Hermès 'vượt mặt' LVMH, trở thành công ty xa xỉ lớn nhất châu Âu
Hermès chính thức vượt qua LVMH để trở thành công ty xa xỉ có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu do kết quả kinh doanh quý 1/2025 của LVMH gây thất vọng.
Theo Reuters, LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co. và chuỗi mỹ phẩm Sephora - không đạt kỳ vọng về doanh thu trong quý đầu tiên của năm nay, dựa trên báo cáo được công bố ngày 15/4.
Cụ thể, theo thống kê của ngân hàng RBC Capital, doanh thu quý 1/2025 của LVMH giảm 3%, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 2% mà tập đoàn đặt ra trước đó. Nguyên nhân được cho là do người tiêu dùng Mỹ giảm chi tiêu, trong khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.
Cổ phiếu của LVMH cũng đã lao dốc 7%, kéo vốn hóa thị trường của tập đoàn xuống còn 246 tỷ euro, trong khi Hermès đạt mức 247 tỷ euro, qua đó có lần đầu tiên vượt qua “ông lớn” LVMH để trở thành công ty xa xỉ có giá trị lớn nhất tại châu Âu.

Cửa hàng Louis Vuitton tại New York (Mỹ). Ảnh: Getty
Chuyên gia phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, Jelena Sokolova, nhận định sự kiện lần này không chỉ phản ánh biến động ngắn hạn trên thị trường mà còn cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong chiến lược và đối tượng khách hàng mục tiêu giữa hai đế chế xa xỉ.
“LVMH có mức độ tiếp cận rộng hơn tới phân khúc xa xỉ tầm trung còn Hermès gần như giữ vững vị trí trong phân khúc xa xỉ siêu cao cấp – nơi khách hàng có khả năng chi trả cao và ít bị tác động bởi chu kỳ kinh tế,” bà Sokolova chia sẻ với Reuters.
Bên cạnh đó, theo bà Jelena Sokolova, với các sản phẩm mang tính biểu tượng như túi Birkin hay Kelly giá hàng chục ngàn USD mỗi chiếc, Hermès theo đuổi chiến lược tăng trưởng sản lượng rất chặt chẽ – chỉ ở mức 6-7% mỗi năm – nhằm duy trì độ khan hiếm và sức hút độc quyền.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Piral Dadhania thuộc ngân hàng RBC Capital nhận định LVMH đang gánh chịu “đòn kép” từ sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chủ lực và chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngân hàng RBC Capital cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng doanh thu của LVMH từ 3% xuống 0%.
LVMH dẫn đầu đà giảm trong toàn ngành xa xỉ vào ngày 15/4, với mức mất giá 7,2%, kéo theo các tên tuổi khác như Kering (chủ sở hữu Gucci) giảm 2%, Richemont (sở hữu Cartier) giảm 0,7%, và Prada của Italia giảm tới 4,2%.
Từ cuối tháng 3 đến nay, cổ phiếu nhóm hàng xa xỉ đã liên tục trượt dốc: LVMH, Kering, Burberry đều giảm 14%, Richemont mất 13% và ngay cả Hermès cũng giảm 5%. Các nhà phân tích tại công ty Bernstein đã hạ dự báo tăng trưởng ngành xuống mức âm 2% trong năm 2025, thay vì tăng 5% như trước. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là cuộc suy thoái kéo dài nhất của ngành hàng xa xỉ trong hơn hai thập kỷ.