Hệ thống Patriot hay HIMARS, đâu là đối thủ thật sự của tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga?
Việc Nga phóng 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal trong đợt tấn công mới nhất đã khiến các quan chức Ukraine phải thừa nhận 'không thể bắn hạ'. Vậy có hệ thống phòng không nào chống lại Kinzhal hay không?
Việc Nga phóng 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal trong đợt tấn công mới nhất đã gây lo lắng cho các quan chức Ukraine, khiến họ phải thừa nhận rằng quân đội Ukraine thiếu hệ thống phòng không toàn diện để ứng phó với loại vũ khí này.
Kiev cho biết 6 tên lửa Kinzhal nằm trong tổng số 81 tên lửa mà Nga dùng để tấn công các thành phố trên khắp nước này hôm 9-3.
Bộ Quốc phòng Nga đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, gọi đây là động thái “trả đũa” cho cuộc tấn công của Kiev vào vùng Bryansk (Nga) hôm 2-3.
Ông Yuriy Ihnat - phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết: “Đây là một cuộc tấn công mà tôi chưa từng thấy trước đây. Đến hiện tại, chúng tôi không có khả năng chống lại những vũ khí này”.
Kinzhal là tên lửa siêu thanh mang đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân, có thể triển khai từ các tiêm kích MiG-31K và MiG-31I. Nó có phạm vi hoạt động lên đến 2.000 km, tốc độ tối đa 3430 m/giây.
Với tốc độ này, các hệ thống phòng không truyền thống về cơ bản trở nên vô dụng bởi vì vào thời điểm radar mặt đất phát hiện ra các tên lửa này, chúng đã tiến gần đến mục tiêu.
Vậy có phải tên lửa Kinzhal thực sự không có đối thủ?
Đối trọng của Kinzhal
. Hệ thống Patriot
Trung tâm Stratcom thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine cho rằng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ chính là thứ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Kinzhal.
“Đó là lý do tại sao hệ thống phòng không này phải đến Ukraine càng sớm càng tốt” - trung tâm chia sẻ trên Twitter.
Tháng 12-2022, trong chuyến công du của Tổng thống Volodymyr Zelensky đến Mỹ, Washington đã cam kết sẽ gửi Patriot cho Kiev nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống nào được triển khai ở Ukraine.
Thời điểm đó, phía Nga cũng cho biết Patriot “chắc chắn” sẽ là mục tiêu của quân đội Nga.
Về sức mạnh của Kinzhal so với Patriot, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Do được triển khai từ máy bay nên Kinzhal có khả năng phóng từ các hướng không thể đoán trước được. Điều này gây khó khăn cho các radar phân vùng (không phải radar quét 360 độ), chẳng hạn như các radar đang triển khai trên hệ thống Patriot”.
“Thêm vào đó, nếu tên lửa Kinzhal thực sự có khả năng chống hạm, nó cũng có thể là mối đe dọa đối với các tàu sân bay của Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” - CSIS cho biết thêm.
Ông John Erath - giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí (Mỹ) nói với tờ Newsweek rằng vẫn còn là “suy đoán” về khả năng hệ thống Patriot có thể bảo vệ toàn diện không phận Ukraine.
Theo ông, tên lửa Kinzhal bay với tốc độ nhanh và khó bắn hạ hơn so với tên lửa hành trình thông thường. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo vũ khí này có thể là “con dao hai lưỡi” đối với các lực lượng Nga vì sức mạnh phải trả giá bằng độ chính xác.
“Nếu Nga muốn tấn công các mục tiêu ở Ukraine, họ không nên sử dụng những tên lửa này hoặc phải làm chậm chúng lại để tránh làm mất đi lợi thế” - ông Erath nhận xét.
. Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)
Khác với Patriot, HIMARS đã có mặt ở chiến trường Ukraine trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột.
Theo dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 3-3, Mỹ đã gửi 38 hệ thống HIMARS cùng với đạn dược cho Kiev.
HIMARS là tổ hợp pháo phản lực tầm trung, do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển. Về cơ bản, HIMARS chính là một chiếc xe tải 5 tấn, chở theo một thiết bị có thể phóng 6 quả pháo gần như đồng thời vào các mục tiêu cách xa khoảng 65 km.
Trung tướng John S. Kolasheski - Tư lệnh Quân đoàn V của Quân đội Mỹ cho biết, HIMARS có thể “khai hỏa hàng loạt từ xa một cách nhanh chóng” nên mang lại “lợi thế tác chiến trước kẻ thù và rất quan trọng trong chiến đấu trên bộ quy mô lớn”.
Ông Erath lưu ý rằng HIMARS chủ yếu là các hệ thống pháo sử dụng để tấn công hơn là phòng thủ.
Ông Mark Cancian - cố vấn cao cấp cho chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Nếu Javelin là vũ khí mang tính biểu tượng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, HIMARS là vũ khí mang tính biểu tượng của các giai đoạn sau”.
Lý do có thể của việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal
Cựu chỉ huy NATO - ông James Stavridis đã liệt kê một số lý do có thể đằng sau việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trả lời phỏng vấn với chương trình Meet The Press, với câu hỏi liệu việc Nga triển khai Kinzhal có phải do Moscow sắp hết tên lửa hay không, ông Stavridis không loại trừ khả năng này.
Tuy nhiên ông cho biết thêm đó cũng có thể là vì Nga đang tìm cách chứng tỏ khả năng của mình hoặc Moscow muốn nhắm vào lưới điện Ukraine trong những tháng mùa đông.
Các chuyên gia khác cho rằng việc sử dụng tên lửa Kinzhal công nghệ tiên tiến trên khắp Ukraine có thể “thay đổi cơ bản” động lực của cuộc chiến
Cựu Đại tá Không quân và là chuyên gia quốc phòng Mỹ Jeff Fischer nói với Newsweek hôm 9-3: “Việc sử dụng tên lửa siêu thanh rõ ràng là một động thái leo thang của Nga”.
“Kh-47M2 về cơ bản thay đổi cục diện cuộc chiến. Nhiều khả năng Ukraine không đủ sức chống lại nó. Hơn nữa, nó còn là thách thức đối với Mỹ. Tháng 5-2022, Tổng thống Biden đã nhận xét rằng loại tên lửa này ‘gần như không thể ngăn chặn’” - ông nói.
Tên đầy đủ của tên lửa Kinzhal là Kh-47M2 Kinzhal.