Hết Tết, thầy cô giảng dạy nơi biên giới Pá Khoang chỉ mong trò đến lớp đầy đủ
Ở nơi đại ngàn biên giới Việt – Lào, ước mơ con chữ tại bản Pá Khoang được xây dựng từ chính những thầy, cô giáo người Mông đứng lớp.
Tới Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) bây giờ đã dễ dàng hơn trước nhiều. Cung đường Sốp Cộp - Púng Bánh - Mường Lèo dài gần 60 km, vượt qua cổng trời Phá Thóng, đường uốn lượn qua các sườn núi, vượt đỉnh Pù Sâng cao vời vợi, đường đã được nâng cấp và trải nhựa.
Tuy nhiên, đoạn đường từ Mường Lèo đến được bản Pá Khoang phải vượt qua gần 30 km đường đèo đất. Con đường bám theo những triền núi cao vút đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Giữa đại ngàn biên giới Việt – Lào, cụm trường ở Pá Khoang đã được xây dựng khang trang. Những lớp học giữa miền biên viễn vang tiếng học trò.
Đón chúng tôi là thầy giáo Mùa A Súa (người dân tộc Mông, sinh năm 1988, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo), phụ trách lớp học ghép ở Pá Khoang.
Tình trạng thiếu giáo viên và đường sá xa xôi nên ở Pá Khoang vẫn phải duy trì lớp ghép.
Thầy Súa kể, tuổi thơ của thầy là ký ức về những năm tháng nghèo đói cứ bám riết lấy người dân. Thầy Súa là một trong số ít những học trò người Mông ở Pá Khoang khi ấy đã vượt cổng trời Phá Thóng để đi ra huyện Sông Mã học chữ. Giữa nhiều lựa chọn, thầy Súa chọn trở thành thầy giáo để về dạy chữ cho người Mông ở huyện Sốp Cộp.
Sau nhiều năm tháng công tác tại những điểm trường khác nhau, thầy Súa đã được chuyển về đúng bản Pá Khoang nơi mình sinh ra để dạy cho các em học sinh quê hương. Thầy Súa hi vọng trẻ em được đi học sẽ giúp cuộc sống bớt vất vả hơn, có tương lai tốt hơn.
Thầy Mùa A Súa cho biết, học sinh lớp 3, 4, 5 ở Pá Khoang được ra điểm trường chính, học bán trú.
Còn lại học sinh lớp ghép 1 – 2 ở đây do một mình thầy phụ trách, các em đều học chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong khi cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nên cả thầy và trò còn nhiều vất vả.
Với lũ trẻ ở Pá Khoang, lúc nào thầy cũng nhẹ nhàng, khích lệ, chăm học trò như chăm con. Chính thầy Súa cũng là một trong những tấm gương vươn lên trong học tập, thay đổi cuộc sống ở Pá Khoang nên thầy mong muốn truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh người Mông ở bản.
Có lẽ vậy, dù còn khó khăn, vất vả nhưng các học trò người Mông lớp 1, lớp 2 ở Pá Khoang đều đã có những tiến bộ đáng khích lệ.
Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo ghi nhận cao sự nỗ lực của thầy Súa trong công tác dạy học.
Trong hai lớp thầy Súa phụ trách, tổng kết học kỳ I năm học 2022-2023, với lớp 1 có 11 học sinh, trong đó 7 học sinh xếp loại H (hoàn thành), 4 học sinh xếp loại C (chưa hoàn thành); lớp 2, có 5 học sinh xếp loại H và 2 học sinh xếp loại C.
Thầy Súa cũng tâm sự rằng dù kết quả học tập của các em chưa thật tốt như mong muốn, nhưng đây là sự cố gắng không ngừng của cả thầy và trò, trong bối cảnh giáo dục vùng khó, trẻ em là người dân tộc, địa bàn giáp biên khó khăn, người dân đang phải tập trung lo cái ăn cái mặc trước, chưa có sự quan tâm nhiều đến giáo dục. Cả thầy và trò sẽ cùng cố gắng để có kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Kế ngay bên lớp học của thầy Mùa A Súa, là lớp mầm non của cô giáo Mùa Thị Mị (sinh năm 1993, người dân tộc Mông, giáo viên Trường Mầm non Biên Cương - xã Mường Lèo). Lớp của cô giáo Mùa Thị Mị cũng có đủ cả nhóm tuổi nhà trẻ, mầm non.
Vì thiếu giáo viên nên cô Mị phải phụ trách lớp ghép, cô cũng rất vất vả để hoàn thành nhiệm vụ.
Cô Mị là người ở bản Liềng, xã Mường Lèo. Dù là người trong xã, nhưng vì điều kiện đường sá đi lại chưa thuận lợi, cô Mị phải để con nhỏ ở nhà cho chồng chăm sóc, vào bản Pá Khoang dạy học, cuối tuần mới về nhà.
Hỏi về lý do chọn nghề giáo viên mầm non, cô Mị bảo, cô thấu hiểu được sự vất vả của trẻ con người Mông ở vùng khó khăn, còn nhiều thiếu thốn.
Trước đây, trẻ con người Mông khi mới mấy tháng tuổi, đã phải theo mẹ lên nương. Lúc vừa biết đi là các em phải tự chơi với nhau, không được chăm sóc đúng độ tuổi như những trẻ ở vùng miền có điều kiện khác.
Cô Mị cũng là người Mông, lớn lên trong vất vả nên đi học cũng phải cố gắng rất nhiều. Khi về được với đồng bào, cùng nói một thứ tiếng nên việc truyền đạt cho học sinh cũng có thuận lợi hơn nhiều.
Cùng với sự phát triển của xã hội, người dân ở Pá Khoang mấy năm nay kinh tế đã khá hơn, bà con đã chuyên tâm làm ăn hơn trước, con đường vào bản đã được san ủi, vào mùa khô, ô tô có thể vào đến gần bản. Thế nhưng, vì vẫn là đường đất nên mùa mưa về, việc đi lại cũng còn vất vả.
Được hỏi về ước mơ khi năm mới 2023 đã đến, cả cô Mị và thầy Súa đều mong học sinh nghỉ Tết xong đến lớp đầy đủ để tiếp tục học tập, như vậy là các thầy cô vui lắm rồi. Còn bản thân các thầy cô giáo sẽ vẫn vượt khó để cống hiến cho giáo dục, chưa thực sự có ước mơ lớn gì cho bản thân.
Thầy giáo Hà Văn Tâm – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo cho biết, Pá Khoang là điểm bản xa xôi nhất của xã Mường Lèo, trước đây, việc dạy học rất vất vả nhưng những năm gần đây đã được cải thiện. Từ nhiều năm nay, có giáo viên người Mông về đứng lớp, học sinh đi học ở bản đã chuyên cần hơn và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Cô giáo Lường Thị Kiên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Biên Cương (xã Mường Lèo) cho biết: “Với những điểm trường khó khăn, các cô giáo đều chia sẻ, luân phiên nhau phụ trách qua từng năm học. Ở điểm khó khăn, xa xôi như Pá Khoang, các thầy cô cũng động viên nhau cố gắng từng ngày vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục".