Hết tiền, Nguyễn Thị Út Em sẽ bán cổ phần trường Quốc tế Mỹ - AISVN
Hơn 1.400 học sinh Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) có trụ sở tại huyện Nhà Bè, Tp.HCM đã phải nghỉ học ngày hôm qua (18/3). Do hết tiền, theo phương án làm việc với đại diện phụ huynh, bà Nguyễn Thị Út Em sẽ bán cổ phần trường AISVN?
Sẽ bán 70% cổ phần và mất quyền kiểm soát?
Hôm qua (18/3), nhiều phụ huynh học sinh Trường Quốc tế Mỹ (AIS) của bà Nguyễn Thị Út Em như ngồi trên đống lửa, khi con em đã phải nghỉ học ở nhà, theo phụ huynh là trường đã không còn khả năng chi trả cho giáo viên, và các nguồn khác để vận hành. Trong khi đó, trong vai phụ huynh, PV liên hệ đến trường này thì một nhân viên cho biết: “Vẫn chưa biết khi nào sẽ có lịch học trở lại, lý do là chờ Hội đồng trường họp và quyết định. Hôm qua (17/3), trường có gửi email cho phụ huynh về việc nghỉ học nhưng đến khi nào học sinh quay trở lại trường thì vẫn chưa biết, phụ huynh phải chờ thông báo qua email”.
Đến sáng 19/3, AIS xác nhận đã cho học sinh đi học trở lại, tuy nhiên, phụ huynh vẫn chưa hết băn khoăn, khi trường đang gặp rất nhiều vấn đề, đặc biệt là tài chính. Liệu, có phải hết tiền, bà Nguyễn Thị Út Em sẽ bán cổ phần trường AIS?.
Trong buổi tiếp xúc giữa đại diện trường là bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường AIS và nhóm phụ huynh do ông Lý Anh Tú, đại diện và một số phụ huynh của trường đã xác định một số nội dung liên quan để tiến tới hoạt động.
Theo đó, bà Em đề cập tới 1 quỹ đầu tư (tạm gọi là quỹ A) đã và đang làm việc với đại diện trường một thời gian. Đại diện trường sẽ có cuộc họp làm việc với quỹ A trong ngày mai (20/3). Nếu trong thời hạn này, quỹ A và trường không thống nhất được phương án tài chính vận hành dài hạn và ngắn hạn (bao gồm không chuyển tiền để chi trả các khoản lương và vận hành ngay lập tức), trường sẽ chấm dứt đàm phán với quỹ A tại thời điểm này. Việc này, bà Em đã đồng ý.
Bên cạnh quỹ A này còn có một đơn vị được cho là “có danh tiếng” trong lĩnh vực đầu tư nhưng “yêu cầu giữ kín tiếng” (gọi là quỹ B) đề nghị muốn mua ít nhất 70% cổ phần của AIS và nắm quyền điều hành. Quỹ B sẵn sàng chi tiền ngay lập tức (sau khi ký biên bản ghi nhớ) để vận hành cho thời điểm hoàn tất việc đàm phán mua bán.
Tuy nhiên, quỹ B này yêu cầu ký biên bản là đơn vị duy nhất tham dự đàm phán và đầu tư, yêu cầu AIS cung cấp số liệu như báo cáo liên ngành. Ngay khi chấm dứt đàm phán với quỹ A, AIS sẽ tiến hành ký kết với quỹ B ngay lập tức, chậm nhất vào cùng ngày 20/4.
Đáng chú ý, cả 2 quỹ nêu trên đều muốn là tổ chức tài chính duy nhất mua phần lớn cổ phần của AIS và nắm quyền kiểm soát. Nếu 1 trong 2 phương án này xảy ra thì bà Em sẽ không còn quyền kiểm soát AIS và mất đi 70% cổ phần.
Liên tục phát hành trái phiếu và huy động vốn
Theo cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (sở hữu trường AIS) được thành lập vào ngày 15/10/2018, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Bất ngờ, ít ngày sau đó (ngày 25/10/2018), Công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần số vốn ban đầu.
Công ty đang có mã trái phiếu (AIECH2223001), với kỳ hạn 18 tháng, phát hành ngày 26/1/2022 có tổng mệnh giá đang lưu hành là 250 tỷ đồng, lãi suất cố định 11,5%/năm. Tháng 8/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin bất thường việc doanh nghiệp gia hạn thời gian đáo hạn lô trái phiếu này thêm 6 tháng (đến ngày 26/1/2024). Bên cạnh đó, lãi suất lô trái phiếu này cũng được điều chỉnh tăng lên 12%/năm. Tổng mệnh giá còn đang lưu hành là 200 tỷ đồng.
Hiện, Công ty này còn 1 lô trái phiếu (AIECH2224002) phát hành ngày 8/9/2022, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm. Tổng giá trị theo mệnh giá đang lưu hành gần 318 tỷ đồng và Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán cho lô trái phiếu này.
Liên quan đến lô trái phiếu này, ngày 20/9/2023, PSI cho biết Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn.
Về học phí, năm học 2023-2024, học sinh của AIS phải đóng trong khoảng 280-725 triệu đồng/năm, tùy cấp, lớp. Ngoài ra, trường còn thu bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học này lên hơn 100 triệu đồng/học sinh.
Tại AIS, có điều lạ với gói “đầu tư hoàn lại 100%”, được ký hợp “hợp đồng đầu tư giáo dục”, phụ huynh sẽ đóng một khoản tiền hàng tỷ đồng cho trường, đổi lại sẽ không phải đóng học phí trong quá trình con theo học tại trường. Như ông N.V.T, một phụ huynh cho biết: “Tôi đã đóng 80.000 USD (tương đương khoảng hơn 1,8 tỷ đồng) theo hợp đồng đã ký. Có phụ huynh còn đóng tới 150.000 USD (tương đương hơn 3,4 tỷ đồng), tổng số tiền trường huy động mà tôi biết được đã lên tới khoảng 150 triệu USD”.
Về khoản đầu tư này, theo giới thiệu, AIS sẽ trả lại số tiền này cho phụ huynh khi học sinh kết thúc chương trình tại trường hoặc hoàn thành thủ tục chuyển trường trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, khi phụ huynh hoàn thành các thủ tục ngưng học tại trường cho con, nhà trường vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền.
Khiếu nại lên Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo Tp.HCM.
Về việc học sinh của trường AIS phải nghỉ học, ngày 18/3, nhiều phụ huynh đã đến làm việc với Thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo Tp.HCM. Theo đó, họ cho rằng học sinh đến trường không có giáo viên, nguyên nhân, giáo viên không được nhà trường trả lương, nợ BHXH, vi phạm cam kết… nên đồng loạt nghỉ việc. Thời gian qua, rất nhiều lần đối thoại, đóng tiền, hỗ trợ trả lương cho giáo viên nhưng bà Nguyễn Thụ Út Em không khẩn trương giải quyết vấn đề, vì vậy, khẩn cứu để Sở để học sinh được sớm quay trở lại trường tiếp tục học tập, tránh gây ra những ảnh hưởng, hệ lụy xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến ngành giáo dục.