Hiến kế giải pháp thực hiện Nghị quyết thí điểm về nhà ở xã hội
Tại hội thảo 'Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội' do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều 27/5, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp để sớm đưa chính sách đi vào thực tế.
Nhiều giải pháp để sớm đưa chính sách đi vào thực tế
Phát biểu tại hội thảo, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vẫn còn những vướng mắc như kéo dài thời gian thẩm định, gây khó khăn cho chủ đầu tư do phải thực hiện thẩm định giá 2 lần, không chủ động được phương án kinh doanh, dòng tiền dự án.

Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo.
Để đáp ứng theo tiến độ thực hiện theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", bà Tống Thị Hạnh nêu một số điểm còn bất cập. Hiện nay, các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang hoạt động đều thực hiện nhiều chức năng, và việc đầu tư hoặc hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội (NOXH) không phải là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của các quỹ này.
Chính vì vậy, cần thiết phải lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ NOXH, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho thuê.
Theo bà, các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp kéo dài; cần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng NOXH, do đó cần thiết bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, cắt giảm được 65 ngày so với quy trình hiện hành…

Cần tích cực đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm, đưa giá Bất động sản về mức hợp lý hơn.
Đối với việc xác định giá bán, giá thuê NOXH, bà Tống Thị Hạnh cho rằng, vẫn còn những vướng mắc như kéo dài thời gian thẩm định, gây khó khăn cho chủ đầu tư do phải thực hiện thẩm định giá 2 lần, không chủ động được phương án kinh doanh, dòng tiền dự án…
"Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH còn chưa phù hợp với chủ trương sáp nhập, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, các quy định chưa đa dạng hóa cho địa phương trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển NOXH", bà Tống Thị Hạnh nêu.
TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam đề xuất, đối với địa phương cần xác định nhu cầu về NOXH, nhà ở phù hợp với thu nhập người dân có nhu cầu ở thực; cần phải đặt ưu tiên trong các nhiệm kỳ của địa phương về quy hoạch đất và tạo lập mặt bằng sạch cho dự án NOXH; Địa phương cần ban hành cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút nhà đầu tư xây dựng NOXH; cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng "cò mồi", thổi giá, đấu giá bất thường…
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ông Khôi đề xuất cần tháo gỡ pháp lý, quy hoạch, quỹ đất, định giá đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành NOXH nhằm góp phần tăng nguồn cung NOXH; tạo lập nguồn vốn với lãi suất thấp, đa dạng nguồn vốn thông qua thành lập Quỹ phát triển nhà ở…
Đối với doanh nghiệp, ông Khôi kiến nghị, cần tích cực đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm, đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn; Đề xuất chuyển đổi quỹ đất nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư… sang NOXH; Đề xuất đưa quỹ đất của doanh nghiệp đang có quyền sử dụng vào đầu tư NOXH; Đồng hành mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt cùng Chính phủ trong đầu tư xây dựng NOXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Giải pháp về nguồn vốn theo kinh nghiệm quốc tế
Đề xuất các giải pháp theo kinh nghiệm quốc tế, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia phân tích: Với một số tiêu chí, Chính phủ phải đóng vai trò tạo lập và quản lý quỹ, giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ vận hành, dẫn dắt định hướng, quy định cách thức hoạt động của quỹ,
Theo ông, vai trò của quỹ là hỗ trợ nguồn lực tài chính thông qua cho vay, bảo lãnh, giúp tiếp cận nhà ở giá rẻ cho đúng đối tượng được quy định. Nguồn vốn hoạt động gồm 2 nguồn chính: vốn ngân sách Nhà nước và từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động của quỹ.
Đối tượng được hỗ trợ về phía cung (các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NOXH) gồm cả các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và doanh nghiệp tư nhân. Về phía cầu, hỗ trợ người dân có nhu cầu mua/thuê NOXH, tập trung vào người yếu thế trong xã hội (thu nhập thấp…); người trẻ tuổi (mới tốt nghiệp, dưới 35 tuổi, độc thân, vợ chồng mới kết hôn, người chưa có nhà ở…).
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nguồn vốn cho phát triển NOXH, PGS.TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ (Học viện Ngân hàng)cho rằng các mô hình từ Úc, Canada, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia mang lại bài học giá trị cho Việt Nam. Mỗi quốc gia đều áp dụng mô hình riêng, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, nhưng đều nhấn mạnh chiến lược dài hạn, nguồn vốn đa dạng và phối hợp hiệu quả giữa các bên.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng cơ chế điều phối tập trung, vốn bền vững, và thu hút tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả NOXH.
Theo PGS.TS Trần Việt Dũng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các mô hình thành công thường có chiến lược dài hạn, cơ quan điều phối hiệu quả và nguồn vốn đa dạng. Thổ Nhĩ Kỳ với TOKI tập trung hóa đảm bảo đồng bộ nhưng thiếu linh hoạt, trong khi Indonesia tận dụng hợp tác đa bên để huy động tư nhân và cộng đồng. Trung Quốc và Canada kết hợp ngân sách công với các công cụ tài chính sáng tạo như vay ưu đãi và quỹ đầu tư, còn Úc và Hàn Quốc chú trọng bảo lãnh và hỗ trợ thanh niên.
Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng cơ chế điều phối tập trung, vốn bền vững và thu hút tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả NOXH. PGS.TS Trần Việt Dũng đưa ra một số khuyến nghị: cần tăng cường chính sách tín dụng và nguồn vốn; cải cách quy hoạch và quỹ đất; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng đối tượng và điều chỉnh cơ chế giá; tăng cường vai trò các bên và các giải pháp bổ trợ.
Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo "Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội". Nghị quyết dự kiến được thông qua ngày 29/5 tại kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đây là quyết sách sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội. Đáng chú ý, Nghị quyết sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH); lựa chọn nhà đầu tư thay vì phải đấu thầu, thành lập Quỹ nhà ở quốc gia.