Heineken Việt Nam chia sẻ mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị

Hướng đến tác động môi trường bằng '0', Heineken Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ những sáng kiến nhằm tối ưu hóa việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chuỗi giá trị.

Khi dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng và nhu cầu tiêu dùng của con người cũng ngày một tăng, kinh tế tuần hoàn là giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đến quá trình phục hồi của tự nhiên và đảm bảo sự phát triển bền vững cho nhân loại. Tối đa hóa kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những lộ trình chính Heineken Việt Nam đã và đang theo đuổi nhằm hiện thực hóa tham vọng tác động môi trường bằng “0”.

Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE, bao gồm các lĩnh vực hành động: Regenerate (tái tạo); Share (chia sẻ); Optimize (tối ưu hóa); Loop (tuần hoàn); Virtualize (số hóa); và Exchange (đổi mới). Mô hình này được áp dụng xuyên suốt từ trong sản xuất đến các lĩnh vực trong chuỗi giá trị của Heineken Việt Nam, cho thấy cách tiếp cận toàn diện của doanh nghiệp khi áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam. Ảnh: Heineken Việt Nam

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam. Ảnh: Heineken Việt Nam

Cụ thể trong sản xuất, Heineken Việt Nam đẩy mạnh tái tạo. Hiện tại, tất cả các nhà máy bia của doanh nghiệp đều đang sử dụng nhiệt năng tái tạo đến từ sinh khối với đầu vào là các phụ, phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu và mùn cưa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thu hồi biogas từ quy trình xử lý nước thải để sử dụng làm nhiệt năng nấu bia. Đồng thời, toàn bộ điện năng tiêu thụ trong sản xuất đến từ nguồn năng lượng tái tạo, được đảm bảo bằng chứng chỉ thuộc tính năng lượng. Ông Hoàng cũng cho biết Heineken Việt Nam đang tiếp tục hướng đến những giải pháp điện năng tái tạo triệt để hơn, điển hình như cơ chế mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreement - DPPA).

Nhờ vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, các nhà máy bia của Heineken Việt Nam luôn tiên phong trong hiệu suất sử dụng nước và năng lượng. Doanh nghiệp hiện ghi nhận hiệu suất sử dụng nước trung bình đạt 2,57 hl/hl, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của ngành là 3,04 hl/hl. Những giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, cũng như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng giúp doanh nghiệp giảm đến 93% lượng phát thải carbon trong sản xuất so với năm 2018.

Các nhà máy Heineken Việt Nam đều đang sử dụng năng lượng tái tạo. Ảnh: Heineken Việt Nam

Các nhà máy Heineken Việt Nam đều đang sử dụng năng lượng tái tạo. Ảnh: Heineken Việt Nam

Trong quản lý chất thải, doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực chia sẻ và tuần hoàn, tận dụng phụ và phế phẩm trong quá trình sản xuất thành sản phẩm có giá trị cao hơn để làm đầu vào cho một quy trình khác trong chuỗi giá trị. Trong đó, bã hèm và bã men dùng làm thức ăn chăn nuôi, và bùn thải sau quá trình xử lý nước thải được xử lý thành phân bón và đất sạch. Các giải pháp này góp phần giúp Heineken Việt Nam giữ vững mục tiêu không rác thải chôn lấp tại các nhà máy.

Với bao bì, Heineken Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tính tuần hoàn. Bao bì các sản phẩm của Heineken Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế, trong đó đến 97% chai thủy tinh và 99% két bia sau khi ra thị trường được thu hồi trở lại nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để tái sử dụng. Lon nhôm và thùng giấy carton cũng được sản xuất sử dụng nguyên liệu nhôm và giấy tái chế. Doanh nghiệp cũng áp dụng đổi mới sáng tạo nhằm giảm vật liệu sử dụng, với các thùng carton có thiết kế sóng T giúp giảm nguyên liệu giấy, và lon nhôm với thiết kế giúp giảm độ dày của lon và nắp, qua đó giảm nguyên liệu nhôm, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng của bao bì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tại các nhà nhà máy bia, mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng gần như triệt để đối với bao bì nhằm hiện thực hóa tham vọng không còn rác thải chôn lấp trong sản xuất. Nguồn: Heineken Việt Nam

Heineken Việt Nam cũng liên tục tối ưu và đổi mới trong lĩnh vực kho vận và làm lạnh, điển hình như việc sử dụng hoàn toàn xe nâng chạy bằng điện hay tủ lạnh xanh tiết kiệm điện, từ đó giúp giảm phát thải CO2. Ngoài ra, doanh nghiệp đã và đang nỗ lực số hóa trong hoạt động văn phòng và sự kiện, áp dụng chính sách làm việc linh hoạt, nhân viên chỉ cần tới văn phòng 2 ngày/tuần, đồng thời khuyến khích tổ chức các cuộc họp trực tuyến.

Với tôn chỉ “phát triển bền vững là chung tay hành động”, Heineken Việt Nam cũng tích cực vận động cộng đồng doanh nghiệp cùng đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trước những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng cho tái chế tại Việt Nam, doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư cho lộ trình tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và nỗ lực đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng chuyển đổi, hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Với nhiều nỗ lực không ngừng, Heineken Việt Nam đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm khí nhà kính trong năm 2024.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/heineken-viet-nam-chia-se-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-trong-chuoi-gia-tri-2357443.html