Hết năm 2020, xóa bỏ các lối tự mở qua đường sắt trên địa bàn đông dân cư
Ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Đề án nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Đồng thời, đưa Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt vào thực tế hoạt động trong lĩnh vực đường sắt; nâng cao an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung.
Từ những mục tiêu cơ bản trên, Đề án nêu rõ những mục tiêu cụ thể, đó là: Xác định rõ phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật, thống nhất với hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của địa phương nơi có đường sắt đi qua để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ ranh giới đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật về đường sắt.
Cùng với đó, xác định các giải pháp tổng thể, định hướng để xử lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, xử lý dứt điểm các lối tự mở đi qua đường sắt theo lộ trình quy định tại Điều 16 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5-10% hàng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Đề án nêu ra một số giải pháp chủ yếu nhằm đạt được những mục tiêu trên. Theo đó, các đơn vị liên quan cần tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; đánh giá những tồn tại bất cập mới phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân, trong đó tập trung vào đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên toàn quốc, đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, hành khách đi tàu… bằng hình thức trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đề án cũng đề cập đến giải pháp tăng cường hiệu lực của các chủ thể liên quan đến công tác bảo vệ, bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt; quản lý chặt chẽ đất dành cho đường sắt, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt; tổ chức, quản lý chặt chẽ kiềm chế, không phát sinh lối đi tự mở; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia.
Đề án cũng nêu một số giải pháp lâu dài trong việc giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở. Theo đó, đối với việc xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua đường sắt, đến hết năm 2020, tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Đến hết năm 2025, xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt, hoàn thành việc xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia./.