Việc chuyển giao các hệ thống S-300 NATO từ Slovakia sẽ không thể mang lại hy vọng cho Quân đội Ukraine. Ý kiến này được chuyên gia quân sự người Nga Viktor Litovkin bày tỏ.
Slovakia đã đồng ý sơ bộ việc cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine. Đây là thông tin được kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết. Slovakia là một trong 3 quốc gia NATO được trang bị tổ hợp S-300 của Liên Xô.
CNN nói thêm, bất kỳ quốc gia nào giao S-300 cho Ukraine đều có khả năng nhận được Patriot của Mỹ để thay thế. Được biết ngay sau khi Slovakia chính thức bàn giao, Washington sẽ chịu trách nhiệm đưa chúng tới Kiev.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã đề nghị Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, bao gồm cả S-300. Theo quan điểm của ông, vũ khí này có thể trở thành một giải pháp giúp tạo lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine.
Tuy nhiên, sự lạc quan của ông Zelensky về hiệu quả của S-300 trong điều kiện hiện tại đối với Ukraine có thể là quá sớm. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ PolitRussia, chuyên gia quân sự - Đại tá về hưu Viktor Litovkin đã trình bày quan điểm của mình.
Theo ông Litovkin, Nga từ lâu đã kiểm soát không phận Ukraine, vì vậy thực tế ngay khi các hệ thống S-300 có mặt trên lãnh thổ Ukraine, Moskva sẽ lập tức thực hiện các biện pháp cứng rắn cần thiết.
“Những tổ hợp có thể sẽ sớm được bàn giao cho Ukraine, nhưng phải nhấn mạnh đây không phải là về một hệ thống gọn nhẹ mà gồm khoảng hai chục thành phần với kích thước rất lớn".
"Bởi vì chúng tôi kiểm soát bầu trời Ukraine, nên chắc chắn sẽ tìm thấy những tổ hợp S-300 khi được giao. Hệ thống này sẽ không có thời gian để triển khai, chúng tôi sẽ phá hủy nó ngay lập tức", ông Litovkin nói.
Vị đại tá đã nghỉ hưu lưu ý Quân đội Nga có một số vũ khí chính xác cao, lý tưởng để vô hiệu hóa các hệ thống phòng không đến từ Slovakia. Cụ thể, họ có thể phóng tên lửa không đối đất, tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Ngoài ra chuyên gia Viktor Litovkin lập luận rằng việc gửi các hệ thống S-300 từ một quốc gia NATO tới Ukraine sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tiếp tục can thiệp trực tiếp vào chiến dịch đặc biệt của Nga.
Trước đó, NATO dưới áp lực của Nga đã phải từ bỏ ý định chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 đã qua sử dụng từ Ba Lan cho Ukraine, nhưng có vẻ họ rất quyết tâm sẽ cung cấp S-300.
Ông Litovkin bình luận: “Sự khác biệt giữa việc cung cấp MiG-29 và S-300 chính là Ukraine không có sân bay để máy bay quân sự có thể cất cánh".
"Nếu các tiêm kích trên cất cánh từ lãnh thổ Ba Lan, chúng sẽ bị bắn hạ trên đất Ukraine, nhưng Nga có thể tung một đòn giáng mạnh vào nơi chúng xuất kích".
"Rõ ràng cả Ba Lan và NATO không muốn điều này. Liên minh rất sợ xung đột với Nga vì kho vũ khí tên lửa hạt nhân của chúng tôi. Mọi người ở đó đều hiểu cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào đối với họ".
"Đối với S-300, có lẽ NATO cho rằng khi giao chúng cho Ukraine thì họ sẽ được miễn trừ trách nhiệm so với khi máy bay cất cánh trên đất của họ, nhưng Nga vẫn hoàn toàn có thể đưa ra phản ứng tương xứng", ông Litovkin kết luận.
Việt Dũng