Hiếm có ở Việt Nam, chiếc sập đá quý vàng óng nặng 7 tấn
Bên cạnh những chiếc giường, sập bằng gỗ quý, nhiều đại gia còn sưu tầm phản, sập bằng đá tự nhiên. Chiếc sập đá canxit của đại gia Hà Nội được đánh giá là một trong những khối ngọc tự nhiên lớn, đường vân đẹp hiếm có ở Việt Nam.
Sập bằng đá quý vàng óng, nặng 7 tấn của đại gia Hà Nội
Anh Nguyễn Thế Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trên báo Dân Việt, anh là đại diện chủ sở hữu của chiếc sập canxit quý hiếm. Chiếc sập đá này có màu vàng óng, trọng lượng hơn 7 tấn, dài 2,5m, rộng 1,8m và có độ dày 55cm. Chiếc sập đá canxit này có xuất xứ từ Lục Yên, Yên Bái - một trong những nơi có nhiều mỏ đá quý ở nước ta.
Theo anh Hiếu, do được chế tác từ đá quý, sản phẩm lại rất hiếm nên giá trị chiếc sập này rất cao. Anh định giá chiếc sập là 1,3 tỷ đồng.
Độc lạ đặc sản bánh 'gật gù' ở Quảng Ninh
Ngoài những món ăn nổi tiếng như khâu nhục, gà đồi,... thì Tiên Yên (một huyện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời của tỉnh Quảng Ninh) còn có một đặc sản không thể không nhắc đến, đó là bánh gật gù. Loại bánh này có hình thức khá giống bánh cuốn, bánh phở nhưng cách làm độc đáo hơn. Bánh không có nhân, khi ăn quệt với nước mắm chưng với mỡ gà (dùng gà đồi thả tự nhiên ở Tiên Yên) khiến thực khách cũng phải "gật gù" thích thú.
Mặc dù hình thức bánh có vẻ đơn điệu nhưng độ ngon đủ khiến thực khách ăn lần muốn thưởng thức lần hai. Ở Tiên Yên, người ta thường mua bánh gật gù theo cân. Không chỉ ngon, bổ, rẻ mà bánh gật gù còn là thứ thuốc giải cảm hiệu quả của người dân địa phương.
Chiếc cân gần 100 tuổi giúp hàng giò chả phố cổ đông khách 40 năm
Cửa hàng giò chả nằm trên phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ năm 1981. Nhưng theo lời của ông Nguyễn Lý Tuấn, chủ quán hiện tại, nhà ông bán giò chả đã hơn 70 năm. Ông Tuấn và 2 người em trai cùng lưu giữ nghề này đã 40 năm.
Không chỉ "hút" khách bằng công thức gia truyền suốt 40 năm, quán còn khiến khách hàng tò mò khi cân giò chả bằng chiếc cân gần 100 tuổi. Đây được xem là "báu vật" được các thành viên trong gia đình ông Tuấn gìn giữ, nhắc nhở về triết lý kinh doanh trung thực, chất lượng với khách hàng.
"Chiếc cân này có từ khi tôi chưa sinh ra, quý lắm, giờ có tiền cũng không mua được, có người gạ hỏi mua nhưng trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán", ông Tuấn chia sẻ trên Báo Dân Trí.
Lạ lùng mắm cua gạch, tôm hùm ngon nức tiếng ở miền Tây
Vài năm gần đây, xuất hiện những món mắm "có một không hai" ở Sóc Trăng khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi, đó là mắm cua gạch, mắm sú cồ, mắm tôm hùm.
Để có món mắm cua gạch ngon, phải chọn cua còn sống, chắc thịt, gạch đầy sau đó rửa cua thật sạch, cho vào dụng cụ chứa nhốt cua lại khoảng 1-2 ngày cho cua tiêu hóa hết thức ăn rồi cho cua vào ngâm trong nước mắm loại ngon cho đến khi cua chết rồi đem ra rửa lại bằng nước mắm. Tiếp đó, người ta nấu nước mắm ngâm cua đến 3 lần và nêm nếm các loại gia vị. Món mắm cua còn trải qua 3 lần nấu sôi từ trên 100oC đến trên 200oC, thanh trùng nhiệt, diệt vi khuẩn, khử mùi tanh nên khi ăn rất ngon, bảo quản được lâu.
Còn mắm sú cồ được làm từ loại tôm sú tự nhiên, mắm tôm hùm được làm từ tôm hùm mua từ Phú Yên, Khánh Hòa. Công thức chế biến cho các loại mắm này cũng tương tự như mắm cua gạch.
Lần đầu tiên tìm thấy hoa lan Hoàng Thảo Thạch Hộc Tía đột biến
Báo Dân Việt thông tin, hoa lan Hoàng Thảo Thạch Hộc Tía chỉ có màu xanh, vàng, tím (cánh hoa màu xanh ngà vàng và lưỡi họng màu tím viền trắng) hoặc màu xanh tuyền (hoa đột biến var alba rất hiếm). Song mới đây, anh Lê Minh (Sapa, Lào Cai) đã tìm ra loài lan Hoàng Thảo Thạch Hộc Tía đột biến
“Tôi mất công tìm kiếm một năm nay, dòng này đột biến rất hiếm. Hiện nay, chưa tìm thấy một cây nào, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một cây lan Hoàng Thảo Thạch Hộc Tía đột biến”, anh Minh nói trên báo này.
Theo anh Minh, cây lan Hoàng Thảo Thạch Hộc Tía đột biến tìm được ở một vách núi thuộc vùng biên giới Lai Châu, Điện Biên giáp với Lào (cửa khẩu Tây Trang). Nhìn cây có thể nhận biết về sự đột biến của nó, ngoài cánh đẹp khác thường thì mũi và 5 cánh của hoa trắng như tuyết. Đã có rất nhiều hỏi mua với giá cao nhưng anh chưa bán.
4.575 cây bonsai mini độc, lạ đạt kỷ lục thế giới của lão nông Khánh Hòa
Báo Dân Việt phản ánh, ông Nguyễn Văn Phúng (59 tuổi, ở TP. Nha Trang, Khánh Hòa) vừa được Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới thông báo công nhận “Bộ sưu tập bonsai và tiểu cảnh mini có số lượng nhiều nhất thế giới".
Theo ông Phúng, "bộ sưu tập bonsai và tiểu cảnh mi ni có số lượng nhiều nhất thế giới của ông, với 4.575 bonsai, tiểu cảnh bonsai mini" đã phá vỡ kỷ lục của một người ở Ấn Độ sở hữu bộ sưu tập cây bonsai và tiểu cảnh mini cách đây khoảng 2 năm trước (số lượng 3.333 bonsai và tiểu cảnh). Trong số này, có những cây sam hương mini đạt trên 50 năm tuổi. Toàn bộ những cây này được ghép với các vỏ ốc, vỏ sò, các con vật, chum, lọ, chai cũ, bức tượng,… tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn riêng.
Cây me bonsai hình dáng "quái", sanh cổ 'Tứ linh hội tụ' vô giá
Cây me bonsai cổ thụ ở Đồng Nai có hình dáng độc lạ thu hút người xem bởi chiều cao vượt trội, vẻ cổ kính cùng bộ tán khỏe mạnh, cây vừa có quả mà vẫn ra hoa. Cây me này độc đáo ở chỗ có sự khúc khuỷu, u nần cổ kính và có dáng đẹp với hai nhánh chính: một nhánh đâm thẳng lên cao và nhánh còn lại vươn sáng ngang. Cây me này được nhiều người trả giá tiền tỷ nhưng chủ nhân chưa muốn bán.
Một cây sanh cổ được tạo thế theo 4 linh vật nổi tiếng là Long, Lân, Quy, Phượng cũng đang thu hút nhiều người yêu cây. Cây nhìn như một con phượng hoàng đang tung cánh. Điểm nổi bật nhất của cây là phần thân với tạo hình 4 con vật linh thiêng rất rõ nét.
Theo ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội), chủ nhân của cây sanh, đây là một trong những tác phẩm độc nhất vô nhị thuộc dòng sanh Nam Điền, mang tạo hình con vật ở miền Bắc. Tuy chủ nhân không tiết lộ mức giá nhưng giá cây không hề rẻ, lên đến tiền tỷ.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)