Chỉnh sửa sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu mới
Từ ngày 1-7-2025, cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính cấp tỉnh, đồng thời triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong bối cảnh đó, nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) buộc phải chỉnh sửa cho phù hợp thực tế.
Khẩn trương rà soát để có hướng dẫn chỉnh sửa
Theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm học 2024-2025 là năm học hoàn tất một chu kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các bước rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất định kỳ nhằm bảo đảm chương trình triển khai phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục qua từng giai đoạn. Trong quá trình rà soát, một số môn học và nội dung giáo dục được đề xuất cập nhật, điều chỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc rà soát nội dung SGK với những cập nhật mới về địa giới hành chính trong năm 2025 không phải việc mang tính đột xuất.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (phường Tân Định, TPHCM) trong giờ học về văn hóa, lịch sử TPHCM. Ảnh: THU TÂM
Trên cơ sở rà soát, Bộ GD-ĐT xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp của việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử - Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10. Các môn học này sẽ được chỉnh sửa chương trình môn học, làm căn cứ để chỉnh sửa nội dung trong SGK. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là việc chỉnh sửa chương trình môn học sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi SGK, thay vào đó là tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền phù hợp với thực tế.
Trong bối cảnh năm học mới đã cận kề, Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động cho các nhà trường trong việc sắp xếp chủ đề học tập, cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học và thực tiễn đất nước. Trước mắt, trong năm học 2025-2026, trường học tiếp tục sử dụng chương trình, SGK hiện hành, đồng thời có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện bảo đảm tính liên tục, không làm gián đoạn việc tổ chức dạy học và phù hợp với thực tế. Riêng với các đơn vị phát hành SGK, hướng dẫn cập nhật, điều chỉnh nội dung ở một số môn học được thực hiện theo hướng bảo đảm tính ổn định của SGK, nâng cao hiệu quả triển khai các môn học.
Phát huy vai trò chủ động của giáo viên
Theo PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên SGK Lịch sử - Địa lý bậc tiểu học và cấp THCS (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), việc thay đổi địa giới hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nội dung trong SGK, do đó phải điều chỉnh để học sinh nhận diện địa danh, hiểu được các thay đổi hành chính mới. Hiện nay, các môn học liên quan như Lịch sử, Địa lý đã hoàn thành việc rà soát. Trong đó, địa danh là yếu tố ưu tiên cập nhật vì xuất hiện xuyên suốt trong chương trình học từ lớp 4 đến lớp 12. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung các môn học, giáo viên tiếp tục chủ động cập nhật, bổ sung kiến thức, điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp tình hình thực tế.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (phường Tân Định, TPHCM) trong giờ học Lịch sử ở bảo tàng. Ảnh: THU TÂM
Một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, việc thay đổi địa giới hành chính đặt ra yêu cầu chỉnh sửa, cập nhật tài liệu của hoạt động giáo dục địa phương. Việc này có thể triển khai đồng thời với việc rà soát nội dung các môn học bắt buộc trong chương trình GDPT. Do đó, song song với hướng dẫn điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động trong việc cập nhật nội dung, đa dạng nguồn học liệu để nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức cho người học. Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho rằng, việc chỉnh sửa lần này không chỉ cập nhật thông tin về địa giới hành chính mà còn là cơ hội cải thiện nội dung, bổ sung kiến thức khoa học mới, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp trong chương trình hiện tại, tạo tiền đề xây dựng các bộ SGK chất lượng hơn trong tương lai.
Qua rà soát, tất cả bài học trong 6 chủ đề của môn Lịch sử - Địa lý lớp 4, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) đều phải chỉnh sửa về mặt số liệu, bản đồ, biểu đồ, tên gọi địa giới hành chính. Tương tự, trong SGK Lịch sử - Địa lý lớp 8 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), thông tin về động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình cũ) không còn phù hợp vì hiện nay tỉnh Quảng Bình đã sáp nhập với tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị. Một số địa danh như Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang cũng phải điều chỉnh theo tên địa giới hành chính mới sau khi sáp nhập. Đặc biệt, TPHCM sau hợp nhất với tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành siêu đô thị với diện tích hơn 6.700km2, dân số khoảng 14 triệu người cùng nhiều đặc điểm mới về quy mô kinh tế, dịch vụ… cần được điều chỉnh trong nhiều bài học ở SGK.
Bộ GD-ĐT cho biết, trên cơ sở rà soát, cập nhật nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục, việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được hoàn thiện nhằm phát huy hiệu quả thực chất của dạy và học, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-sua-sach-giao-khoa-dap-ung-yeu-cau-moi-post803653.html