Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài 2): Sự trợ lực kịp thời gỡ khó cho ngành chăn nuôi
Không nằm ngoài khó khăn chung của cả nước, chăn nuôi ở Thanh Hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dịch bệnh đe dọa... nhất là giá sản phẩm thấp đã tạo ra áp lực lớn đối với người chăn nuôi. Nhưng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng định hướng phát triển chăn nuôi đã đề ra, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tất yếu phải thay đổi để thích ứng, kịp thời bước vào chu kỳ sản xuất mới để phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Trang trại chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, quy mô 20 dãy chuồng, công suất 2,4 triệu con/năm.
Từ những nghị quyết, chính sách, cơ chế hỗ trợ...
Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, được áp dụng linh hoạt trong từng thời điểm, phù hợp với mỗi địa phương. Từ đó, đã tạo động lực, thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.
Năm 2011, Quyết định 271/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh có thể xem là “cú hích” lớn cho phát triển của ngành chăn nuôi, với 135,4 tỷ đồng đã được trích từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ chăn nuôi, đã có 575 trang trại chăn nuôi được xây dựng hình thành tư duy phát triển cho người dân và mở ra hướng phát triển hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 2016 đến nay, các nghị quyết, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp đã được tỉnh Thanh Hóa ban hành, triển khai thực hiện và bước đầu mang lại những kết quả tích cực, như: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 về tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tích tụ tập trung 9 nghìn ha để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/12/2021 về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, trong đó, hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung 2 tỷ đồng/khu đối với miền xuôi, 3 tỷ đồng/khu đối với miền núi... Đồng thời, tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn...
"Đòn bẩy" vượt qua khó khăn
Từ sự hỗ trợ kịp thời đó, xu hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo mô hình trang trại đang mang đến những kỳ vọng mới, các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân trong và ngoài tỉnh như “tiếp thêm sức mạnh” để đầu tư xây dựng các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với những dây chuyền hiện đại đã, đang và sẽ đi vào hoạt động, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Là một trong những doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Nga Giáp (Nga Sơn), Công ty TNHH Nông trang xanh Tâm Thạnh đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn với tổng đàn 30 con lợn nái và 300 con lợn thương phẩm. Bà Mai Thị Tâm, phó giám đốc công ty, cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương về quỹ đất và các thủ tục hành chính liên quan, công ty đã đầu tư xây dựng chuồng trại, máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo quy trình VietGAP; đồng thời hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cho 25 bếp ăn tập thể.
Cũng theo bà Tâm, việc đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn ở thời điểm dịch bệnh trên đàn lợn đang đe dọa cùng giá sản phẩm thấp là vô cùng mạo hiểm. Tuy nhiên, quản lý trang trại nghiêm ngặt cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ là “nền móng” để phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thể không nhắc đến “làn sóng” đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Newhope... Đó là những tín hiệu tích cực, phát huy những tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động... của các địa phương. Song song với đó, các chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ lợn, gia cầm, trâu, bò cũng dần được hình thành và phát triển tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống... đã mở ra hướng đi mới trong điều kiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn.
Ngọc Lặc là một trong những huyện thu hút được nhiều dự án chăn nuôi lớn như Tập đoàn Xuân Thiện với khu sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao đã được chấp thuận chủ trương 5 dự án; Công ty TNHH New Hope Singapore đầu tư dự án trang trại chăn nuôi tại xã Đồng Thịnh... Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư, huyện cũng đã triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Từ những giải pháp tích cực, đến nay huyện Ngọc Lặc đã hình thành nhiều trang trại sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi công nghệ cao tại xã Minh Tiến của Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân; trang trại chăn nuôi gà tại xã Lam Sơn của Công ty CP Nông sản Phú Gia... đã và đang góp phần mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi công nghệ cao mà tỉnh cũng như huyện Ngọc Lặc đang hướng tới.
Ông Lương Xuân Vũ, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song có thể nói, với những cơ chế, chính sách của tỉnh đã được ban hành, áp dụng trong thời gian qua chính là “đòn bẩy” để người chăn nuôi tự tin đầu tư phát triển, đóng góp quan trọng nâng cao giá trị ngành nông nghiệp toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành ước đạt 5,7%, cao sơn so với kế hoạch 5%; các sản phẩm chăn nuôi đều có xu hướng tăng khá và không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tăng trưởng về tổng đàn, giá trị kinh tế, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi... đã góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Những dự án lớn đã và đang được khởi động chính là tín hiệu tích cực đánh thức, phát huy những tiềm năng, lợi thế về đất đai, con người, giải quyết việc làm cho người lao động... tại các địa phương. Từ đó, mở ra những kỳ vọng mới về nền sản xuất chăn nuôi hiện đại, văn minh và hiệu quả cao.