Hiểm họa chực chờ từ những con đập thủy điện sau thảm họa Kakhovka
Thủy điện là một nguồn năng lượng sạch giá rẻ, nhưng các hồ chứa nước đập thủy điện luôn được ví như một quả bom hẹn giờ, chỉ cần một sự cố nhân tạo hoặc thiên tai đủ lớn là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho dân cư phía hạ du.
Vào lúc 2:50 sáng ngày 6-6, đập Kakhovka ở Ukraine bất ngờ bị vỡ, đe dọa mạng sống của hơn 40.000 người phía hạ lưu. Đây là thảm họa đập thủy điện mới nhất, cho thấy những mối nguy luôn rình rập cùng những con đập thủy điện.
Nguồn năng lượng rẻ, sạch nhưng nguy hiểm
Lợi thế của các đập thủy điện thông thường là khả năng dự trữ nước với chi phí thấp để biến thành điện sạch có giá trị cao. Chi phí trung bình của 1 trạm thủy điện lớn hơn 10 megawatt từ 3-5 cent/kWh. Các nhà máy thủy điện không phải chịu cảnh tăng giá của nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí thiên nhiên hay than đá và không phải nhập nhiên liệu.
Các nhà máy thủy điện cũng có tuổi thọ lớn hơn các nhà máy nhiệt điện, một số nhà máy thủy điện đang hoạt động hiện nay đã được xây dựng 50-100 năm trước. Chi phí nhân công cũng thấp bởi các nhà máy này được tự động hóa cao.
Do các đập thủy điện không sử dụng nhiên liệu nên việc tạo ra điện không tạo ra carbon dioxide. Mặc dù carbon dioxide ban đầu được sản sinh trong quá trình xây dựng dự án, và một số khí mê-tan được thải ra hàng năm bởi các hồ chứa, thủy điện có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất trong các ngành sản xuất điện.
Theo dự án ExternE của Viện Paul Scherrer và Đại học Stuttgart, thủy điện ở châu Âu tạo ra lượng khí nhà kính ít nhất so với bất kỳ nguồn năng lượng nào. Đứng ở vị trí thứ 2 là gió, thứ 3 là năng lượng hạt nhân và thứ 4 là điện mặt trời.
Tuy nhiên, việc xây dựng đập thủy điện đòi hỏi phải thay đổi một diện tích rộng lớn, thường đi đôi với việc phá rừng, xẻ núi… Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Các nghiên cứu đã cho thấy, các đập nước dọc theo bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương ở Bắc Mỹ đã làm giảm lượng cá hồi, vì chúng ngăn cản đường bơi ngược dòng của cá hồi để đẻ trứng. Các turbine cũng làm chết nhiều cá hồi con trên đường ra đại dương.
Các cơ sở đập thủy điện còn phải giữ lại khối lượng nước lớn, nên việc vỡ đập do xây dựng kém, thiên tai hoặc phá hoại có thể là thảm họa cho các khu dân cư, mùa màng và cơ sở hạ tầng.
Trong cơn bão Nina năm 1975, đập Banqiao ở miền Nam Trung Quốc đã bị vỡ, gây ra cái chết của 26.000 người và 145.000 người khác do dịch bệnh. Hàng triệu người bị mất nhà cửa. Hay con đập Dnieper (cũng ở sông Dnieper) bị vỡ năm 1941, làm tử vong khoảng 100.000 thường dân Ukraine, cũng như binh lính Liên Xô.
Thảm họa Kakhovka
Đập Kakhovka nằm trên sông Dnieper (hay Dnipro) ở Kherson Oblast, Ukraine, được xây dựng từ năm 1950. Mục đích chính của đập là sản xuất thủy điện, tưới tiêu và điều hòa giao thông thủy. Đây là con đập thứ 6 và là con đập cuối cùng trong bậc thang các hồ chứa trên sông Dnieper.
Công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Kakhovka 357MW. Hồ chứa của con đập có 18km3 nước, tương đương với Hồ Muối Lớn ở Mỹ. Hồ chứa Kakhovka cung cấp nước để làm mát Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia 5,7GW, là nguồn nước uống và tưới tiêu cho các khu vực phía Nam Ukraine và phía Bắc Crimea, thông qua kênh Bắc Crimea và kênh Dnieper-Kryvyi Rih. Đập bao gồm các kè dài ở cả 2 bên, đập chính rộng 3,2km.
Vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hàng vạn người ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế. Thậm chí, có thể đe dọa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, dẫn tới thảm họa nguyên tử.
Ông Martin Griffiths, Phó tổng Thư ký LHQ
Ngày 24-2-2022, Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Vào giữa tháng 10-2022, có một số tin tức cho rằng Nga có thể đã lên kế hoạch cho nổ con đập để làm chậm cuộc phản công của Ukraine trong khu vực. Và ngày 11-11-2022, một vụ nổ lớn xảy ra trên con đập, được chiếu trên truyền hình. Phần đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy, nhưng con đập không bị hư hại.
Giới chức Nga đã mở thêm các cửa cống, cho phép nước ồ ạt chảy ra khỏi hồ chứa. Cơ quan quản lý quân sự khu vực Zaporizhzhia cho rằng, mục đích của việc này có thể để làm ngập khu vực phía Nam con đập, nhằm ngăn lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper. Đến đầu tháng 11-2022, nước trong hồ chứa Kakhovka giảm xuống mức thấp nhất 30 năm, làm thiếu nguồn nước tưới và nước uống, cũng như các hệ thống làm mát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Nhưng đến tháng 5 năm nay, mực nước trong hồ chứa đạt mức cao nhất lịch sử và có vẻ như đã tràn qua đỉnh đập. Mực nước dâng cao khiến một số ngôi làng lân cận bị ngập lụt. Đến ngày 6-6, một vụ nổ đã gây ra thiệt hại đáng kể cho phần trung tâm của con đập rộng 3,2km, dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở hạ lưu.
Theo Liên hiệp quốc, vụ vỡ đập Kakhova sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc. Con đập bị phá hủy dẫn đến khoảng 40.000 người phải sống trong vùng lũ lụt. Hơn 40 thị trấn và làng mạc khác ở Ukraine bị ngập lụt nghiêm trọng và một lượng lớn gia súc đã chết, là thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, vụ vỡ đập khiến ít nhất 150 tấn dầu từ con đập đã rò rỉ vào sông Dnieper, thiệt hại về môi trường ước tính khoảng 50 triệu EUR.
Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập. Nga cáo buộc Ukraine pháo kích làm vỡ đập, trong khi các quan chức Ukraine cho rằng thảm họa do Nga gây ra. Hiện vẫn không thể xác định bên nào đúng bên nào sai trong vụ vỡ đập Kakhovka.