Hiến kế làm đường sắt tốc độ cao

Hôm nay (9/1), Trường Đại học GTVT phối hợp Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế về: 'Xây dựng Đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam và Kinh nghiệm của Trung Quốc'.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, hội thảo quy tụ các nhà khoa học và chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đường sắt đến từ Trường Đại học Giao thông Tây Nam - trường hàng đầu về đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc, Trường Đại học Giao thông vận tải, các nhà khoa học, cựu sinh viên của Nhà trường đang làm việc trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao từ châu Âu.

Hội thảo thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao.

Hội thảo thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao.

"Mục tiêu của hội thảo giúp tổng kết những bài học thành công của hệ thống đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, để từ đó gợi mở những giải pháp kỹ thuật tối ưu áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT nhấn mạnh.

Tại hội thảo, những vấn đề kĩ thuật công nghệ cốt lõi của đường sắt tốc độ cao như: Kinh nghiệm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc; các giải pháp kỹ thuật trong xử lý nền đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và châu Âu; vấn đề lựa chọn kết cấu công trình và phương tiện đường sắt, vấn đề tiếp xúc tàu - đường ray; giải pháp điều khiển - tín hiệu, điện khí hóa trong đường sắt tốc độ cao, và những vấn đề khoa học kỹ thuật quan trọng khác đã được thông tin, trao đổi thẳng thắn làm sáng tỏ nhiều vấn đề kĩ thuật hiện đại, phức tạp và liên ngành, giúp củng cổ nền tảng khoa học kĩ thuật và tiến thêm một bước vững chắc đến việc xác lập vị thế làm chủ công nghệ cốt lõi của đường sắt tốc độ tại Việt Nam.

Nhóm các giảng viên của Trường Đại học GTVT đã trình bày nghiên cứu các đề xuất kĩ thuật cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam. Theo nhận định của nhóm, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, khoảng cách dưới 800km, di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao là phù hợp, từ 1.000km trở lên mới nên đi máy bay.

Đường sắt tốc độ cao khi triển khai tại Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề như nền đất yếu, yếu tố thời tiết và ánh nắng mặt trời. Nhóm nghiên cứu của TS. Trịnh Việt Nam (Cộng hòa Pháp) tập trung vào vấn đề thiết kế nền đường sắt cao tốc tại Pháp, Anh và các đề xuất cho Việt Nam.

TS Trịnh Việt Nam đề xuất 3 nội dung là lựa chọn công nghệ, kết cấu mặt đường sắt cao tốc, thiết lập bộ tiêu chuẩn kĩ thuật đường sắt cao tốc và đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài cho ngành đường sắt.

Sau hội thảo, khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế đường sắt tốc độ cao được trường Đại học GTVT và Đại học Giao thông Tây Nam đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 100 kĩ sư, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, công ty doanh nghiệp; cung cấp những kiến thức bổ ích về Tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao, thiết kế nền, kết cấu phần trên, cầu và hầm đường sắt tốc độ cao theo tiêu chuẩn Trung Quốc và châu Âu, đáp ứng với nhu cầu kiến thức thực tiễn của ngành đường sắt Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hien-ke-lam-duong-sat-toc-do-cao-192250109135657024.htm