Hiến kế cho du lịch An Giang

Từ năm 2020, lượng du khách đến An Giang có thể vượt qua cột mốc 10 triệu lượt người mỗi năm. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh. Đây được xem là cơ hội 'vàng' để khai thác thế mạnh du lịch (DL). Điều quan trọng là cần tính toán chiến lược để thu hút khách tốt hơn, giữ chân khách lâu hơn và khách chấp nhận chi tiêu nhiều hơn.

Những lợi thế đặc thù

Giữ vai trò đứng đầu nhóm nghiên cứu Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững”, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, An Giang có rất nhiều tài nguyên DL, tiêu biểu như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, lễ hội đua bò Bảy Núi, làng Chăm (Châu Giang, Đa Phước, búng Bình Thiên)... Du khách cũng có thể tham quan các chợ, trung tâm thương mại tại khu vực cửa khẩu và các chợ biên giới, trải nghiệm văn hóa chợ nổi Long Xuyên, làng bè Châu Đốc hay tham quan 29 làng nghề truyền thống…

Các bạn trẻ thích thú với hồ Tà Pạ (Tri Tôn)

Theo đánh giá của TS Vũ Thành Tự Anh, với nền tảng tài nguyên DL phong phú và sự đa dạng về văn hóa, An Giang có thế mạnh về DL tâm linh, DL văn hóa và DL trải nghiệm. Đối với DL tâm linh, lễ hội có tầm ảnh hưởng mạnh nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Trải qua một thời gian dài, lễ hội ngày càng có sức sống và lan tỏa rộng rãi trong cả nước. Bên cạnh đó, còn có vùng tâm linh Bảy Núi, văn hóa truyền thống các dân tộc. Tuy nhiên, dù thu hút đông khách nhưng DL tâm linh chủ yếu dừng lại ở các hoạt động tham quan, tín ngưỡng, thời gian lưu trú ngắn nên khả năng tạo nguồn thu cho người dân và ngân sách địa phương chưa nhiều.

Cùng với DL tâm linh, các địa điểm DL văn hóa cũng là một thế mạnh của DL An Giang. Ở Việt Nam, trong 3 nền văn hóa cổ, đại diện cho 3 vùng, miền Bắc, Trung, Nam gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo thì An Giang là nơi duy nhất vẫn còn lưu lại dấu tích nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam ở phía Nam. Những dân tộc di cư đến An Giang sinh sống từ những ngày đầu hoang sơ cũng tạo thành nét văn hóa đặc trưng, điển hình. An Giang còn có nền văn hóa sông nước (đặc thù của ĐBSCL). “Đặc điểm văn hóa quý giá, đa dạng và độc đáo khiến hoạt động DL văn hóa An Giang là một thế mạnh có tính cạnh tranh” - TS Tự Anh nhận xét.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cách thu hoạch lúa đặc sản Khmer

Nói đến văn hóa sông nước, vườn cây trĩu quả, chợ nổi trên sông, người ta có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, nhưng khi nói đến nền văn hóa cổ Óc Eo và văn hóa thuần túy của các dân tộc thiểu số phía Tây Nam Bộ thì chỉ một số tỉnh như An Giang còn lưu giữ. Tỉnh có thể tái hiện lại con đường văn hóa Óc Eo, xây dựng câu chuyện về nền văn hóa này để du khách trải nghiệm, khám phá giá trị, từ đó tạo đột phá và tính hấp dẫn riêng cho DL An Giang. Đối với văn hóa dân tộc (kiến trúc văn hóa chùa Khmer, hội đua bò Bảy Núi, các ngôi làng Chăm, các làng nghề truyền thống dọc sông Tiền, sông Hậu), cần được tổ chức chuyên nghiệp, thiết kế được sản phẩm cụ thể để du khách tham gia.

Đối với DL trải nghiệm hay DL cộng đồng (homestay), tuy mới hình thành chưa lâu nhưng cho thấy tiềm năng phát triển lớn. Tham gia loại hình này, du khách có cơ hội được ăn, ngủ, sinh hoạt và làm việc cùng người bản địa để có những trải nghiệm thú vị, có cơ hội tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân tại địa điểm DL. An Giang hội đủ các yếu tố đầu vào cơ bản để phát triển loại hình DL trải nghiệm. Trong đó, công trình kiến trúc nhà sàn là một nét đẹp có khả năng thu hút du khách yêu thích trải nghiệm trong một không gian sống cổ xưa và phù hợp với văn hóa mùa nước nổi vùng ĐBSCL. Tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), trung bình mỗi hộ khai thác DL homestay dựa trên lợi thế nhà sàn tiếp nhận khoảng 100 khách/năm, mà 2/3 trong số đó là người nước ngoài (đông nhất là du khách Pháp và Thụy Sĩ). Nếu có sự chủ động trong quảng bá, kết nối, loại hình này sẽ thu hút rất đông khách quốc tế. Đối với văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer và Chăm, là lợi thế để khai thác DL trải nghiệm, giúp bà con cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp kết hợp với các công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo cũng cần quan tâm. Cần phát triển các dịch vụ tốt để du khách lưu lại, nghỉ dưỡng, sống chan hòa cùng cảnh đẹp thiên nhiên như: núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… và thưởng thức những đặc sản bản địa đặc trưng.

Khắc phục tính mùa vụ

Để khắc phục tính mùa vụ, TS Vũ Thành Tự Anh đề xuất tỉnh cần khai thác tối đa các khoảng thời gian trống trong năm bằng các sự kiện, chương trình, lễ hội mà hiện tại chưa khai thác. Theo đó, trong khoảng thời gian 5 tháng đầu năm là thời điểm thu hút du khách đổ dồn đến Châu Đốc, tham gia các hoạt động DL tâm linh tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Trong khoảng thời gian này, việc hình thành các tour, tuyến để du khách trước hoặc sau khi viếng bà có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm các sản phẩm DL khác như: rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, làng bè Châu Đốc, làng nghề người Chăm, Khmer… Thời điểm sau vía bà và trước mùa nước nổi, có thể tái hiện các con đường dịch chuyển văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng để du khách tìm hiểu, khám phá. Trong khi đó, 6 tháng cuối năm là khoảng thời gian của mùa nước nổi, là lúc thiên nhiên và sản vật An Giang trở nên giàu đẹp và phong phú hơn. Thời điểm này có thể tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc, không trùng lắp là phù hợp để thu hút du khách tham gia vào các chương trình DL sinh thái, văn hóa đặc thù.

Bên cạnh các tài nguyên và sản phẩm DL cốt lõi, sản phẩm DL không thể bỏ qua là các món ăn và đặc sản địa phương. Cùng với đó, hệ thống nhà hàng và dịch vụ ăn uống, hệ thống khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ là các nhu cầu thiết yếu của khách DL. Những món ngon, nổi tiếng cần phải được quảng bá, nâng tầm giá trị và phục vụ chuyên nghiệp hơn như: bò Bảy Núi, bánh xèo rau rừng núi Cấm, bún cá Long Xuyên, gà đốt lá chúc (Tri Tôn), bánh bò Tân Châu… Vào mùa nước nổi, những món ngon từ cá linh trở thành thương hiệu cho An Giang. Tại tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đặc trưng mà khách có thể mua về làm quà tặng cho người thân hoặc lưu lại kỷ niệm sau chuyến đi như: đường thốt nốt, khô cá tra phồng, cá linh kho mía, tung lò mò (lạp xưởng bò), các loại mắm… hay các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: vải thổ cẩm, khăn ma rơ ta, nón lá… “Cần hình thành được hệ thống nhà hàng, quán ăn có uy tín, tạo thành thương hiệu lớn, đáng tin cậy để du khách có thể lựa chọn thưởng thức DL ẩm thực ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với nhóm du khách cao cấp. Đối với sản phẩm đặc sản, cần có hệ thống cửa hàng cung ứng chuyên nghiệp kết hợp với tái hiện quy trình sản xuất để khách tham quan, trải nghiệm” - TS Vũ Thành Tự Anh gợi ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hien-ke-cho-du-lich-an-giang-a264174.html