Hết sức cấp bách, cần thiết với người dân vùng hạn hán
Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét là đáp ứng mong mỏi của người dân về vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất. Khẳng định điều này, song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần đặc biệt quan tâm đến việc trồng rừng tự nhiên để thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, sáng nay, 30.5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Tán thành với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho biết, ngày 14.5.2023, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phát phóng sự “Bình Thuận: Người dân đào giếng giữa lòng sông tìm nước” phản ánh tình trạng lòng sông Dinh - con sông lớn nhất tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đã trơ cạn đáy sau mấy tháng không mưa, nhưng đây cũng là nơi duy nhất người dân có thể đào giếng để tìm nước sinh hoạt. Điều này cũng thể hiện Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây để không còn nỗi lo về vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất.
ĐB K’Nhiễu (Lâm Đồng) nêu rõ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, thì việc quan tâm đầu tư xây dựng một công trình kỹ thuật phục vụ nước sản xuất, nước tưới cho vùng nông nghiệp, nước thô cho các khu công nghiệp, phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và hồ chứa nước cho vùng hạ du là một việc làm hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đối với người dân vùng hạn hán.
Báo cáo thẩm tra nội dung này cho thấy, việc triển khai dự án đã chậm gần 3 năm so với Nghị quyết số 93/2019/QH14 của Quốc hội Khóa XIV, ngoài một phần nguyên nhân chủ quan, thì phần lớn là nguyên nhân khách quan như ĐB K’Nhiễu chỉ ra là thời điểm triển khai dự án đúng thời điểm cả nước, trong đó có Bình Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu đề nghị, Quốc hội xem xét cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025, nghĩa là chậm hơn 1 năm so với Nghị quyết 93/2019/QH14.
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong lần trình Quốc hội này, Chính phủ xin điều chỉnh 4 nội dung: thời gian thực hiện dự án; tổng mức đầu tư; cho phép áp dụng cơ chế đặc thù; và điều chỉnh diện tích rừng thay thế.
Đối với việc áp dụng cơ chế đặc thù, sẽ giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công. Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định các vấn đề phát sinh trong thời gian Quốc hội không họp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bản chất của 2 cơ chế đặc thù này chủ yếu thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân công, ủy quyền của Quốc hội cho các cơ quan. Và các cơ chế đặc thù này đã được Quốc hội Khóa XV cho phép triển khai với một số dự án quan trọng cấp quốc gia, như dự án Vành đai 3 của TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 của TP. Hà Nội, do đó cơ chế đặc thù này phù hợp với thực tiễn triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, do đây là dự án kéo dài thời gian thực hiện, nên đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng của Bình Thuận tập trung triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.
Cho rằng chủ trương đầu tư dự án Hồ chứ nước Ka Pét đã được Quốc hội Khóa XIV thảo luận rất kỹ và thông qua để hoàn thành trong năm 2024, tuy nhiên đến nay lại phải điều chỉnh, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan để rút kinh nghiệm cho việc triển khai dự án những năm tiếp theo. Liệu gia hạn đến năm 2025 có hoàn thành không? Trong khi nguồn vốn đầu tư dự án đã được cấp từ năm 2016 và cũng ban hành cơ chế đặc thù, nhưng đến nay vẫn quá chậm trễ.
Liên quan đến việc điều chỉnh diện tích rừng thay thế, đại biểu Nguyễn Lâm Thành lưu ý, phương án này chưa khả thi, chưa thuyết phục, nếu chuyển sang trồng rừng ở khu vực khác, thuộc khu vực rừng sản xuất để thay thế là chưa hợp lý, mà phải bảo toàn, bảo tồn phát triển nguồn rừng như rừng tự nhiên để thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây mới là lý do để Quốc hội quyết định và xem xét rất kỹ với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Nguyễn Lâm Thành khẳng định.