Chỉ xây dựng 1 trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và Đà Nẵng

Chính phủ thống nhất sẽ trình lại cấp có thẩm quyền, xác định Việt Nam chỉ có 1 trung tâm tài chính quốc tế, với 1 khung chính sách duy nhất và được đặt tại TPHCM, Đà Nẵng.

Chiều 17/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Dự thảo nghị quyết này dự kiến gồm 6 Chương và 36 Điều quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển TTTCQT.

Nội dung các thủ tục hành chính được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển TTTCQT.

Một trung tâm, hai thành phố

Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhận định: “Đây là lĩnh vực rất phức tạp và mới ở Việt Nam mà vấn đề tài chính là một vấn đề rất nhạy cảm cho nên chúng tôi đề nghị đánh giá kỹ xem tác động đến kinh tế, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội”.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thống kê trên thế giới hiện nay có khoảng 121 trung tâm tài chính và trong đó, số gọi là trung tâm tài chính mà thành công thì dưới 10.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Đầu năm nay, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, qua khảo sát và tham khảo kinh nghiệm thế giới, Bộ Tài chính nhận thấy việc xây dựng 2 trung tâm tài chính quy mô, tầm cỡ khác nhau tại 2 thành phố có thể hiệu quả không cao, khả năng thành công thấp, nhất là trong bối cảnh mô hình này hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Do đó, ông Thắng cho biết, Chính phủ thống nhất sẽ trình lại cấp có thẩm quyền, trong đó xác định Việt Nam chỉ có 1 trung tâm tài chính quốc tế, với 1 khung chính sách duy nhất và được đặt tại TPHCM, Đà Nẵng.

Chẳng hạn, TPHCM sẽ tập trung vào phát triển thị trường vốn, ngân hàng quốc tế, dịch vụ tài chính, chuỗi khu vực,… Còn Đà Nẵng sẽ tập trung vào tài chính xanh, fintech, quản lý quỹ khu vực gắn với khu thương mại tự do ở Đà Nẵng.

“Tuy nhiên, phân định này chỉ là tương đối, quyền lựa chọn là của nhà đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, quy mô kinh tế Việt Nam hiện khiêm tốn, nếu cùng lúc xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở 2 nơi sẽ "không phù hợp thực tế, khó tồn tại".

Vì thế, việc xây dựng 1 trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt ở 2 thành phố với định hướng hoạt động khác nhau là phù hợp thực tế, và đảm bảo các nơi này phát triển, không cạnh tranh lẫn nhau.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam còn "mới và khó".

Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp, báo cáo, làm rõ các nhóm chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết,… đồng thời trả lời những băn khoăn về mô hình 2 trung tâm tài chính nhưng đặt tại 2 nơi, cũng như cơ chế phối hợp, tính độc lập của cơ quan quản lý với 2 cơ sở này.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chi-xay-dung-1-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-dat-tai-tphcm-va-da-nang-2392422.html