Hè về, lớp học tình thương vẫn 'sáng đèn' hy vọng

Tại lớp học tình thương (phường Long Xuyên), nhịp sống thường nhật của 12 em nhỏ được nuôi dưỡng bằng con chữ và tri thức. Thế nhưng, khi cái nắng hè trải dài trên phố phường, guồng quay mưu sinh khắc nghiệt lại kéo các em rời xa mái trường, chỉ còn vỏn vẹn 8 - 9 em bám trụ.

Thăm lớp học tình thương, nghe tiếng đọc bài ngày hè

Thăm lớp học tình thương, nghe tiếng đọc bài ngày hè

Nơi ghi dấu những đau đáu

Mỗi mùa hạ về, bước chân tôi lại tìm về lớp học nhỏ bé nép mình bên góc đường của khóm Nguyễn Du. Nơi đây, hơn ba thập kỷ trước, chẳng ai gọi là lớp, chẳng ai tin nơi này sẽ trở thành điểm tựa của bao phận người nhỏ bé. Khóm Nguyễn Du ngày ấy chỉ là một khu xóm lao động nghèo, ồn ào và đầy những nỗi lo toan mưu sinh. Nơi mà những mái nhà tạm bợ chen chúc nhau, tiếng cãi vã, tiếng trẻ con khóc hay tiếng những người lớn rượu chè là âm thanh quen thuộc, len lỏi trong từng con hẻm nhỏ.

“Đa phần gia đình các em đều là lao động nghèo, quanh năm đầu tắt mặt tối làm thuê, vất vả kiếm từng đồng bạc lẻ. Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nên hầu hết các em đều không có giấy khai sinh, không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Bận rộn, cơ cực khiến cha mẹ buông xuôi, không còn đủ sức quan tâm đến sinh hoạt, đạo đức, học hành của con em mình. Thậm chí, có gia đình còn mặc kệ, phó mặc con trẻ cho số phận, chấp nhận chúng lớn lên giữa những cám dỗ, những góc tối của cuộc đời. Các em không đến trường, lang thang đây đó, bán vé số, nhặt ve chai, thậm chí còn bị lôi kéo vào những trò nghịch ngợm, tệ nạn xã hội” - ông Nguyễn Hữu Thời (người “khai sinh” lớp học tình thương), không ít lần chia sẻ với chúng tôi về quá khứ đó.

Ươm mầm yêu thương

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Thời quyết định xin ý kiến lãnh đạo phường Mỹ Bình (cũ), mong muốn mở lớp học tình thương ngay tại khóm Nguyễn Du. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, lớp học tình thương khóm Nguyễn Du chính thức ra đời vào tháng 10/1992, hiện ngụ tại phường Long Xuyên. Khi ấy, lớp học chỉ là bàn ghế cũ kỹ, bảng đen loang lổ vết phấn đặt tại văn phòng khóm, nhưng ánh mắt các em thì sáng lên niềm hy vọng mới.

Dần dần, tiếng đọc bài ê a, tiếng cười trong trẻo của các em đã vang lên giữa xóm lao động nghèo, xua tan bao nặng nề, u ám. Thấm thoắt, lớp học tình thương ngày ấy giờ đã bước sang năm thứ 33 và đã được xây cất rất khang trang. Tôi vẫn giữ thói quen mỗi mùa hè lại ghé thăm, để nhìn những đứa trẻ trưởng thành, có em trở thành công nhân, có em theo nghề buôn bán, nhưng dù làm gì thì các em vẫn được “nuôi dưỡng” bằng tình yêu thương của các cô giáo nơi xóm nghèo này.

“Lớp học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức cơ bản, mà còn là nơi ươm mầm yêu thương, nuôi dưỡng nghị lực cho biết bao thế hệ học trò xuất thân từ xóm lao động nghèo khó. Nhiều em từng bị gia đình, xã hội lãng quên, nhờ lớp học mà không rơi vào vòng xoáy đen tối của tệ nạn xã hội. Mục tiêu chúng tôi hướng đến không chỉ truyền đạt con chữ, phép tính toán căn bản từ lớp 1 đến lớp 5, mà còn là giáo dục nhân cách, đạo đức làm người cho các em. Rất may, hành trình ấy, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương và nhà hảo tâm. Đó chính là động lực giúp những giáo viên “không lương” như chúng tôi gắn bó lâu dài cùng lớp học” - cô Phan Thu Thủy (sinh năm 1964, ngụ phường Mỹ Thới), gắn bó hơn 10 năm ở lớp học tình thương bộc bạch.

Niềm tin cho tương lai

Nhiều năm trở lại đây, diện mạo của khóm Nguyễn Du đã thay đổi. Xóm lao động nghèo ngày nào giờ đã có đường bê- tông, nhiều gia đình có điều kiện hơn. Tuy vậy, vẫn còn đó những mảnh đời chưa trọn vẹn, những em nhỏ cần một mái trường, một bàn tay dìu dắt. Lớp học tình thương vẫn kiên trì tồn tại, trở thành chiếc cầu nối đưa các em đến gần hơn với tri thức, với những ước mơ tưởng chừng xa vời.

Là giáo viên tiểu học về hưu, ở tuổi gần 70, cô Trần Kim Phượng (ngụ phường Long Xuyên) vẫn dành thời gian lên lớp, truyền dạy con chữ nơi lớp học tình thương. “Tôi biết và bắt đầu dạy học ở đây từ năm 2018. Càng dạy, tôi càng thương cho hoàn cảnh và những nỗ lực vượt lên số phận của các cháu. Mỗi cháu là một hoàn cảnh, một câu chuyện, mà nghe thôi cũng khiến người ta xót xa. Trong mỗi bài dạy của mình, tôi luôn lồng ghép kỹ năng sống và đạo đức giúp các cháu phát triển tư duy. Ở đây, cháu nhỏ nhất 9 tuổi, lớn nhất 16 tuổi nhưng vẫn coi nhau như gia đình. Đó là điều chúng tôi rất tự hào!” - cô Phượng lắng lòng chia sẻ.

Mỗi lần trở lại nơi này, tôi lại nghe văng vẳng tiếng cô giáo già kể chuyện, tiếng học trò đọc bài, tiếng lẩm nhẩm những con số cộng trừ nhân chia vang lên giữa nắng hè oi ả. 33 năm - quãng thời gian không quá dài, nhưng đủ để viết nên câu chuyện đẹp về lòng nhân ái, về khát vọng đổi thay số phận bằng những con chữ bình dị.

“Được hỗ trợ làm giấy khai sinh, tựu trường tới đây, con sẽ vào học tại Trường Tiểu học Lê Văn Nhung (phường Long Xuyên). Đây là niềm vui rất lớn với con. Con hứa sẽ học tập thật tốt ở ngôi trường mới để không phụ lòng yêu thương, dìu dắt của các cô giáo ở lớp học tình thương!” - em Lê Thị Lan Anh (9 tuổi) phấn khởi nói.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/he-ve-lop-hoc-tinh-thuong-van-sang-den-hy-vong-a424227.html