Mặc dù hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ viện trợ mới được đưa tới Ukraine khoảng 1 tuần nay, nhưng nó đã ngay lập tức tham chiến và được thông báo đã bắn rơi máy bay của đối phương.
Hiện tại, Mỹ đã xác nhận việc triển khai tác chiến đối với hệ thống phòng không NASAMS trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời khẳng định tổ hợp này đã được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không khoảng một ngày trước.
Đối tượng bị tên lửa đánh chặn của hệ thống NASAMS bắn hạ là "một máy bay", nhưng chưa rõ đó là chiến đấu cơ có người lái tối tân, hay chỉ là một UAV cảm tử rẻ tiền có giá thành chỉ bằng một phần nhỏ đạn AMRAAM hay Sidewinder?
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng về những gì được giới chức quân sự Ukraine và Mỹ công bố, liên quan tới hoạt động tác chiến của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS.
Trước đó, nhà phân tích và chuyên gia của Trung tâm Báo chí chính trị - quân sự, ông Vladimir Orlov cho biết, theo nguồn tin thu thập được, hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên đã được triển khai ở khu vực Kyiv.
Nhiệm vụ của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến này sẽ là bảo vệ khu vực trung tâm chính trị, nơi có các tòa nhà của Quốc hội, Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Quốc gia Ukraine.
“Tổng thống Zelensky lo ngại rằng Nga có thể chuyển từ tấn công hạ tầng năng lượng sang tập kích những trung tâm ra quyết định quan trọng. Tôi nghĩ rằng việc Mỹ cung cấp 2 tổ hợp NASAMS cho Ukraine nhằm bảo vệ các mục tiêu trên”, ông Vladimir Orlov nói.
Hệ thống phòng không NASAMS ban đầu được tạo ra để bảo vệ một mục tiêu cụ thể, hoặc một khu vực nhỏ, chuyên gia quân sự người Nga lưu ý. Tại Mỹ, tổ hợp này cũng thường "che phủ" các cơ sở quan trọng của chính phủ.
Tuy nhiên NASAMS không được thiết kế để bảo vệ các khu vực rộng lớn khỏi cuộc tấn công đường không. Do vậy, việc cung cấp cho Ukraine vũ khí này sẽ không đóng bất kỳ vai trò nào trong quá trình xảy ra xung đột, chuyên gia người Nga nhận xét.
“Số lượng chỉ 2 tổ hợp NASAMS không thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào. Chúng sẽ không tạo ra một hệ thống phòng không bền vững. Chúng chỉ có thể đẩy lùi một đòn đánh đơn lẻ nhằm vào chính đối tượng đang được bảo vệ", chuyên gia Orlov lưu ý.
Nhà phân tích quân sự người Nga kết luận: “Hệ thống NASAMS chỉ hữu ích cho việc bảo vệ một mục tiêu mà thôi. Trong các tình huống khác, tôi chưa thấy bất kỳ lợi ích bổ sung nào từ vũ khí này”.
Tuy nhiên cần lưu ý NASAMS không hoạt động riêng lẻ mà nó phối hợp cũng những hệ thống tên lửa phòng không khác, ví dụ như Buk-M1, S-300V, S-300PS và cả IRIS-T mà Đức mới chuyển giao cho Ukraine cách đây ít lâu.
Những hệ thống phòng không cực mạnh nói trên khi kết hợp lại sẽ tạo ra một "bức màn sắt" rất khó xuyên thủng, trong đó các mục tiêu chủ chốt sẽ được bảo vệ bởi những tổ hợp tối tân hơn.
Ngoài ra mới đây xuất hiện thông tin cho biết, Ukraine đang đề nghị Mỹ cung cấp cho nước này các tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh C-RAM để tác chiến bên cạnh NASAMS trong vai trò cận vệ, tương tự cách Nga thực hiện với cặp đôi S-400 - Pantsir-S1.
Bạch Dương