Hiểm họa từ việc chứa vật liệu dễ cháy tại nơi ở và sản xuất, kinh doanh

Chỉ trong thời gian ngắn, nhất là từ tháng 7 đến nay, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đây là hồi chuông cảnh báo để mọi người cảnh giác, lưu ý khi chứa các vật liệu dễ cháy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra.

Nhiều vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra

Khoảng 1 giờ sáng 13-8, hai căn nhà số 32 và 34 kinh doanh bánh Pizza, mì cay trên đường Nguyễn Trãi, P.Mỹ Long (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) xảy ra cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC&CNCH) Công an (CA) tỉnh An Giang đã huy động 3 xe chữa cháy, 20 cán bộ chiến sĩ (CBCS) xuống hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng và người dân địa phương dập lửa, vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng.

Trước đó, 23 giờ 55 phút ngày 12-8 xảy ra cháy tại Tổng công ty thủy sản Việt Nam (số 2-4-6 Đồng Khởi, P.Bến Nghé, Q1, TPHCM). Cơ quan chức năng đã điều Đội CSPCCC&CNCH - CA Q1 và Đội CSPCCC&CNCH khu vực 1 - Phòng CSPCCC&CNCH CATPHCM đến dập lửa. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều bàn ghế, vật dụng sinh hoạt... trong diện tích 100m2.

Cũng tại TPHCM, từ ngày 28-7 đến 09-8 xảy ra nhiều vụ cháy lớn: cháy tầng 3 nhà số 172 Võ Văn Kiệt (P.Cầu Ông Lãnh, Q1) do tia lửa điện văng ra từ việc hàn xì của nhóm công nhân sửa chữa quán cà phê ở nhà bên cạnh; vụ cháy căn nhà 4 tầng trên đường Đông Lân, ấp Hậu Lân (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) vào sáng 04-8; cháy xưởng vải hơn 500m2 trên đường Thiên Quang (xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) chiều 28-7..., gây thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng, chiều 07-8 người dân địa phương bỗng nghe tiếng nổ lớn kèm khói nghi ngút từ tầng 2 nhà số 459 Trưng Nữ Vương (P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu). Vụ cháy không chỉ thiêu rụi nhiều tài sản mà còn cướp đi sinh mạng của 3 người trong gia đình gồm bà N.T.H.L (49 tuổi) và 2 con trai là Đ.Q.P (14 tuổi), Đ.Q.T (11 tuổi).

Đêm 13-8, hai căn nhà số 32 và 34 đường Nguyễn Trãi, P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang bị ngọn lửa thiêu rụi

Đêm 13-8, hai căn nhà số 32 và 34 đường Nguyễn Trãi, P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang bị ngọn lửa thiêu rụi

Hiểm họa từ vật liệu dễ cháy

Những ngày qua, dư luận cả nước không khỏi xót xa trước hình ảnh vợ và hai đứa con của anh Đặng Đình Hùng (SN 1984, ngụ đường Trần Quốc Thảo, P.Đài Sơn, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) tử vong trong vụ cháy xảy ra lúc 9 giờ 30 sáng 13-8. Căn nhà trên được gia đình dùng để ở kết hợp làm kho chứa các vật liệu dễ cháy như: đồ gia dụng, thảm vải, nhựa nên công tác dập lửa gặp không ít khó khăn. 13 giờ 30 cùng ngày, lực lượng CSPCCC&CHCN - CA tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trung đoàn Không quân 937, Đội PCCC khu vực Ninh Sơn - Bác Ái huy động hơn 100 CBCS cùng nhiều phương tiện đã khống chế được ngọn lửa. Đến 9 giờ 30 sáng 14-8, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể ba mẹ con chị H. trong đống đổ nát.

Cũng trong sáng 13-8, nhà của một hộ dân ở khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) bất ngờ bốc cháy. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Q.Hoàng Mai đã điều CBCS và 2 xe chữa cháy phối hợp với lực lượng CNCH thuộc Trung tâm chữa cháy KV5 - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP.Hà Nội đến dập lửa. Được biết, ngôi nhà này chủ nhân cho thuê làm văn phòng, việc sắp xếp đồ dùng, thiết bị không được ngăn nắp, xung quanh các khoảng sân thoáng đã bị người thuê làm kho chứa đồ đạc dễ cháy như: vật dụng bằng nhựa, thùng giấy...

Sáng 08-8 xảy ra cháy tại khu nhà xưởng gần 5.000m2 sản xuất linh kiện điện tử của một Công ty Đài Loan (Trung Quốc) thuộc lô 13, trong Khu công nghiệp Quang Minh thuộc H.Mê Linh (Hà Nội). Sau đó ngọn lửa lan nhanh, bùng cháy dữ dội, khói đen bay mù trời. Nhận được tin báo, lực lượng PCCC&CNCH nhanh chóng đến hiện trường để dập lửa.

Vụ cháy tại nhà số 4/17A Trần Quốc Thảo, P.Đài Sơn, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Vụ cháy tại nhà số 4/17A Trần Quốc Thảo, P.Đài Sơn, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Quan sát nhiều vụ cháy xảy ra gần đây cho thấy, ngoài một số nguyên nhân khách quan như thời tiết nắng nóng, việc người dân, công ty chứa các vật liệu dễ cháy như: đồ nhựa, linh kiện điện tử, keo, vàng mã, hộp giấy... rất dễ bị "bà hỏa" viếng thăm.

Giải pháp phòng cháy chữa cháy

Trước tình hình cháy nổ phức tạp, Phòng CSPCCC&CNCH - Công an TPHCM khuyến cáo người dân: không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy quanh và tại nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, các chất lỏng dễ cháy trong nhà, nếu cần để ở khu vực riêng biệt tránh đổ vỡ...; để ôtô, xe máy, các phương tiện có xăng dầu, chất dễ cháy cách xa bếp đun nấu, nguồn nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường trần, vách ngăn, hạn chế cháy lan; không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm; phải lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, nhánh, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, dây dẫn, ổ cắm, thiết bị điện...

Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy... phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người khuyết tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, sử dụng vật liệu không cháy; hạn chế để tối đa vàng mã, hương nến trên bàn thờ; chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi...

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, đun nấu xong phải tắt bếp, khóa van gas. Thường xuyên đổ bấc, lau chùi sạch sẽ khi sử dụng bếp dầu; tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu, khi đun phải có người trông coi. Trước khi rời khỏi nhà hoặc đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết.

Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng, trường hợp đã làm thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt, dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt, không nên sử dụng khóa.

Nhà có người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá vỡ để tạo lối thoát; không bố trí đồ vật cản trở lối, cửa thoát nạn.

Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ chữa cháy và người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho CSPCCC&CNCH, số máy 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, CA xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Công an TPHCM: Bế giảng lớp huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày 16-8, Công an TPHCM tổ chức lễ bế giảng khóa huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CC&CNCH) đối với chiến sĩ nghĩa vụ khóa CS25. Tham dự có Thượng tá Đỗ Văn Kháng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM (CATP) và đại diện lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ liên quan.

Khóa huấn luyện nghiệp vụ trên diễn ra từ ngày 19-7 đến hết 15-8-2022 tại Đội Công tác CC&CNCH thuộc Phòng CSPCCC&CNCH CATP. Trong đó, thời gian huấn luyện gồm 17 ngày, kiểm tra trong vòng 4 ngày. Tham gia huấn luyện gồm 156 chiến sĩ nghĩa vụ khóa CS25 của các đội trực thuộc Phòng CSPCCC&CNCH CATP và các Đội CSPCCC&CNCH thuộc CA các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Các chiến sĩ nghĩa vụ khóa CS25 tham gia huấn luyện thực hành trong buổi bế giảng

Các chiến sĩ nghĩa vụ khóa CS25 tham gia huấn luyện thực hành trong buổi bế giảng

Trong khuôn khổ lớp huấn luyện, các chiến sĩ sẽ được học lý thuyết về các vấn đề liên quan đến công tác CC&CNCH và tham gia thực hành 10 nội dung cơ bản để củng cố kiến thức, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Cụ thể, các nội dung thực hành gồm: sử dụng (SD) quần áo, bảo hộ cá nhân trong CC&CNCH; SD bộ mặt nạ phòng độc cách ly; SD lăng, vòi chữa cháy; SD bộ thiết bị banh cắt thủy lực; SD thang 2, thang 3 trong CC&CNCH; SD dây CNCH và một số dụng cụ, thiết bị cơ bản kết hợp với dây trong chiến đấu; SD phương tiện cầm tay phục vụ công tác CC&CNCH (thiết bị cưa, cắt, đục gỗ, kim loại, bê-tông...); giới thiệu phương tiện CC&CNCH cơ giới (sắp xếp phương tiện trên xe, lưu ý an toàn khi lấy dụng cụ, phương tiện từ các ngăn; SD phương tiện gắn trên xe); SD thiết bị thông tin liên lạc trong công tác CC&CNCH; kỹ thuật triển khai các đội hình CC&CNCH cơ bản; kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.

Theo đó, sau khi tham gia huấn luyện và kiểm tra đạt các nội dung theo yêu cầu, các chiến sĩ này sẽ được đưa vào thường trực sẵn sàng CC&CNCH.

PHÙ SA

Hải Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hiem-hoa-tu-viec-chua-vat-lieu-de-chay-tai-noi-o-va-san-xuat-kinh-doanh_135629.html