Hết thời sính ngoại, phụ huynh Trung Quốc lại mê mẩn Nho giáo
Không còn sùng bái các phương pháp giáo dục phương Tây, cha mẹ Trung Quốc lại tìm về các giá trị truyền thống để dạy con lễ nghĩa.
Thoạt nhìn, trường mầm non Huaguashan nằm ở thành phố Zhuzhou, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc trông giống như bất kỳ ngôi trường nào khác. Bốn phòng chơi của trẻ được sơn màu sáng, bên trong có các thùng gạch đồ chơi và những tấm thảm màu sắc, mềm mại.
Nhưng trên các tầng cao hơn, các căn phòng trông giản dị hơn. Những chiếc đèn lồng làm bằng giấy gạo và dãy mái ngói đen chạy dọc trên đỉnh tường gợi tới phong cách kiến trúc cổ của Trung Quốc. Bọn trẻ mặc những chiếc áo cổ trụ, cài cúc kiểu sườn xám giống như những chiếc áo truyền thống ngày xưa. Những bức chân dung lớn của Khổng Tử được treo trên tường.
Ngôi trường mầm non này mở cửa vào tháng 9 năm ngoái nhưng danh sách chờ nhập học đã đủ từ một năm trước đó. Huaguashan ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh về việc cho con em mình hấp thụ những tư tưởng, văn hóa, đạo đức của Trung Quốc xưa, đặc biệt là những thứ liên quan đến Khổng Tử.
Trẻ em ở trường Huaguashan được dạy cách cúi chào, cách chào hỏi lịch sử trên đường phố và cách ngồi chăm chú, thẳng lưng, đặt tay gọn gàng trong lòng.
Trong một căn phòng, chúng bận rộn dán những chiếc lá lên túi dây rút để học kỹ thuật nhuộm thời xưa. Ở các phòng khác, bọn trẻ ngâm thơ, thực hành thư pháp, thực hiện các nghi lễ uống trà và chơi cờ tướng.
Tuy nhiên, các giáo viên ở đây nói rằng, thành thạo các kỹ năng là thứ yếu để xây dựng tính cách một đứa trẻ. Một đứa trẻ phải học cách “tôn trọng đối thủ và chấp nhận thất bại” trên bàn cờ. Còn trong phòng trà, bọn trẻ học cách “coi trọng những gì dễ vỡ giống như một chiếc tách trà”.
Sau nhiều thập kỷ tôn sùng các xu hướng ngoại lai, giờ đây nhiều người lại quan tâm đến những yếu tố truyền thống như thế này. Truyền hình bắt đầu có chương trình “Hội nghị Thơ Trung Quốc”, trong đó khán giả được trả lời câu đố về các khổ thơ cổ. Thanh niên mặc áo choàng truyền thống ở nơi công cộng.
Nhưng trung tâm của xu hướng này vẫn là giáo dục. Frost & Sullivan, một công ty dữ liệu, ước tính rằng thị trường dành cho giáo dục các giá trị truyền thống là 466 tỷ nhân dân tệ (73 tỷ USD) vào năm 2018, gần gấp đôi giá trị của nó vào năm 2014. Các trường học thu phí rất cao. Huaguoshan, một tổ chức phi lợi nhuận, quảng bá triết lý giáo dục của mình trên phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có các đoạn clip ghi lại cảnh học sinh mầm non ngâm thơ trong khi mặc trang phục truyền thống.
Được tôn kính suốt 2.500 năm, đạo Khổng sau đó bị bài xích suốt thế kỷ 20. Năm 1905, triều đại nhà Thanh đã bãi bỏ hệ thống thi cử của triều đình. Những người theo chủ nghĩa hiện đại cho rằng tư tưởng của đạo Khổng làm ngăn cản sự tiến bộ.
Mãi đến giữa những năm 1980, người ta mới bắt đầu kỷ niệm lại ngày sinh của Khổng Tử.
Đối với nhiều người Trung Quốc, tư tưởng của Khổng Tử có một sức hấp dẫn khác biệt. Trong số các giá trị đạo đức bị bỏ quên của Nho giáo, các nhà giáo dục nhận thấy những thứ có thể là giải pháp cho những tệ nạn của xã hội hiện đại, giống như một bộ phận người phương Tây quay sang các giá trị truyền thống của Cơ đốc giáo.
Ông Jia Hong, đồng sáng lập Huaguoshan, cho biết: “Ngày nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về hành vi bắt nạt và những hành vi bỉ ổi khác”. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do con người không có cách cư xử tốt. Ba phần tư trong số 200 trẻ em tại các trường mẫu giáo của bà Jia từng học ở những ngôi trường bình thường. Bà cho biết, các bậc cha mẹ nhận xét rằng phương pháp giáo dục truyền thống của Nho giáo đã giúp con họ bình tĩnh và tập trung hơn.
Nhiều phụ huynh trẻ tin rằng, nỗi ám ảnh về các kỳ thi đã khiến họ không quan tâm tới các hình thức dạy dỗ khác – Cao Shenggao tới từ ĐH Sư phạm Thiểm Tây cho hay. Một số phụ huynh cho rằng tính kỷ luật của trẻ có thể được thấm nhuần qua việc học đàn tranh. Đó cũng là một cách khiến con họ trở nên khác biệt trong cuộc đua giáo dục.
Tuy nhiên, năm 2020 đã xảy ra một sự việc đáng suy ngẫm liên quan tới phương pháp giáo dục đi theo đạo Khổng. Người sáng lập một ngôi trường theo trường phái Nho giáo đã tuyên bố có thể chữa khỏi chứng nghiện Internet. Nhưng sau khi phát hiện ở đây trẻ bị sử dụng bạo lực, người này đã bị kết án 3 năm tù.
Sau đó, Chính phủ cũng đã cấm việc giảng dạy những tư tưởng được cho là “cặn bã phong kiến”, ví dụ như việc Nho giáo khuyến khích sự phục tùng của phụ nữ.
Đăng Dương(Theo The Economist)