Hiểm họa từ các phương pháp chữa bệnh thổi phồng trên mạng

Nắm bắt được nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, nhiều đơn vị, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân. Các chiêu thức bán hàng là tung hô, thổi phồng công dụng của sản phẩm, phương pháp chữa bệnh để dẫn dụ khách hàng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiền mất, tật vẫn mang

Thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y" để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Không những thế, một số “nhà thuốc” thổi phồng các loại thuốc gia truyền 3 - 4 đời chữa dứt điểm bệnh tiểu đường, gan B, bệnh nặng mấy cũng khỏi. Chỉ cần để lại số điện thoại, “thần y” sẽ tư vấn miễn phí. Người bệnh được rót vào tai những lời mật ngọt, được động viên không đáng lo vì có “thần dược” đã điều trị khỏi cho rất nhiều người. Chúng đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương”. Người bệnh đâm lao thì phải theo lao; đã trót dùng liệu trình 1 rồi thì phải dùng thêm liệu trình 2, 3 hoặc trong thời gian từ 3 - 6 tháng mới có kết quả. Và kết quả là “tiền mất… tật vẫn mang”.

Thậm chí, chúng còn giả danh một số kênh truyền hình uy tín để lừa người bệnh. Trong phần quảng cáo, chúng gắn phần lô gô của của các kênh truyền hình vào và phát đi nội dung về công dụng loại thuốc chúng muốn bán. Không chỉ lợi dụng nhà đài, chúng còn mượn danh những người nổi tiếng như các chuyên gia đầu ngành, những nghệ sĩ tên tuổi để quảng cáo, khuếch trương sản phẩm.

Trong số này, có những người bị bọn chúng trộm hình ảnh để gắn vào nhưng cũng có người liên kết, tiếp tay lừa người bệnh. Cùng với đó, chúng còn giả danh các bệnh viện lớn, bác sĩ uy tín để lừa người bệnh sử dụng sản phẩm của chúng. Các bệnh viện, bác sĩ đã phải lên tiếng cảnh báo với người bệnh về thủ đoạn của bọn lừa đảo.

Trong một hội thảo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức gần đây, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cũng thông tin, nhiều DN đang có tình trạng “đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo”. Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để “thổi phồng” tác dụng của thực phẩm chức năng.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Ngày 18/1 vừa qua, Bộ Y tế đã ký ban hành văn bản gửi các Bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP về quản lý an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Hơn nữa, tại Điều 11 Luật Quảng cáo quy định rất rõ xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật, thổi phồng công dụng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, so với khoản lợi nhuận khổng lồ mang lại do bán thuốc và thu tiền khám chữa bệnh, các đơn vị, cá nhân quảng cáo trái phép sẵn sàng chấp nhận nộp phạt.

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy nhiên, hình phạt này cũng chưa đủ sức răn đe. Và thực tế, rất ít các trường hợp bị truy tố về tội này.

“Chính vì vậy, thời gian tới, để ngăn chặn được tình trạng này, cần tăng cường mức phạt khi xử lý đối với hành vi quảng cáo gian dối. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử lý đối với người đại diện thương hiệu, người đóng vai, người kinh doanh quảng cáo, người đăng tải quảng cáo trong các video quảng cáo được xác định là vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp hiệu quả hơn, tăng cường quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hiem-hoa-tu-cac-phuong-phap-chua-benh-thoi-phong-tren-mang.html