Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì: Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn
PTĐT - Với mục tiêu đảm bảo tiêu thoát nước thải sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện vệ sinh cho thành phố, Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì không chỉ được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu bảo đảm chất lượng nước thải ...
Kỳ I: Nhiều lần ra hạn vẫn... lỗi hẹn !
PTĐT - Với mục tiêu đảm bảo tiêu thoát nước thải sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện vệ sinh cho thành phố, Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì không chỉ được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu bảo đảm chất lượng nước thải xả ra sông Hồng, sông Lô mà còn góp phần bảo vệ chất lượng nước vùng hạ lưu, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển đô thị Việt Trì trong tương lai. Thế nhưng qua gần 10 năm xây dựng, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa thể hoàn thành để đáp ứng kỳ vọng và sự mong mỏi của chính quyền, nhân dân thành phố.
Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì thuộc dự án nhóm B, công trình cấp III, có tổng mức đầu tư 841,39 tỷ đồng (tương đương hơn 40,315 triệu USD); trong đó 673,112 tỷ đồng (chiếm 80%) sử dụng vốn vay EDCF (vốn vay hỗ trợ phát triển từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - do Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý và vận hành); vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 168,278 tỷ đồng (chiếm 20%). Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 309/QĐ-UBND ngày 2-2-2010, mục tiêu là thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt từ đời sống dân sinh, khắc phục tình trạng xả thải tràn lan ra môi trường sống không chỉ của người dân mà cả hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… đến các trạm xử lý nước tập trung trước khi xả thải ra sông Hồng, sông Lô. Theo kế hoạch dự án sẽ phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015.Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là dự án sử dụng từ nguồn vốn ODA theo chương trình tín dụng ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ hợp tác phát triển Hàn Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc với những quy định cụ thể riêng từ phía bạn, nên UBND tỉnh đã giao dự án cho Công ty CP cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng của dự án gồm: 2 trạm xử lý nước thải có tổng công suất giai đoạn I là 15.000m3/ngày đêm (ngđ) đặt tại phường: Minh Nông (TP1) công suất 5.000m3/ngđ và Dữu Lâu (TP2) công suất 10.000m3/ngđ; 19 trạm bơm chìm bằng bê tông cốt thép Mác 350; hệ thống tuyến ống áp lực và tuyến ống tự chảy với tổng chiều dài 102,573km phục vụ đấu nối khoảng 70% số hộ vào hệ thống thoát nước thải. Diện tích sử dụng đất hơn 9,1ha. Để thực hiện dự án này, Công ty CP cấp nước Phú Thọ đã tiến hành các bước: Lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng theo quy định. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND thành phố Việt Trì hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến dự án như: Xin ý kiến của các bộ, ngành khi thi công trên các tuyến quốc lộ 2, quốc lộ 32, đường đi chung với đê tả Thao; tổ chức đấu thầu, chọn đơn vị thi công, giám sát, cung cấp thiết bị; bồi thường giải phóng mặt bằng... Trong quá trình xây dựng các trạm xử lý nước thải, do diện tích đất thu hồi lớn, liên quan đến đất sản xuất, hoa màu của người dân nên để tạo mặt bằng thi công dự án, chủ đầu tư đã phối hợp với Ban đền bù giải phóng mặt bằng thành phố Việt Trì kê khai, kiểm đếm đất và các vật dụng kiến trúc phục vụ xây dựng các hạng mục công trình với giá trị bồi thường lên tới 11,278 tỷ đồng.Đáng lẽ sau một thời gian dài triển khai dự án, các công trình phải hoàn thành theo như kế hoạch ban đầu. Thế nhưng ở thời điểm này, khối lượng thi công vẫn còn bộn bề. Theo báo cáo ở thời điểm năm 2015, công trình Trạm xử lý nước thải TP1 mới chỉ thi công được 40,3% khối lượng; công trình Trạm xử lý nước thải TP2 thi công được 19,7% khối lượng; công trình trạm bơm tăng áp mới thực hiện được 10,8%, trong đó còn tới 5 trạm bơm đang thi công và chưa được thi công. Về phần đường ống tự chảy mới thi công được 13,87km, đạt 32%; đường ống áp lực cũng chỉ thi công được 1,4km, đạt 16%. Tổng giá trị giải ngân đạt gần 212 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 14,618 tỷ đồng; vốn ODA 197,291 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời cho phép gia hạn thực hiện dự án đến năm 2017. Tuy nhiên, hết năm 2017, dự án vẫn chưa được hoàn thành theo kế hoạch; UBND tỉnh lại tiếp tục gia hạn đến hết tháng 12-2018 và cho phép điều chỉnh một số hạng mục thi công... Thế nhưng đến nay, sau 3 lần điều chỉnh và gia hạn, nhiều lần ban hành văn bản điều chỉnh các hạng mục nhỏ lẻ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Có mặt tại công trình Trạm xử lý nước thải (TP1) xây dựng ở khu Hạ Bạn phường Minh Nông với công suất 5.000m3/ngđ, chúng tôi chỉ gặp duy nhất người đàn ông khoảng gần 50 tuổi đang trông coi công trình. Trước mắt chúng tôi, Trạm TP1 đã xây dựng xong nhà điều hành, nhà xử lý nước thô, nhà ép bùn, 3 bể lắng lọc, 1 bể lắng chìm… Nhiều tháng nay công trình đang tạm dừng thi công, nhà thầu đã rút toàn bộ công nhân và máy móc thi công, chỉ để lại vài người thay nhau trông coi, bảo vệ công trình. Hiện cỏ dại đã mọc len vào một số hạng mục. Chỉ tay về phía công trình Trạm TP1, bà Nguyễn Thị Huê- khu Hạ Bạn, phường Minh Nông nói: “Công trình này đã được xây dựng cách đây mấy năm, song vẫn chưa thấy đi vào hoạt động. Chúng tôi được biết đây là nhà máy xử lý nước thải thế nhưng vẫn nằm đắp chiếu trong khi nước thải cứ xả trực tiếp ra môi trường, ao, hồ ngày càng ô nhiễm. Hàng ngày tôi đi cắt cỏ cho bò, cứ nhìn vào công trình tôi lại thấy xót, chỉ mong các cấp, ngành sớm đưa nhà máy vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.Người dân mong mỏi là thế nhưng 2 hạng mục cần thiết nhất để nhà máy vận hành là hệ thống trạm điện phục vụ sản xuất vẫn… chưa xây dựng, hệ thống cấp nước phục vụ xử lý nước thải chưa được đấu nối, thành ra Trạm TP1 vẫn chỉ là những cấu kiện bê tông, những khối sắt thép vô tri vô giác, đang từng ngày từng giờ hiện hữu với thời gian. Tương tự Trạm TP1, tại Trạm TP2 thuộc khu Bảo Đà, phường Dữu Lâu, khung cảnh nhà máy xây xong nằm đắp chiếu cũng đìu hiu không kém, cánh cổng ra vào khóa im lìm, qua thời gian cỏ dại đua nhau mọc um tùm.Cùng chung tâm trạng với bà Huê, ông Phạm Minh Long ở khu 6, phường Gia Cẩm bộc bạch: Khi có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, bà con khu phố chúng tôi ai cũng ủng hộ. Tuy phải xẻ rãnh, đào đường bê tông mới làm để lắp đặt hệ thống ống chìm, chúng tôi không kêu ca. Nhưng đường ống đã lắp, nhà máy đã xây mà hàng trăm hộ dân ở thành phố Việt Trì vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp ra môi trường. Chúng tôi mong muốn con cháu mình không phải sống chung với nguồn nước thải ô nhiễm”…