hệ thống nhận dạng hỗ trợ đắc lực công tác cứu nạn trên biển
Hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (LRIT) là một trong những công cụ cung cấp thông tin hiệu quả để công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn.
Hệ thống thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (LRIT) là hệ thống thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu thuyền.
Theo Vishipel, hệ thống LRIT cho phép giám sát hành trình và thu nhận thông tin LRIT của tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong phạm vi các vùng biển trừ 2 vùng cực; tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài hoạt động trong vùng thông tin LRIT của Việt Nam (trong phạm vi 1000 hải lý tính từ đường cơ sở); tàu thuyền báo thông tin về mã nhận dạng, vị trí và thời gian xác định vị trí của tàu thuyền.
Trong bối cảnh ngành hàng hải ngày càng phát triển và Việt Nam có nhiều tàu thuyền, hệ thống thông tin LRIT mang tới hiệu quả đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Theo đại diện Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN, trong công tác tìm kiếm cứu nạn, không bao giờ lo thừa thông tin. Lực lượng cứu nạn sẽ tìm kiếm thông tin trên mọi phần mềm có thể, trong đó có LRIT. Càng nhiều dữ liệu, đơn vị cứu nạn càng có thể tận dụng để đánh giá, mang tới hiệu quả nhanh và chính xác hơn.
Theo đó, khi tàu gặp các tai nạn, sự cố nguy hiểm và phát báo động cấp cứu, đơn vị chủ trì tìm kiếm cứu nạn có thể đăng nhập vào hệ thống LRIT Việt Nam để kiểm tra cơ sở dữ liệu với các tàu do quốc gia mình quản lý có nằm trong vùng lân cận của tàu bị nạn hay không.
Đơn vị tìm kiếm cứu nạn còn có thể kiểm tra vị trí của tàu bị nạn thông qua thiết bị LRIT và cũng thông qua hệ thống dữ liệu LRIT, đơn vị chủ trì tìm kiếm ứu nạn có thể biết chính xác tàu nào đang hành trình gần nhất với vị trí tàu bị nạn để huy động tham gia trợ giúp.
Việc áp dụng quy tắc "4 tại chỗ" giúp rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc điều động đơn vị tìm kiếm cứu nạn từ bờ.
Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh, bảo vệ môi trường biển, thông tin LRIT phải luôn ở trạng thái sẵn sàng cung cấp bất cứ khi nào nhận được yêu cầu.
Theo Công ước SOLAS và Quyết định số 62/2014/QĐ-TTg quy định các loại tàu biển phải lắp đặt thiết bị LRIT bao gồm: Tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế; Tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế; Giàn khoan di động; Tàu biển chỉ hoạt động trong vùng biển A1 (cách bờ khoảng 30 hải lý) và đã được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS có thể được miễn trừ lắp đặt thiết bị LRIT. Một số tàu thuyền khác có thể được lắp đặt thiết bị LRIT khi có yêu cầu.
Hệ thống LRIT bao gồm: Thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền, phân hệ cung cấp dịch vụ truyền thông, phân hệ cung cấp dịch vụ ứng dụng và trung tâm dữ liệu.