Vĩnh biệt 'ông Thần Nông' Võ Tòng Xuân

Cuộc đời Giáo sư Võ Tòng Xuân là một chuỗi cống hiến không ngừng nghỉ. Nay nhân cách lớn đã tạm biệt cõi đời này. Nhưng những câu chuyện về ông, những cống hiến của ông luôn là cảm hứng sống cho lớp trẻ, cho người ở lại. Đó chẳng phải là thành tựu lớn nhất của đời người hay sao!

Hôm qua, ngày 19.8, GS-TS. Võ Tòng Xuân - một nhân cách lớn đã qua đời. Lần này thì trái tim ấm áp của Giáo sư đã thật sự ngừng đập sau 85 năm luôn đau đáu yêu thương con người, yêu thương đất nước. Một tình yêu thương đủ lớn khiến cho Giáo sư để lại một di sản quá lớn cho ngành nông nghiệp cũng như giáo dục nước nhà.

Mới hôm đầu năm đây thôi, tôi được Giáo sư gọi về Cần Thơ để giao việc thực hiện cuốn Hồi ký. Hôm đó, Giáo sư nói: “Chuyện đã qua thì Thầy gởi em Master file, còn giờ mình bàn chuyện mới đi heng”. Và Giáo sư lại sôi nổi nói về những nghiên cứu, những thực nghiệm khoa học mới.

GS-TS. Võ Tòng Xuân. Ảnh: Huỳnh Xây

Tôi nhìn lên bức tường trước mặt bàn làm việc của Giáo sư, bất giác thấy ông treo trang trọng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2002. Bức thư của Đại tướng có đoạn: “Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là một trí thức yêu nước, một nhà nông học, một nhà giáo nhân dân đam mê sáng tạo khoa học, gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đã góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động mà Nhà nước phong tặng”. Lời tưởng thưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáo từ hơn hai mươi năm trước đã đánh giá đầy đủ, cô đọng nhất về GS-TS. Võ Tòng Xuân. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người đã trao cho Giáo sư một niềm tin vào chặng đường đóng góp dựng xây đất nước trong những năm tháng khó khăn cam go nhất.

Lần giở những tư liệu về Giáo sư, lục trong ký ức những câu chuyện đã trao đổi với ông, mới thấy cuộc dấn thân của Giáo sư Võ Tòng Xuân có quá nhiều những việc lần đầu tiên làm, có quá nhiều lần đặt nền móng. Chỉ có một ý chí kiên định để đi đến cùng, đem lại sự đổi mới cho nước nhà.

GS-TS Võ Tòng Xuân trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nông học tại Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

GS-TS Võ Tòng Xuân trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nông học tại Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

Về nước

Năm 1975, Giáo sư đang làm luận án Tiến sĩ Nông học tại Nhật. Giáo sư kể, bắt đầu từ giữa tháng 3.1975, sau khi Tây Nguyên đã được giải phóng, các phương tiện truyền thông của Nhật không dùng chữ “Việt cộng” mà chuyển sang chữ “Quân đội giải phóng” khi đưa tin về chiến sự tại Việt Nam. Trong những nghiên cứu sinh Việt Nam tại Khoa Nông nghiệp Đại học Kyushu lúc bấy giờ chỉ có Giáo sư vừa bảo vệ thành công luận án “bác sĩ nông học”. Giáo sư nhớ, vào thời điểm ấy, ai cũng rất náo nức với ngày hòa bình sắp đến. Anh em trí thức đều đã thấy ngôi nhà miền Nam Việt Nam đã quá dột nát cần sửa sang lại cho khang trang hơn trong một đất nước thống nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Ngân hàng giống lúa của Đại học Cần Thơ (tháng 4.1977). Từ trái sang phải (hàng ngồi): Giáo sư Võ Tòng Xuân, Bí thư đảng ủy Phạm Sơn Khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan trong đoàn. Ảnh TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Ngân hàng giống lúa của Đại học Cần Thơ (tháng 4.1977). Từ trái sang phải (hàng ngồi): Giáo sư Võ Tòng Xuân, Bí thư đảng ủy Phạm Sơn Khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan trong đoàn. Ảnh TL

Giáo sư kể: “Anh em nói nửa đùa nửa thật là tôi về cho kịp trước ngày hòa bình rồi chuẩn bị để khi tới phiên các anh ấy về tôi “sẽ đi dép râu, đội nón cối” ra sân bay chào đón đoàn. Những ngày chuẩn bị về nước sao mà vội vã thế! Tôi định mua mấy món quà Nhật đem về Việt Nam, nhưng cứ đắn đo chọn lựa mãi. Nghĩ đến 3 đứa con nhỏ, tôi lên tầng lầu cửa hàng bách hóa chuyên bán đồ cho trẻ con ngắm hết món này đến món kia, rồi lại nghĩ “Mua đồ cho con mình, rồi còn con của mấy đứa em mình thì sao? Con của mấy đứa bạn mình thì sao? Các trẻ em Việt Nam khác thì sao?”

Tâm trạng lúc ấy rõ ràng rất khó tả, đất nước người ta thanh bình, sản xuất mọi thứ hàng hóa đầy đủ phục vụ dân người ta như thế, đến nỗi cái tấm thớt họ cũng nghiên cứu chất liệu làm sao khi người nội trợ Nhật sử dụng sẽ không bị dội con dao, để không bị đau tay. Còn đất nước mình cứ chiến tranh mãi, nhân dân cơ cực, đến khi hòa bình thì ai sẽ làm cho dân mình có đầy đủ hàng tiêu dùng như trong cửa hàng này? Nhờ người nước ngoài vào làm hay tự tay những người Việt Nam có học thức sẽ tham gia vào công cuộc này?”.

Và Giáo sư đã quyết định không mua gì mang gì về nước ngoài sách. Giáo sư nghĩ chắc chắn Việt Nam phải sản xuất đầy đủ mọi thứ hàng hóa cho dân Việt Nam xài và xuất khẩu. Và chính những trí thức như Giáo sư phải tham gia vào công cuộc ấy, chứ không hoàn toàn lệ thuộc nước ngoài. Bằng chuyến bay Japan Airlines với chỉ vỏn vẹn vài chục hành khách, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã trở về Sài gòn ngày 2.4.1975, đúng 28 ngày trước khi đất nước hòa bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong buổi công bố chức danh giáo sư nhà nước, tháng 4.1981. Ảnh TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong buổi công bố chức danh giáo sư nhà nước, tháng 4.1981. Ảnh TL

Giáo sư vẫn nhớ như in ngày 30.4.1975. Đài phát thanh giải phóng hô hào các cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, trong khi trọng pháo cũng đang nhắm vào thủ đô miền nam. Hai vợ chồng Giáo sư tuôn hết sách vở chất trên mặt giường tạo nên một lớp chắn đỡ đạn. Người liên lạc thường xuyên với Giáo sư trong sáng 30.4 là ông Nguyễn Hoàng Thanh Minh, Đài Phát thanh Sài Gòn, là người sản xuất và đạo diễn “Chương trình Gia đình Bác Tám” phát lúc 5 giờ sáng hàng ngày trên Đài Phát thanh Sài Gòn, mà Giáo sư đã cộng tác rất khắng khít. Đây là chương trình phát thanh hầu như mọi người nông dân đều nghe hàng ngày để học hỏi kỹ thuật nông nghiệp. Giáo sư nhớ: “Anh Minh bình tĩnh hỏi tôi: Anh còn ở đó hả? Đài Phát thanh chỉ còn một mình tôi cố thủ, đang chờ mấy Ông giải phóng vào rồi tôi sẽ bàn giao, rồi mới về nhà được. Thỉnh thoảng Anh Minh lại gọi ‘Anh còn ở đó à?’ vì sợ tôi ra đi!”.

Sau đó một ngày Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đi đăng ký với chính quyền mới. Không lâu sau đó, cả gia đình Giáo sư - vợ chồng và 3 con – quyết định gom một ít hành trang lên chiếc xe LaDalat nhắm hướng Đại học Cần thơ trực chỉ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân và Đại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng (Quân khu 9) trên một cánh đồng tràm ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh TL

Giáo sư Võ Tòng Xuân và Đại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng (Quân khu 9) trên một cánh đồng tràm ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh TL

Cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đã xác định ngay từ đầu là về Việt Nam để dựng xây và khắc phục những hậu quả của chiến tranh. Giáo sư đã cùng các đồng nghiệp trong trường Đại học Cần Thơ và Sài gòn lặn lội khắp vùng nông thôn ĐBSCL tổ chức những chuyến khảo sát khắp các vùng nông thôn ĐBSCL. Ưu tiên sống còn lúc đó là sản xuất lương thực. Kế đến mới là vấn đề giáo dục. Giáo sư cho rằng, việc quyết định hướng đi này càng được củng cố khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến viếng thăm, tìm hiểu các thí nghiệm lúa và ngân hàng giống lúa của Giáo sư tại Đại học Cần thơ vào tháng 4.1977.

Có một dịp, Giáo sư gởi thư điện tử chia sẻ với tôi: “Đại tướng quả là một vị quan võ thiên tài kiêm cả quan văn lỗi lạc. Mỗi lần nhìn lại những tấm ảnh chụp lưu niệm với Đại tướng, tôi đều có cái cảm giác như có Đại tướng bên cạnh, luôn căn dặn “phải có sáng tạo khoa học, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và công cuộc đào tạo giáo dục của Việt Nam trong thế kỷ XXI”.

Lãnh đạo quân đội chiến thắng giặc ngoại xâm giành độc lập thống nhất đất nước, trong thời bình, Đại tướng, trong cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã nhận trọng trách lãnh đạo đội ngũ khoa học - kỹ thuật Việt Nam từ năm 1981 - 1991. Nhưng không đợi đến khi có trọng trách đó, Đại tướng đã chú ý đến khoa học nông nghiệp từ nhiều năm trước.

Tôi nhớ mãi mùa hè năm 1977, UBND tỉnh Hậu Giang (TP. Cần Thơ bây giờ) thông báo cho Trường Đại học Cần Thơ chuẩn bị tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và Đại tướng muốn đến thăm chương trình nghiên cứu cây lúa của tôi. Đây là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị đến thăm công trình nghiên cứu của chúng tôi. Tôi vô cùng sung sướng, biết chắc chắn được dịp hiếm có trong đời mình diện kiến vị anh hùng xuất chúng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lừng danh thế giới, nhưng lại rất lo, nghĩ ngợi "Không biết đích thân Đại tướng đến tham quan thí nghiệm giống lúa của mình là có ý gì đây?".

GS Võ Tòng Xuân (người đứng giữa) và GS Gurdev Singh Khush (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị lúa gạo tại Tiền Giang năm 1992. Ảnh: CTV/KTSG

GS Võ Tòng Xuân (người đứng giữa) và GS Gurdev Singh Khush (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội nghị lúa gạo tại Tiền Giang năm 1992. Ảnh: CTV/KTSG

Đại tướng và đoàn tháp tùng gồm 6 người đến trường, muốn đi ngay ra ruộng thí nghiệm để xem các giống lúa tôi đang trồng thử nghiệm, xem cánh đồng nhân giống lúa kháng rầy nâu IR36 để chuẩn bị cho sinh viên mang đi trồng ở các địa phương bị rầy nâu tàn phá lúa. Đại tướng xem ngân hàng giống lúa bao gồm trên 1.000 giống lúa địa phương dành cho công tác lai tạo giống mới. Đại tướng căn dặn rằng lịch sử thế giới cho thấy quốc gia nào cũng thế, sau nhiều năm chiến tranh tàn phá thì nạn thiếu ăn luôn xảy ra, nên các chuyên gia cây lương thực phải hết sức tham gia vào công cuộc an ninh lương thực, riêng nhà trường có thêm thế mạnh là có nhiều sinh viên có thể tham gia phục vụ xã hội nếu các thầy cô biết xây dựng chương trình đào tạo thích hợp”.

Và sau đó là câu chuyện Giáo sư Võ Tòng Xuân xin phép Hiệu trưởng Phạm Sơn Khai đóng cửa trường để 2.000 sinh viên khoa Nông Nghiệp và Sư phạm đi giúp nông dân diệt rầy nâu. Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục.

Từ 5 gr hạt giống lúa IR36 từ Viện Lúa Quốc tế ở Philippin gởi về cho giáo sư vào cuối năm 1976, giáo sư và cộng sự đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất để nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống. Lượng lúa giống đủ để đối phó khi mà giặc rầy nâu đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26. Ban đầu, cả nông dân và cán bộ nông nghiệp đều rất nghi ngờ khả năng của thầy trò trường đại học. Nhất là khi vừa thay đổi giống lúa vừa thay đổi tập quán cấy lâu đời theo hướng dẫn của Giáo sư.

Giáo sư nhớ lại: “Sau hai tuần lễ lúa cấy đã bén rễ, nở buội, thầy trò chúng tôi bàn giao ruộng lúa giống IR36 lại cho nông dân chủ ruộng rồi rút quân trở về trường. Ruộng lúa IR36 tiếp tục phát triển rất tốt trong khi chung quanh đó lúa giống cũ tiếp tục bị rầy nâu tấn công đốt cháy rụi. Ba tháng sau, tất cả các ruộng IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa để không bị ăn cắp giống. Và chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (ngồi giữa) là tác giả của nhiều giống lúa ngon của "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là một chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực... Ảnh: SGGP

Giáo sư Võ Tòng Xuân (ngồi giữa) là tác giả của nhiều giống lúa ngon của "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là một chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực... Ảnh: SGGP

Bắt đầu từ thành công này, không chỉ giáo sư mà các giảng viên của trường Đại học Cần Thơ được đông đảo bà con nông dân cùng lãnh đạo địa phương tin tưởng mời đi tư vấn, hướng dẫn. Lãnh đạo của nhiều tỉnh, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, đã mời Giáo sư góp ý kiến chuyên môn bất cứ lúc nào. Nhiều khi đang giảng bài trên lớp, có xe cơ quan tỉnh đến mời là Giáo sư phải xin lỗi sinh viên tạm hoãn học để đi giúp các tỉnh. Thấy tình hình ngày càng cấp bách, giáo sư nghĩ vấn đề chuyển giao kỹ thuật đến tận từng nông dân sẽ mất rất nhiều công sức nếu không được tổ chức một cách hệ thống. Giáo sư đã nối kết với các kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp từ Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ vẫn còn công tác ở hầu hết các tỉnh để xây dựng chương trình khuyến nông - một chương trình hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân đầu tiên của cả nước.

Một kỷ niệm khá thú vị là Giáo sư đã thuyết phục được tổ chức Bánh mì Thế giới của Đức, thông qua bà Loúise Buhler, tài trợ nguồn kinh phí cho Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI in quyển sách Những thiệt hại trên ruộng lúa nhiệt đới. Đích thân Giáo sư đã đã dịch tài liệu này sang tiếng Việt, để phân phối cho các học viên trong các buổi huấn luyện khuyến nông. Lúc đó Việt Nam không có phương tiện in sách có hình màu. Giáo sư cho sắp chữ phần chú thích ảnh thật rõ nét rồi gởi sang Philippines nhờ Viện IRRI gắn hình màu in sách ra rồi gởi về lại Việt Nam. Tôi nghĩ những thay đổi kỳ diệu, những “phép màu” như thế đã khiến cho người nông dân ĐBSCL đã gọi Giáo sư là “ông Thần Nông”.

Cuộc đời cống hiến

GS-TS. Võ Tòng Xuân là đại biểu Quốc hội (QH) 3 khóa VII, VIII, IX (1981 - 1997) và đồng thời tham gia các hoạt động tư vấn cho một số viện/ trường nông nghiệp quốc tế. Đã có nhiều đóng góp của Giáo sư đem đến sự thay đổi, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống người dân.

Lần họp Quốc hội đầu tiên của Giáo sư vào tháng 6.1981 đánh dấu một sự thay đổi trong tập quán thảo luận tại hội trường Ba Đình. Bằng những minh chứng khoa học cụ thể, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã phê phán chính sách phá rừng tràm để lập các vùng lúa Tháp Mười, U minh, Tứ giác Long xuyên – Hà tiên. Giáo sư đăng đàn nói: “Đây là việc làm lãng phí ngân sách quốc gia, nhụt chí người lao động - nhất là lao động bất đắc dĩ từ thành thị bị bắt buộc tham gia trồng và gặt lúa - và phá hại môi trường sinh thái rừng tràm thiên nhiên”. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc ấy đã chỉ thị cho đại biểu Nguyễn Đăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và đại biểu Phan Xuân Đợt, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp nhanh chóng sửa sai. Bộ trưởng Phan Xuân Đợt trong giờ giải lao nói với Giáo sư: “Mặc dù tôi biết mất rừng tràm, nhưng áp lực sản xuất lúa bằng mọi giá đã không cho phép tôi bảo vệ rừng tràm được. Mà cha ơi, chỉ có cha mới dám nói, chứ họp Hội đồng Bộ trưởng tôi không dám nói đâu nhé".

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS. Võ Tòng Xuân (thứ 2 từ phải sang).

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS. Võ Tòng Xuân (thứ 2 từ phải sang).

Đến năm 1982, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng mỗi ngày tin dự báo thời tiết cả nước không hề dự báo thời tiết hai nơi này. Trong khi đó bản đồ thế giới trong các tạp chí các hãng máy bay thì in tên vùng Biển Đông của ta là South China Sea (Biển Nam Trung Quốc). Giáo sư đã hơn một lần đề nghị Chính phủ và Tổng cục Khí tượng Thủy văn nên thêm Hoàng Sa và Trường Sa trong dự báo hàng ngày.

Và một đóng góp khác rất quan trọng là đề nghị Chính phủ không đánh thuế nông nghiệp quá nặng đối với nông dân nghèo. Giáo sư kể: Một sự kiện thứ hai trong hoạt động QH đáng ghi nhớ của tôi là vào lần họp tháng 6.1991 khi Chính phủ trình QH phê duyệt Dự án Luật Thuế nông nghiệp. Kỳ đó tôi bận họp quốc tế tại Đại học Harvard nên về họp QH trễ. QH thảo luận Dự án luật đã gần đi đến nhất trí hoàn toàn với Chính phủ thì tôi mới về. Suốt đêm đó tôi soạn các số liệu điều tra nông hộ của 7 vùng sinh thái Việt Nam để tính ra lợi tức của nông dân các miền. Khi cộng thêm mức thuế nông nghiệp theo Dự án luật mới thì nông dân không còn lãi bao nhiêu. Buổi sáng hôm sau vào hội trường QH, Chủ tọa buổi họp hỏi các đại biểu có ý kiến gì thêm trước khi biểu quyết thì tôi xin phát biểu, với các số liệu nghiên cứu rất cụ thể. Và tôi kết luận bài phát biểu là xin QH không nên thông qua Dự án luật này và đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại. Sau khi tôi phát biểu xong, nhiều đại biểu khác cũng xin phát biểu, với ý kiến ủng hộ những nhận xét của tôi”.

Được biết sau cùng, Thủ tướng Đỗ Mười đứng lên phát biểu là “Chính phủ xin rút lại Dự án luật này để nghiên cứu tiếp”. Và Giáo sư Võ Tòng Xuân được cử làm thành viên của Ban soạn thảo Dự luật Thuế nông nghiệp mang tên “Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp” một cách hợp lý hợp tình.

GS-TS. Võ Tòng Xuân và cô trò trường mầm non song ngữ Tinh Hoa (Long Xuyên, An Giang), ngôi trường do ông sáng lập. Ảnh: Nhật Nguyên

GS-TS. Võ Tòng Xuân và cô trò trường mầm non song ngữ Tinh Hoa (Long Xuyên, An Giang), ngôi trường do ông sáng lập. Ảnh: Nhật Nguyên

Một kỷ niệm khác cũng khá thú vị. Liên quan đến vấn đề Chuyển cơ cấu, đa dạng hóa nông nghiệp, tránh độc canh cây lúa. Được biết, sau khi có Khoán 10 và NQTW 8, nông dân sản xuất lúa tối đa, đưa đến một thặng dư lúa gạo rất lớn, dẫn đến Việt Nam xuất khẩu gạo từ tháng 11.1989. Thấy trước nguy cơ của sự thặng dư làm cho giá lúa giảm sẽ có tác dụng ngược đối với nông dân. Tại QH vào kỳ họp tháng 6.1991, Giáo sư đã mạnh dạn đề xuất một chính sách nông nghiệp tiến bộ hơn, không chấm dứt sự bắt buộc giữ nguyên đất lúa, mà trái lại cần cho phép nông dân chuyển hướng sang các loại cây trồng thích hợp với từng vùng sinh thái và có giá trị cao, thí dụ, các vùng đồi núi nên chuyển sang trồng cây ăn trái như vải thiều, nhãn có giá trị cao thay vì trồng lúa giá quá rẻ.

Giáo sư nhớ mãi: “Lúc đó có nhiều đại biểu QH phê bình tôi không đi đúng đường lối của Đảng. May mắn thay trong QH cũng có nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị của tôi. Mạnh dạn nhất là Đoàn đại biểu QH tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cho vùng đồi núi Lục Ngạn. Nhiều bà con nông dân di dân từ Hải Dương, Hưng Yên mạnh dạn đầu tư trồng vải thiều khắp huyện. Nhà nước lúc ấy chỉ đầu tư cho nông dân tiếp tục trồng lúa mà thôi, ai muốn trồng gì khác thì phải tự đầu tư. Cho đến giữa năm 2000, Thủ tướng Chính phủ mới có NQ9/2000 cho phép nông dân chuyển cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa nông nghiệp. Lúc đó Nhà nước mới đầu tư cho các chương trình không phải lương thực, thí dụ chương trình lúa-tôm”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chào và ân cần thăm hỏi sức khỏe Giáo sư Võ Tòng Xuân tại sự kiện. Ảnh: NVCC/Báo Lao Động

Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chào và ân cần thăm hỏi sức khỏe Giáo sư Võ Tòng Xuân tại sự kiện. Ảnh: NVCC/Báo Lao Động

Đến năm 1994, khi QH thảo luận về dự thảo Luật Lao động, Giáo sư là người đề xuất thêm ngày nghỉ chính thức có ăn lương là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày thứ bảy hàng tuần. Nhưng, lúc bấy giờ Chính phủ và QH chưa chấp thuận. Mãi đến năm 2007 (Tờ trình của Chính phủ ngày 12.3, QH thông qua ngày 2/4) Luật Lao động được sửa đổi, ghi thêm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. “Một quá trình 13 năm” - Giáo sư Xuân đã cười hóm hỉnh khi nhắc lại với tôi.

Cuộc đời Giáo sư Võ Tòng Xuân là một chuỗi cống hiến không ngừng nghỉ. Nay nhân cách lớn đã tạm biệt cõi đời này. Nhưng những câu chuyện về ông, những cống hiến của ông luôn là cảm hứng sống cho lớp trẻ, cho người ở lại. Đó chẳng phải là thành tựu lớn nhất của đời người hay sao!

Vĩnh biệt Giáo sư!

Hồng Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vinh-biet-ong-than-nong-vo-tong-xuan-44869.html