Hệ thống pháp luật cần tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế
.- Ngày 17-10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo 'Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?' nhằm phản ánh những góc nhìn từ thực tiễn đối với pháp luật kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra những nhận định và kiến nghị tới các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, nhiều văn bản pháp luật cần phải xem xét và sửa đổi để phù hợp với các cam kết quốc tế để có được sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.
Thực tiễn này đòi hỏi các văn bản pháp luật cần được nâng cao chất lượng để tránh tình trạng văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi vì không có tính khả thi, mâu thuẫn với các văn bản khác, hoặc tạo thêm những rào cản pháp lý mới cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân. Trong số những yếu tố đảm bảo chất lượng của một văn bản pháp luật, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng.
Do đó, các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, hiện nay các luật còn chồng chéo nhưng cải cách không nhiều vì dụng chạm đến quyền lợi của nhiều bên. Vì thế, muốn sửa luật thì không nên để từng Bộ, ngành sửa mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, phải có sự chỉ đạo trực tiếp của một Phó Thủ tướng thì mới có thể tạo được sự thông thoáng cho hệ thống pháp luật.
“Doanh nghiệp Việt Nam bị trói buộc, khó hội nhập và không tiếp cận được cơ hội kinh doanh cũng như nguồn lực, trong đó rủi ro lớn nhất đến từ sự bất định, thiếu an toàn từ luật pháp. Pháp luật không an toàn nên ứng xử về đầu tư của doanh nghiệp sẽ ngắn hạn, nhỏ lẻ, không dài hạn. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần cải cách nhiều hơn từ bên trong. Lâu nay chúng ta chỉ làm ở một mức độ nào đó là mở rộng quyền tự do kinh doanh, trong khi đó an toàn trong hoạt động kinh doanh vẫn chưa được chú trọng”, ông Cung kiến nghị.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam, ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, vấn đề đầu tiên các nhà soạn thảo chính sách cần lưu ý là xác định những mục tiêu cụ thể khi xây dựng chính sách và thực hiện theo những mục tiêu này.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách, hiểu rõ mức độ ảnh hưởng lợi ích của chính sách đối với các bên liên quan, để loại trừ việc chính sách chỉ phục vụ lợi ích của một hoặc một số nhóm mà gây ra những rủi ro, thiệt hại cho các nhóm còn lại.
Từ đó xác định các phương án thay thế, giải pháp phù hợp, tránh các quy định mà thực tế cuối cùng hiệu quả bằng không do lợi ích mà chính sách mang lại đã bị triệt tiêu hoặc thậm chí còn nhỏ hơn những hệ quả không mong muốn mà chính sách gây ra.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng pháp luật kinh doanh của Việt Nam hiện nay đang được định dạng bởi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Do đó, để thực hiện các cam kết và tiệm cận với các tiêu chuẩn luật pháp kinh doanh quốc tế, Việt Nam buộc phải thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật kinh doanh sao cho phù hợp, và đây là điều bắt buộc.
Điều này cũng đòi hỏi các nhà làm luật phải có tầm nhìn rộng và xa hơn với tinh thần phát triển lâu dài, giúp doanh nghiệp chủ động cho các hoạt động đầu tư chứ không chỉ xây dựng luật dựa trên nhu cầu hiện tại.