Hiện đại, khách quan nhưng phải đúng bản chất của thuế gián thu

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Tránh quy định quá cụ thể làm mất tính khách quan của sắc thuế

Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, Luật Thuế giá trị gia tăng là đạo luật tác động sâu rộng tới toàn xã hội, mọi người, mọi nhà; do đó, Việt Nam cần có một sắc thuế thực sự hiện đại, khách quan nhưng cũng phải đúng bản chất của thuế gián thu.

Thuế giá trị gia tăng khác với các loại thuế khác vì đạo luật này cần có những “đường ray” để các quy định có tính khách quan. Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, những nội dung trong dự thảo Luật cần hướng tới sự phổ quát, không đi vào trực tiếp đối tượng nào để tránh việc quy định quá cụ thể làm mất tính khách quan của loại thuế này.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến chính sách thuế giá trị gia tăng đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) nêu rõ, theo định hướng chính sách, sản phẩm nông nghiệp sơ chế là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống để bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội nên được hỗ trợ phát triển, nguyên tắc chung của thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu.

Tuy nhiên, thuế giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế chưa thống nhất tại các khâu nên vô hình chung 2 lần thuế giá trị gia tăng được ghi nhận vào giá thành, làm tăng giá sản phẩm nông nghiệp sơ chế, chưa bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội. “Đây là một trong những tồn tại nhiều bất cập và chưa được tháo gỡ tại dự thảo Luật thuế sửa đổi lần này”, đại biểu Tráng A Dương chỉ rõ.

ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo quy định hiện hành, tại khâu sản xuất, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi phải ghi nhận toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào thành chi phí. Tại khâu sơ chế, tổ chức mua sản phẩm nông nghiệp để sơ chế và bán cho tổ chức khâu thương mại thì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không thể khấu trừ, không thể hoàn và cũng không thể ghi chi phí nên liên tục tích lũy tăng thêm dẫn đến tồn đọng dòng tiền kéo dài, gia tăng chi phí sử dụng vốn. Tại khâu kinh doanh thương mại thì tổ chức kinh doanh thương mại chịu thuế giá trị gia tăng 5% khi bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế và cộng vào giá thành sản phẩm.

"Như vậy, trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế đang áp dụng 3 loại thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau tại mỗi khâu, bao gồm: loại không chịu thuế tại khâu sản xuất; loại không phải tính, nộp thuế tại khâu sơ chế; loại thuế suất 5% ở khâu thương mại bán ra. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc chung của thuế giá trị gia tăng, tức là xác định một loại thuế giá trị gia tăng áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp sơ chế thống nhất ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại", đại biểu Tráng A Dương chỉ rõ.

Cần giảm bớt các khâu trung gian thu - hoàn thuế

Trên cơ sở đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị, cần áp dụng thống nhất theo đối tượng không chịu thuế tại tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại. Như vậy, chỉ thuế giá trị gia tăng đầu vào thực tế phát sinh tại khâu sản xuất, sơ chế được ghi nhận vào giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế, thuế giá trị gia tăng 5% ở khâu thương mại không còn phát sinh nên không làm tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu phân tích, nếu áp dụng 5% đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu là chưa phù hợp, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia chuỗi. Cá nhân, hộ kinh doanh chịu thêm 2% thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên doanh thu và ghi nhận vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng đầu ra và ghi vào giá thành sản phẩm do nhiều đầu vào của sản phẩm nông nghiệp sơ chế không có thuế giá trị gia tăng, như: con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, tiền thuê đất, lương nhân công... nên thuế giá trị gia tăng đầu vào rất hạn chế.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, nếu áp dụng theo phương án không chịu thuế sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế, bảo đảm định hướng an sinh xã hội cho sản phẩm thiết yếu và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến hoàn thuế đầu vào cho các tổ chức, hợp tác xã thu mua nông sản chưa qua chế biến, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, bản chất sâu xa của hoàn thuế là không thu thuế giá trị gia tăng ở một số khâu trung gian.

Nêu thực tế thuế giá trị gia tăng sẽ thu rồi khấu trừ rồi hoàn lại, đại biểu Trần Văn Lâm chỉ rõ, điều này rất phức tạp và gây tốn kém chi phí; càng tiến hành nhiều hoạt động thu - chi - hoàn thuế thì càng tăng nguy cơ phát sinh các trường hợp sai phạm, lạm dụng, chiếm dụng thuế.

Do đó, nếu giảm bớt được các khâu trung gian thu - hoàn thuế thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn, giúp tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ gian lận thuế, thất thoát thuế. Theo đại biểu, đây cũng sẽ là bước cách mạng lớn để giải quyết mặt hạn chế của thuế giá trị gia tăng là “cứ thu rồi hoàn, lặp lại nhiều quy trình gây tốn kém, phức tạp”.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/hien-dai-khach-quan-nhung-phai-dung-ban-chat-cua-thue-gian-thu-i386271/