Hết tháng 6/2024, Hải Phòng hoàn thành thu hút 12,5 tỷ USD vốn FDI giai đoạn 2021 – 2025
Tính đến tháng 6/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút FDI của cả nhiệm kỳ 2021 – 2025 đạt trên 12,5 tỷ USD.
Nhân dịp Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập khu phố Lê Chân, nay là quận Lê Chân, mới đây, Quận ủy Lê Chân tổ chức Hội nghị thông tin về thu hút đầu tư và Khu kinh tế phía Nam thành phố Hải Phòng. Tại hội nghị này, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư và Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Theo đó, trong 6 tháng năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố thu hút 67 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 722 triệu USD (687 triệu USD vốn FDI, đạt 34,35% kế hoạch năm và 812 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 8,12% kế hoạch). Tính đến hết tháng 6/2024, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ thu hút FDI được giao của cả nhiệm kỳ 2021- 2025, đạt (12,56 tỷ USD/12,5 tỷ USD theo kế hoạch).
Trước đó, vào năm 2023, Hải Phòng cũng xác lập kỷ lục về thu hút FDI. Theo đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã thu hút đạt 3,5 tỷ USD, với 62 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% so với năm 2022, đứng thứ 2 cả nước và đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.
Điều đáng nói không chỉ đến từ vốn đăng ký cao nhất, mà còn là tỷ lệ dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến - chế tạo, logistics đạt trên 93%. Bên cạnh đó, suất đầu tư trung bình trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng cũng rất ấn tượng, đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần bình quân cả nước (khoảng 4,61 triệu USD/ha) và đạt 56 triệu USD/dự án, bằng 2,8 lần bình quân cả nước (khoảng 20 triệu USD/dự án).
“Hải Phòng đã thực sự tạo dựng được niềm tin trong các nhà đầu tư nói chung và đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nói.
Việc thu hút 12,5 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Heza).
Đánh giá về những kết quả đạt được, theo ông Lê Trung Kiên để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài lợi thế về hệ thống giao thông, cảng biển, Thành phố còn luôn xác định tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư.
Năm qua, Hải Phòng tập trung xúc tiến tại những thị trường trọng điểm, có tìm hiểu, chọn lựa trước. Việc này góp phần giúp Thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI.
Hiện tại, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được Heza tập trung triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. “Giờ ngồi ngay tại Ban quản lý, chúng tôi có thể biết được hoạt động khá chi tiết của các nhà máy về xây dựng, nhân sự…, bởi phần mềm quản lý hoạt động liên thông tới từng doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế”, ông Kiên chia sẻ.
Một điều ghi nhận nữa, trong những năm qua, lãnh đạo Thành phố đã dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn, trực tiếp xúc tiến đầu tư cả tại chỗ và ở nước ngoài. Đặc biệt, các chuyến công tác gần đây của lãnh đạo Thành phố tại Hàn Quốc, Nhật Bản mang lại thành công vượt trội, với những dự án “tỷ USD” được triển khai gần như ngay lập tức.
Được biết, trong thời gian tới, theo ông Lê Trung Kiên, Hải Phòng sẽ tập trung xác định thu hút đầu tư dựa trên ba trụ cột nền kinh tế, đó là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển–logistics và du lịch - thương mại. Trong đó, lĩnh vực cảng biển–logistics được ưu tiên hàng đầu, Ban quản lý Khu kinh tế đang đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và các thủ tục liên quan để hoàn thành đưa vào khai thác các bến cảng nước sâu số 3, 4, 5, 6 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện trong năm 2024.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư các bến số 7 và số 8 sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hải Phòng cũng đang trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các bến số 9, 10, 11, 12 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Các bến cảng nước sâu Lạch Huyện trong Khu kinh tế sau khi đi vào hoạt động sẽ là khu vực trung chuyển hàng hóa quan trọng của cả khu vực miền Bắc.
Theo đó, Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế hiệu quả kinh tế xã hội; chủ động đề xuất phối hợp với bộ giao thông vận tải và các cơ quan chấp thuận cải tạo nâng cấp các tuyến đường đi qua địa bàn thành phố; các đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối thẳng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với khu bến cảng Đình Vũ - Nam Đồ Sơn và lạch Huyện. Tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển giai đoạn qua địa phận Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Càng hàng không quốc tế Cát Bi.
Hiện Ban quản lý Khu kinh tế đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan xúc tiến thành lập khu phi thuế quan trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu với diện tích 752 ha đang được nhà đầu tư xây dựng hứa hẹn là mô hình phát triển, có sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Cùng với đó, thành phố sẽ triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh xây dựng các dự án nhà ở công nhân. Nghiên cứu đề xuất thành lập khu thương mại tự do trong khu cung kinh tế biển ven biển phía Nam Hải Phong. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistic mới. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.