Hiến kế để dẹp vấn nạn bán SGK 'bia kèm lạc', 'bia ít lạc nhiều'

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, muốn cấm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, cần phải phân định và quy rõ trách nhiệm đối với các bên liên quan.

Đầu tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Chỉ thị, các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Những năm qua, yêu cầu không được bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bài tập đều đã được phổ biến tới các địa phương, các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấm nhưng không thể quản dẫn tới tình trạng một số trường học vẫn xảy ra tình trạng bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục thông tin tới bạn đọc thời gian gần đây,

Vậy làm sao để chấm dứt thực trạng bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” trong nhà trường hiện nay?

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bán sách giáo khoa kèm theo sách bài tập, sách tham khảo là không phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam, trong khi nhiều phụ huynh vẫn đang lo lắng từng khoản chi tiêu, lo lắng vấn đề kinh tế trong gia đình.

Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện giảm tải chương trình giáo dục, việc có quá nhiều sách bài tập, sách tham khảo có thể làm tăng thêm gánh nặng, áp lực học tập cho học sinh.

Với học sinh, các em không xác định được đâu là nội dung chính yếu, đâu là phần học thêm; nhiều phụ huynh cũng không thể hướng dẫn con cái học tập, chính vì thế, nếu không dựa vào năng lực của học sinh mà buộc mua sách giáo khoa lẫn sách tham khảo sẽ dẫn tới việc quá tải, áp lực trong học tập.

Thêm một vấn đề nữa là hiện nay, một số cơ sở đang lợi dụng việc học sinh mua sách giáo khoa để kinh doanh, tức là đang đặt nặng vấn đề thương mại trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Đây là một điều không thể chấp nhận.

“Việc mua bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc" phải nói đến lợi ích của nhà xuất bản, nhà trường, phụ huynh và học sinh, nhưng lợi ích giữa các bên đang không có sự ăn khớp với nhau.

Vậy liệu rằng chúng ta đã vì học trò hay chưa? Hay người học đang bị biến thành “con tin” của việc kinh doanh, buôn bán sách", Tiến sĩ Nhưỡng nêu quan điểm.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, khi đã ban hành chỉ thị cấm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bài tập thì phải phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan để thực hiện một cách nghiêm túc.

Bộ cần có chỉ đạo sát sao, phối hợp với các địa phương để thực hiện một cách nghiêm túc. Khi đó, từng địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước Thủ tướng và trước Chính phủ.

Phân định rõ trách nhiệm của các bên thì vấn đề sẽ được xử lý, trong một vụ việc nếu để xảy ra sai phạm, vai trò trách nhiệm của các bên đến đâu thì xử lý đến đó, không ai được đổ lỗi cho ai.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những nơi để xảy ra sai phạm thì chúng ta sẽ dẹp được vấn nạn bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bài tập.

Xây dựng tủ sách dùng chung trong nhà trường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, bên cạnh việc cấm bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” thì rất cần có giải pháp để thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng sách giáo khoa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Cụ thể, cần xây dựng một tủ sách dùng chung trong nhà trường với các bộ sách giáo khoa để cho học sinh mượn học, cuối năm học sinh trả lại để các khóa sau tiếp tục sử dụng.

Riêng với sách bài tập, sách tham khảo, học sinh nào có điều kiện và có nhu cầu sử dụng sẽ đăng ký mua.

Bằng cách làm này, sẽ giúp tiết kiệm trong xã hội, tránh xảy ra sự lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa.

Vậy làm sao để xây dựng được một tủ sách dùng chung? Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, ngân sách cho giáo dục cần có một khoản để xây dựng tủ sách này trong các trường học.

Bên cạnh đó, cần vận động học sinh, phụ huynh mang sách đã sử dụng ủng hộ vào tủ sách của nhà trường.

Nếu không làm được việc này, mỗi năm, một lượng lớn sách giáo khoa có thể trở thành giấy vụn, đây là một sự lãng phí vô cùng lớn.

“Khi học sinh mượn sách của nhà trường, chúng ta còn giáo dục các em ý thức gìn giữ, bảo vệ của công, rèn luyện đạo đức, lối sống tiết kiệm cho học sinh từ khi còn nhỏ.

Hơn nữa, khi có tủ sách dùng chung, học sinh sẽ không cần phải mang quá nhiều sách vở đi học, đến trường các em mượn sách để học và chỉ mang những cuốn sách cần thiết để học tập ở nhà.

Tôi tin rằng, xét về phương diện lợi ích kinh tế, đây sẽ là giải pháp được xã hội, được các phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Còn như hiện nay, việc mua bán, phân phối sách giáo khoa qua các khâu trung gian cũng là nguyên nhân dẫn tới những vấn đề tiêu cực”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hien-ke-de-dep-van-nan-ban-sgk-bia-kem-lac-bia-it-lac-nhieu-post227552.gd