Hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp

Tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bắc Ninh Khóa XIX, nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn của công tác đầu tư công; hỗ trợ phát triển dân ca Quan họ; phát triển làng Gốm Phù Lãng…

Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công

Góp ý vào Tờ trình đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (lần 4), theo Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Minh Hiếu, sau 3 lần điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 từ nguồn vốn Trung ương giao, tiến độ giải ngân các dự án thuộc địa phương thực hiện... kế hoạch vốn vẫn đạt thấp so với chỉ tiêu ban đầu; khả năng đạt chỉ tiêu về nguồn vốn từ tiền sử dụng đất mới đạt 27%.

Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Khánh Duy

Vì vậy, để cân đối nguồn vốn đầu tư công, bảo đảm đủ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì việc điều chỉnh đồng bộ, tích hợp thống nhất nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.

Theo ông Vũ Minh Hiếu, cần tiếp tục rà soát nguồn vốn và danh mục bố trí mức vốn, bảo đảm phù hợp với tiêu chí và nguyên tắc phân bổ; tích hợp thực hiện các dự án, chương trình phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa, cân đối trong các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu phát triển ở địa phương.

"Chủ động cập nhật nguồn tăng thu, tiếp kiệm chi hàng năm, nguồn từ ngân sách Trung ương. Dự báo nguồn, khả năng thu từ các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, nguồn thu tại các đơn vị sự nghiệp, nguồn bội chi. Cùng với đó, có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tăng tỷ lệ giải ngân" - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu huyện Yên Phong chia sẻ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp điều chỉnh giảm nguồn vốn một số dự án chưa quyết toán, nhưng chưa có biện pháp đôn đốc, dẫn đến chưa đánh giá được hiệu quả đầu tư. Đại biểu đề nghị, phải xem xét lại một số công trình chưa thực hiện quyết toán và có biện pháp đột phá trong việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng chuyển nguồn sang năm sau.

Ở góc nhìn khác, đại biểu huyện Quế Võ đề nghị, các đơn vị được phân bổ vốn giải thích rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, lý do đề nghị chuyển nguồn, thu hồi. Trong khi, thực tế nhu cầu của đối tượng thụ hưởng là rất cấp thiết.

Góp ý vào tờ trình Dự án phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, đại biểu huyện Quế Võ đồng tình cao với nội dung của tờ trình trong việc phát huy hiệu quả làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút khách du lịch, nhất là khác du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, xem xét lại việc dùng từ ngữ trong Dự án và Tờ trình cho phù hợp.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Sau 14 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và lan tỏa Dân ca Quan họ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ Dân ca Quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi trong và ngoài nước tham gia.

Để phát huy sức lan tỏa của Dân ca Quan họ, đồng thời khuyến khích, động viên các thế hệ, lứa tuổi tiếp tục tham gia vào các hoạt động văn hóa và truyền tải, quảng bá Dân ca Quan họ; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 175/2019/NQ-HĐND về việc "Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành trong tỉnh; mức quà tặng cho các làng Quan họ gốc ngoài tỉnh, các câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh". Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã hỗ trợ hoạt động cho các làng Quan họ, câu lạc bộ Dân ca Quan họ với kinh phí là 21.650 triệu đồng; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nói chung và dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bắc Ninh, việc quy định hình thức quà tặng cho các câu lạc bộ Dân ca Quan họ ngoài tỉnh còn vướng mắc; đối tượng hỗ trợ chỉ bó hẹp trong q loại hình di sản văn hóa là Quan họ Bắc Ninh; một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống khác, như Tuồng, Chèo, Ca trù, Rối nước, Trống quân... trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh khẳng định, việc bổ sung một số loại hình nghệ thuật văn hóa, thống nhất hình thức hỗ trợ kinh phí hoạt động sẽ góp phần phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo cam kết của tỉnh với UNESCO và đáp ứng hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Đồng tình với Tờ trình số 297/TTr-UBND của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh, các câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh tại kỳ họp; Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát kỹ các đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm chính xác, công bằng, công khai. Đồng thời, hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời để các đơn vị sớm nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/hien-ke-kien-nghi-nhieu-giai-phap-i345616/