Hết mình vì việc làng, việc nước
Là đảng viên, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua, ông Hà Công Thắng, dân tộc Tày, thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn là trung tâm tập hợp đoàn kết, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước đưa địa phương ngày một phát triển.
Trong tiết trời dịu nhẹ của mùa thu, chúng tôi lên đường để mắt thấy, tai nghe về ông Hà Công Thắng - người được đồng bào DTTS và nhân dân thôn Trung Tâm kính trọng.
Đón chúng tôi tại trụ sở, Chủ tịch UBND xã Đỗ Chí Thành thông tin nhanh cho chúng tôi một số kết quả cũng như thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, xã đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hiện xã đang nỗ lực phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Từ một xã thuần nông nghèo, Bình Thuận đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 dự ước giảm xuống còn 4,88%, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 45 triệu đồng. Xã đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa nước diện tích 280 ha, năng suất lúa cả năm đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng 1.638 tấn; diện tích cây rau màu các loại trên 306 ha; vùng chè kinh doanh diện tích trên 247 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 3.186 tấn; vùng cây ăn quả các loại 290 ha, sản lượng trên 1.500 tấn, giá trị đạt trên 3 tỷ đồng; Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh đã giúp địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với gần 30 mô hình chăn nuôi quy mô tập trung và hơn 100 mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, góp phần nâng tổng đàn gia súc chính của xã hàng năm đạt gần 5.700 con…
Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trong đồng bào DTTS như ông Thắng. Không muốn mất nhiều thời gian, chúng tôi cùng lãnh đạo xã đến nhà ông Thắng. Ngôi nhà gỗ đơn sơ nhưng gọn gàng và ngăn nắp, phòng khách treo trang trọng những bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, của tỉnh, huyện, xã.
Tuy đã hẹn trước nhưng vẫn phải chờ. Một lúc sau, tiếng xe máy của ông mới về đến sân, thấy chúng tôi, ông Thắng phân trần: "Biết là các anh đến nhưng ở thôn có vụ mâu thuẫn gia đình nên tôi cùng cán bộ thôn đến làm công tác hòa giải. Cũng không có gì là to tát, chỉ là ý ăn, ý ở với nhau, để đôi bên ngồi lại nói chuyện rồi cùng nhau thống nhất quan điểm và biết cách xử lý cho ổn thỏa. Việc làng chỉ có vậy thôi nhưng nếu không khéo léo xử lý lại xảy ra mâu thuẫn gia đình, rồi vợ chồng ly tán… Quan trọng là phải khéo léo vận động, giảng giải cho người dân biết điều hay, lẽ thiệt”.
Bỏ chiếc mũ cối, ông Thắng kể cho chúng tôi nghe về quá trình công tác đến lúc về nghỉ hưu và tham gia công việc ở thôn. Là người con của quê hương xã Bình Thuận, may mắn hơn những anh em, bạn bè cùng trang lứa, ông thoát ly và đi công tác, làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn. Năm 2016, ông về nghỉ hưu theo chế độ, được cấp ủy, chính quyền, bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào DTTS của thôn.
Bằng kinh nghiệm, sự tâm huyết và những việc làm thiết thực của mình, ông Thắng đã trở thành "cầu nối” giữa chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát triển kinh tế, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; từng bước bài trừ các hủ tục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thực hiện tốt quy ước, hương ước, cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế.
Ghé thăm ngôi nhà của anh Hà Văn Trình, hộ nghèo khó khăn về nhà ở vừa được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, trong ngôi nhà cấp 4 khang trang vừa mới hoàn thành. Anh Trình cho biết: "Đầu năm 2024, tôi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà, anh em cho thêm cộng số tiền ông Thắng và cán bộ thôn vận động, bà con nhân dân giúp đỡ ngày công, sau hơn 3 tháng ngôi nhà đã hoàn thành với tổng giá trị trên 150 triệu đồng. Nhà cửa ổn định, tôi cố gắng tập trung phát triển kinh tế để phấn đấu đến cuối năm 2024 thoát nghèo”.
Vi vu trên con đường bê tông uốn lượn chạy tít tắp đến tận chân đồi, ông Thắng cho biết thêm: "Cả thôn có gần 200 hộ dân thì gần 60% là đồng bào dân tộc Tày. Có khoảng hơn 40 hộ dân ngoài mặt đường trục chính buôn bán đời sống khá giả hơn còn hầu hết người dân trong thôn vẫn khó khăn. Có đất canh tác nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức nên mạnh ai nấy làm, cây trồng, vật nuôi không được đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao.
Khi nhận trọng trách, tôi cùng cán bộ thôn vận động bà con tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn để có kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tôi cùng với các đồng chí trong chi bộ, thôn và chi hội trưởng các chi hội, đoàn thể tìm hiểu, khảo sát các hộ gia đình khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình”.
Vậy là, những diện tích rừng cây lâm nghiệp được phát triển, quy hoạch theo từng khu, diện tích cây ăn quả có múi như cam, quýt các loại, diện tích chè kinh doanh, lúa nước, chăn nuôi cũng được người dân chú trọng phát triển, từ đó đời sống người dân từng bước ổn định, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần mỗi năm.
Miệt mài, tận tụy vì việc làng việc nước, bước chân ông lại tiếp tục lặn lội đến các gia đình vận động đồng bào, nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Việc dịch rào hiến đất để mở rộng lòng lề đường, đóng góp tiền mặt để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, thắp sáng đường quê, mục nào cũng cần phải xã hội hóa trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân không đồng đều.
Để người dân đồng tình hưởng ứng, gia đình ông đã tự nguyện phá bỏ cây cối, hoa màu hiến hơn 500 m2 đất vườn tạp và đóng góp hơn 20 triệu đồng tiền mặt để xây dựng NTM. Kết hợp tuyên truyền, vận đồng và gương mẫu làm trước "mưa dầm thấm lâu” vậy là người dân đã đồng tình hưởng ứng. Hơn 40 hộ dân trục quốc lộ trung tâm xã đã tự nguyện phá bỏ tường rào hiến hơn 1.000 m2 đất ở, nhiều hộ dân trong thôn cũng phá bỏ cây cối hoa màu, đất ở, đất vườn tạp để mở rộng lòng lề đường.
Nhiều hộ dân ngoài mức đóng góp theo quy định chung là 400.000 đồng/khẩu còn tự nguyện đóng thêm từ 2 - 3 triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, kéo đường điện thắp sáng. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, ông cùng cán bộ thôn vận động nhân dân đóng góp khoảng 500 triệu đồng để xây dựng NTM.
Nhờ đó, đến nay, 4/4 km trục đường chính thôn đã được bê tông hóa theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, các đường nhánh của thôn tỷ lệ bê tông hóa đạt trên 95%. Hiện tại, ông đang vận động thêm các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân với số tiền khoảng 100 triệu đồng để làm hệ thống mái che nhà văn hóa cho bà con nhân dân sinh hoạt không bị mưa nắng đồng thời đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng của thôn.
Đi qua những tháng ngày gian khó, thôn Trung Tâm đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Minh chứng đó là kinh tế nông, lâm nghiệp chuyển dịch đúng hướng, thôn đã hình thành vùng trồng cây lâm nghiệp với diện tích gần 105 ha; vùng chè kinh doanh với diện tích 14,5 ha, sản lượng trên 11 tấn/ha; vùng trồng cây ăn quả chủ yếu là cam, quýt các loại với diện tích gần 8 ha, năng suất từ 104 -107 tạ/ha; chăn nuôi từ nhỏ lẻ chuyển sang hướng hàng hóa với 4 mô hình chăn nuôi quy mô tập trung và hơn 20 mô hình chăn nuôi khác; hơn 10 ha lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân 60 tạ/ha. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn dự ước giảm xuống còn 4,87%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng/năm. Các mô hình phát triển kinh tế với mức thu nhập từ 60 -100 triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều.
65 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, tuy rằng những đóng góp của ông Thắng cho thôn bản chưa nhiều song, với kinh nghiệm công tác của mình ông vẫn tiếp tục cống hiến hết mình vì việc làng việc nước để xây dựng Trung Tâm trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tiêu biểu; đồng thời, phấn đấu năm 2025 thôn Trung Tâm đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu để tạo động lực cho thôn ngày càng phát triển hơn, đời sống người dân ngày càng ấm no, bản làng thêm khang trang đổi mới.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/327821/het-minh-vi-viec-lang-viec-nuoc.aspx