Hiểm họa từ rác thải nhựa ven biển

Nam Định có 4 con sông lớn đổ ra biển là sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Những năm qua, cùng với lượng lớn rác thải từ các dòng sông đổ ra biển, rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới sự sống của các loài sinh vật biển, gây tác động xấu đến phát triển kinh tế của người dân ven biển. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Nam Định có 4 con sông lớn đổ ra biển là sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Những năm qua, cùng với lượng lớn rác thải từ các dòng sông đổ ra biển, rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới sự sống của các loài sinh vật biển, gây tác động xấu đến phát triển kinh tế của người dân ven biển. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ thói quen xấu xả rác bừa bãi, không có ý thức bảo vệ môi trường gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Vì thế dẫn đến việc hầu hết lượng rác thải từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải hóa học độc hại hay rác thải... theo cống ngầm, sông, ngòi đổ ra biển. Những chất thải từ tàu lưu thông trên biển cũng là một trong số nguyên nhân đe dọa đến hệ sinh thái dưới lòng đại dương. Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, bão khiến đồ đạc, vật dụng bằng nhựa từ đất liền bị cuốn xuống biển. Một trong những địa điểm rác thải thường xuyên dồn đến là khu vực bến cá Giao Hải, xã Giao Hải (Giao Thủy). Tại đây, mỗi ngày có 2 phiên họp chợ trao đổi, mua bán thủy hải sản. Sau mỗi phiên chợ lại có rất nhiều túi nilon, vỏ chai… nhựa bị bỏ lại. Bên cạnh đó, chất thải rắn từ nhiều nơi bị sóng biển, mưa, bão cuốn vào nên khu vực này thời gian gần đây có rất nhiều rác thải.

Học sinh, sinh viên và các tình nguyện viên tham gia làm sạch bãi biển khu vực bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).

Học sinh, sinh viên và các tình nguyện viên tham gia làm sạch bãi biển khu vực bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).

Hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới năm 2022, tháng 6 vừa qua, các cơ quan, đơn vị gồm: Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường khu vực phía Bắc, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Huyện Đoàn Giao Thủy, UBND xã Giao Hải, Chi đoàn Báo Nam Định đã phối hợp tổ chức các hoạt động trưng bày một số hình ảnh về tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường biển cho học sinh và người dân địa phương; làm sạch bãi biển khu vực bến cá xã Giao Hải, tìm hiểu về tài nguyên môi trường biển tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”, “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, hoạt động trên đã thu hút gần 300 tình nguyện viên gồm đoàn viên từ các đơn vị phối hợp tổ chức và giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và học sinh Trường THCS xã Giao Hải. Sau lễ phát động, các tình nguyện viên đã thu gom được hàng tấn rác thải, chủ yếu là các bao nilon, vỏ lon chai và một số loại rác thải rắn… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế vùng ven biển không ngừng gia tăng qua các năm. Chất thải rắn không được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng chất lượng nước biển, đời sống dân cư vùng ven biển và gây thiệt hại cho những ngành kinh tế gắn với biển. Vì vậy, hoạt động thu gom, xử lý chất thải cần được quan tâm và đầu tư”. Qua hoạt động làm sạch bãi biển, các đoàn viên, thanh niên cũng đã kết hợp tuyên truyền cho người dân ý thức giữ gìn bãi biển xanh - sạch - đẹp.

Ngoài ra, trong tháng 7 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường về phương pháp, quy trình, thực hành của Việt Nam và quốc tế trong đánh giá và giám sát rác thải biển tại Nam Định theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng; làm tắc nghẽn cống, rãnh, ao, hồ, sông ngòi; gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu rác thải nhựa được đem đi đốt không đúng quy định sẽ tạo ra khí thải có chất gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người... Không những thế các chất độc còn tồn dư trong rác thải nhựa có thể ngấm ngược trở lại vào nguồn nước, đất đai gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc lượng rác thải quá lớn trôi nổi trên biển sẽ gây trở ngại lớn cho các hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển và khai thác du lịch.

Để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra cho môi trường, thông qua các đợt tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự nâng cao ý thức cá nhân, phân loại và vứt rác đúng nơi quy định, không xả thải rác bừa bãi ra môi trường nhất là sông ngòi, ao, hồ,... Cùng với đó, để giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường khi đi du lịch, nhất là du lịch biển, mỗi người cần tự nâng cao ý thức chung tay giữ sạch bãi biển, bảo vệ môi trường. Việc duy trì một lối sống xanh, lành mạnh hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng là một cách để hạn chế một lượng lớn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm.

Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tuyên truyền để phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm thiểu được 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển trên địa bàn tỉnh; thu gom 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; Vườn quốc gia Xuân Thủy không còn rác thải nhựa; thực hiện việc quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa tại khu vực cửa sông ven biển trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202208/hiem-hoa-tu-rac-thai-nhua-ven-bien-2552456/