Hiểm họa chết người do 'tử thần giấu mặt' trong hầm tàu đánh cá
'Trên thực tế ngư dân hoàn toàn có thể tránh được tình trạng ngạt khí dưới hầm tàu. Nhưng phần lớn do họ chủ quan nên tai nạn vẫn xảy ra', ông Ba Hùng nói.
Nhận diện “tử thần” trên tàu đánh cá
Gần 1 tháng trôi qua, nhưng vụ tai nạn thảm khốc khiến 4 ngư dân tử vong do ngạt khí độc dưới hầm tàu đánh cá ở tỉnh Kiên Giang vẫn là đề tài bàn tán của nhiều ngư dân tại các làng đánh cá. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra hôm 19.11, ở khu vực biển Mũi Rãnh, xã Tây Yên (H.An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, tàu đánh cá số hiệu KG - 95195 TS với 11 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Dư (ngụ P.Vĩnh Hiệp, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm chủ đang di chuyển vào bờ sau nhiều ngày đánh bắt trên biển. Khi tàu vào cách khu vực Mũi Rãnh khoảng 2 hải lý về hướng Tây thì được lực lượng kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát yêu cầu dừng tàu để kiểm tra.
Trong thời gian chờ đợi, 1 ngư dân mở nắp hầm tàu để xuống lấy thực phẩm chuẩn bị bữa cơm cho mọi người thì bất ngờ bị ngạt khí, ngất xỉu trong hầm. Phát hiện sự việc, lần lượt 4 ngư dân leo xuống hầm để cứu bạn, nhưng tất cả đều ngất xỉu vì bị ngạt khí.
Nhận được tin cầu cứu khẩn cấp, lực lượng bộ đội biên phòng của đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cử 5 cán bộ, chiến sĩ dùng canô cao tốc lập tức ra hiện trường, tổ chức cấp cứu cho các nạn nhân. Toàn bộ 5 nạn nhân được sơ cứu và đưa về Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu.
Chuyển cá từ hầm tàu đánh cá ra ngoài là công việc dễ bị tai nạn ngạt khí - Ảnh: Thanh Anh
Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, đã có 4 ngư dân tử vong, gồm: Trương Minh Đức (28 tuổi), Lê Minh Kiều (33 tuổi), Mai Văn Khanh (47 tuổi) - cùng ngụ xã Thạnh Lộc, H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, và Nguyễn Văn Đen (ngụ xã Phi Thông, TP.Rạch Giá, Kiên Giang). Nạn nhân còn lại là Võ Toàn Em (19 tuổi, ngụ H.An Biên, tỉnh Kiên Giang) sức khỏe nguy kịch.
Theo trung tá Cao Công Đoàn, Đồn trưởng đồn Biên phòng Tây Yên, bước đầu xác định cả 5 nạn nhân bị tai nạn do ngạt khí dưới hầm tàu. Còn các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều khả năng các nạn nhân bị ngạt khí Hydro sunfua (H2S). Hydro sulfua là hợp chất khí ở điều kiện nhiệt độ thường, không màu, có mùi như trứng thối. Khí H2S rất độc, bởi trong không khí có lẫn 1 lượng nhỏ chất khí này cũng có thể gây ngộ độc nặng cho người và động vật.
Nhiều khả năng do tàu KG - 95195 TS đi đánh bắt dài ngày trên biển, số lượng cá thu hoạch nhiều, được ướp lâu ngày trong hầm, trong lúc tàu trên đường quay về bờ thì nước đá dưới hầm gần cạn nên không đủ độ lạnh cần thiết để bảo quản cá.
Trong khi đó bên ngoài thời tiết nắng nóng, nên cá có sự phân hủy dẫn đến sinh ra các loại khí độc, gây ra vụ tai nạn thương tâm. Ngoài khí Hydro sufua, cá lưu giữ, bảo quản lâu ngày dưới hầm tàu còn có thể phân hủy sinh ra các loại khí độc khác như CO, Mêtan, lưu huỳnh, Cyanua… làm ngư dân bị ngộ độc.
Phòng ngừa ngạt khí dưới hầm tàu cá bằng cách nào?
Vụ 4 ngư dân thiệt mạng do ngạt khí dưới hầm tàu cá khiến nhiều ngư phủ ở các làng cá miền Tây Nam Bộ bàng hoàng. Ông Trần Văn Hùng (Ba Hùng), ngư dân có hơn 30 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết từ trước đến nay chuyện ngạt khí dưới hầm tàu cá là việc “trời kêu ai nấy dạ”, vì ngư phủ hầu như không được trang bị kiến thức để phòng ngừa tai nạn loại này. Cứ bước xuống hầm, lỡ bị sốc thì đành chịu trận, may mắn thì mới thoát chết nếu có người cứu kịp.
Các cơ quan hữu trách từ trước đến nay cũng chưa hề có khuyến cáo cụ thể cách phòng tránh ngạt khí dưới hầm tàu cá cho ngư dân. Sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, nhiều chuyên gia lại lên tiếng cho rằng, trước khi xuống hầm tàu cá thì ngư dân cần mở nắp hầm cho thông thoáng khoảng 20 - 30 phút hoặc dùng quạt máy thổi xuống hầm cho thoáng khí rồi mới xuống bốc dỡ cá hay lấy thực phẩm. Có người còn đề xuất ngư dân trước khi xuống hầm tàu cá thì phải được trang bị mặt nạ phòng độc, bình dưỡng khí để đảm bảo an toàn.
Tai nạn luôn rình rập nghề ngư phủ, trong đó nguy hiểm nhất là tai nạn ngạt khí độc dưới hầm tàu - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông Hùng, giải pháp mở nắp hầm tàu cá cho thoáng khí 20 - 30 phút trước khi xuống hầm là đơn giản và dễ thực hiện nhất. Nhưng những ngư dân trẻ, thiếu kinh nghiệm đều không biết điều này, cộng thêm sự chủ quan, nên dễ xảy ra tai nạn. Ông Hùng giải thích: 1 tàu đánh cá tùy chiều dài, trọng tải mà được chia ra từ 4 - 7 ngăn hầm riêng biệt. Mỗi ngăn hầm đều có nắp hầm riêng và vách hầm được gia cố giữ lạnh rất tốt.
Trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, toàn bộ thực phẩm tươi sống (các loại rau, củ tươi) đều được ngư dân trữ ở 1 hầm lạnh riêng, chỉ khi nào các hầm lạnh khác đã đầy cá thì mới đến lượt hầm trữ thực phẩm tươi làm nhiệm vụ chứa cá.
“Trên thực tế, ngư dân không thể nào biết được lúc nào dưới hầm tàu cá tồn tại các loại khí độc. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng ngạt khí dưới hầm tàu cá thì việc đầu tiên là mọi người trên tàu phải tìm cách mở rộng nắp hầm tàu, thậm chí có thể phá sàn tàu trên hầm, để đưa càng nhiều không khí sạch xuống hầm càng tốt.
Sau đó mới tổ chức xuống hầm cứu người bị nạn. Nếu không thực hiện việc này thì có đưa bao nhiêu người xuống tiếp cứu cũng đều bị ngạt khí như trường hợp ở Kiên Giang vừa qua”, ông Hùng khuyến cáo.