Hết cảnh xếp hàng dài rút bảo hiểm xã hội một lần

Nền kinh tế phục hồi, việc làm ổn định, Luật BHXH (sửa đổi) với những điểm mới, gia tăng quyền lợi của người lao động… là những lý do khiến số người rút BHXH một lần giảm rõ rệt.

 Ảnh minh họa: Hải Hòa

Ảnh minh họa: Hải Hòa

Tiếc nuối vì rút một lần

"Tôi đã quá vội vàng khi quyết định rút bảo hiểm một lần và giờ mỗi lần nghĩ đến lại tiếc nuối. Hiện tại, tôi đã đóng lại được 2 năm. Thời điểm đó (năm 2021 - PV), gia đình tôi quá khó khăn, chỉ còn biết trông chờ vào tiền bảo hiểm. Tôi đã 35 tuổi, xin được công việc ổn định chẳng dễ dàng gì nên tôi sẽ cố gắng làm tốt để sau nay về già có khoản lương hưu", chị Nguyễn Thị Duyên, quê Nghệ An, chia sẻ.

Theo chị Duyên, cuối năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH EPIC DEsigners Việt Nam (chuyên ngành may mặc, có trụ sở tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã phải giải thể, khiến hàng nghìn công nhân, trong đó có chị Duyên mất việc làm.

"Đó là cú sốc rất lớn vì tôi đã gắn bó với công ty hơn 10 năm. Sau khi thất nghiệp, tôi không thể xin được việc làm mới khi hàng loạt doanh nghiệp của ngành may mặc đều phải cắt giảm công nhân. Không còn cách nào khác, tôi phải rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống", chị Duyên cho hay.

Rút được số tiền khá lớn, chị Duyên quyết định về quê đầu tư nuôi lợn và gà. Thế nhưng công việc mới của chị Duyên không suôn sẻ. Đàn lợn đầu tiên chưa kịp xuất chuồng đã mắc bệnh, chết mất phân nửa.

Trong khi đó, sau một năm nuôi gà, chị Duyên cũng chẳng có lãi. Số vốn cứ "teo tóp" dần và chị quyết định quay lại tìm việc làm. May mắn, đầu năm 2022, chị Duyên đã xin được việc làm mới và đóng BHXH từ đó đến nay.

Đơn hàng nhiều trở lại, công nhân có thu nhập tốt được cho là nguyên nhân khiến số người lao động rút bảo hiểm một lần giảm Ảnh minh họa: Hải Hòa

Đơn hàng nhiều trở lại, công nhân có thu nhập tốt được cho là nguyên nhân khiến số người lao động rút bảo hiểm một lần giảm Ảnh minh họa: Hải Hòa

Cách đây đúng 10 năm, chị Lê Thị Nhàn (45 tuổi, trú tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) rơi vào cảnh mất việc làm. Thời điểm đó, chị Nhàn làm công nhân may và thời gian đóng BHXH đã được 13 năm.

Sau khi mất việc, chị Nhàn đã rút bảo hiểm một lần để lo cho gia đình. Sau đó, chị Nhàn tiếp tục xin được việc làm ở Công ty Cổ phần Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata Đồng Nai). Tính đến thời điểm hiện tại, chị Nhàn đã đóng BHXH được hơn 9 năm.

"Với quy định cũ, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí phải đủ 20 năm, tôi khó theo được. Tôi đã 45 tuổi, cùng lắm cũng chỉ làm công nhân thêm 5 năm nữa.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi), người lao động đủ điều kiện về tuổi đời và đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu. Chắc chắn tôi sẽ không rút bảo hiểm một lần để sau này về già có đồng lương hưu. Năm ngoái, khi công ty ít việc, công nhân bị cắt giờ làm thêm, tôi vẫn cố gắng xoay xở và đã vượt qua", chị Nhàn chia sẻ.

"Cú hích" từ Luật BHXH 2024

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM, năm 2024, có 99.922 người rút bảo hiểm một lần, trong khi con số này năm 2023 là 112.760, giảm 11,4%. Năm 2024, trên địa bàn Thành phố cũng có hơn 2,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1,62% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa: HH

Ảnh minh họa: HH

Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong 6 tháng vừa qua cho thấy, số người nhận BHXH một lần giảm 17.000 người so với thời điểm tháng 12/2023.

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Luật BHXH 2024 đã gia tăng quyền lợi của người lao động bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với 5 nhóm đối tượng; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; tăng cơ hội nghỉ hưu đúng tuổi đối với những người tham gia muộn.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, đặc biệt, trường hợp trốn đóng BHXH có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, đã tạo sự yên tâm, gắn bó với hệ thống an sinh của người lao động.

Theo ông Phạm Trường Giang, nếu như những năm trước có tình trạng người lao động xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng để rút BHXH một lần thì năm 2024 đã giảm đáng kể.

Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long) cho rằng, Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Đặc biệt, Luật BHXH (sửa đổi) còn quy định cụ thể biện pháp xử lý hành vi trốn đóng BHXH. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 41 quy định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Với hành vi trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, nếu chỉ quy định mức phạt tối đa 75 triệu đồng như trước thì sẽ có nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi, người lao động sẽ chịu thiệt thòi. Với quy định có thể xử lý hình sự doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH cho người lao động sẽ khiến doanh nghiệp có trách nhiệm hơn và người lao động cũng yên tâm khi tham gia lao động, sản xuất", luật sư Nguyễn Trọng Hoàng phân tích.

Trong khi đó, bà Trần Thoa, Giám đốc Công ty cung ứng lao động Trung Thành (Hà Nội), cho rằng: Hầu hết người lao động đều hiểu BHXH là "của để dành" khi hết tuổi lao động. Nếu rút một lần, họ sẽ chịu thiệt đủ đường như mất lương hưu sau này, khi mất đi người thân cũng không được nhận khoản trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất dành cho thân nhân…

Từng rút bảo hiểm một lần, chị Lê Thị Nhàn đã quay trở lại đóng BHXH

Từng rút bảo hiểm một lần, chị Lê Thị Nhàn đã quay trở lại đóng BHXH

Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, hàng nghìn lao động mất việc làm. Khó khăn chồng chất, người lao động đành trông chờ vào số tiền BHXH nên họ rút để giải quyết những khó khăn trước mắt.

"Bước sang năm 2024, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn, nền kinh tế phục hồi, thị trường lao động ổn định, chế độ phúc lợi tốt, thu nhập cao. Khi đã có công việc tốt, đồng lương tốt, chẳng có lý do gì để người lao động nhảy việc.

Thống kê cho thấy, tại các địa phương có các khu công nghiệp lớn, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỷ lệ 97%-98%, có nơi lên đến 100%. Thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hiện chỉ còn 15 năm, dễ dàng đạt đủ điều kiện về già có lương, không ai dại gì rút BHXH một lần", bà Thoa chia sẻ.

Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, năm 2025, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (61 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và 56 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ) khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH 2014 (hết hiệu lực thi hành ngày 1/7/2025), người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Độ tuổi nghỉ hưu năm 2024 là 61 tuổi đối với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/het-canh-xep-hang-dai-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-20250212153743486.htm